Giải vây hàng trăm tấn rau xóa đói giảm nghèo ở Bạc Liêu
Bạc Liêu: Thu hoạch nhiều mà thương lái ít, cần giải vây hàng trăm tấn rau xóa đói giảm nghèo
Trần Khánh
Thứ ba, ngày 27/07/2021 09:19 AM (GMT+7)
Hơn 200 tấn rau má và rau cần nước của nông dân xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) đã đến kỳ thu hoạch hoặc quá lứa nhưng không có thương lái đến thu mua.
Trồng rau má và rau cần nước là những mô hình dễ làm, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long nhiều năm nay.
Rau má xóa đói giảm nghèo
Rau má là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, dễ chăm sóc với chi phí đầu tư thấp, lại thu hoạch được nhiều đợt trong năm. Mô hình trồng rau má ở xã Vĩnh Thanh đã thịnh hành từ hơn 2 năm nay.
Hiện toàn xã Vĩnh Thanh có hơn 20 ha trồng rau má. Cây rau má giúp nhiều nông dân trong xã nâng cao thu nhập nhờ cải tạo vườn tạp; tận dụng đất trồng quanh nhà hoặc trồng ngay trên đất ruộng kém hiệu quả.
Ông Phan Văn Đệ ở ấp Vĩnh Đông (xã Vĩnh Thanh) cho biết, với 1 công (1 công = 1.000m2) đất trồng rau má, người dân có thể thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm.
Ông Đệ có 500m2 đất quanh nhà trồng cây rau má. Mỗi năm ông thu nhập trên dưới 150 triệu đồng.
Tại ấp Tường III B (xã Vĩnh Thanh), ông Nguyễn Văn Tâm kể, sau khi chuyển đổi 2 công đất ruộng sang trồng rau má, gia đình ông có thu nhập ổn định hơn trước.
Theo ông Tâm, trồng rau má cứ sau 20 ngày là thu hoạch 1 đợt. Năng suất trung bình từ 1,5-2 tấn/công.
Trước dịch Covid-19, rau má được thương lái đến thu mua tại vườn có giá từ 7.000-8.000 đồng/kg; có lúc dao động khoảng 16.000-18.000 đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí, ông Tâm lãi từ 6-7 triệu đồng/công/tháng. "Vào thời điểm rau má có giá cao, thì lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi", ông Tâm kể.
Mô hình trồng rau má dưới ruộng hay đất tạp trên vườn nhà vì thế được nhiều nông dân xã Vĩnh Thanh áp dụng.
Hoặc một số xã có vùng ngọt ổn định của huyện Hòa Bình cũng đã mạnh dạn chuyển đổi và được khuyến khích vì thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trồng rau cần nước cũng là mô hình hiệu quả khác ở xã Vĩnh Thanh. Ông Huỳnh Trung Thủ - Giám đốc HTX Tám Tháng Ba cho biết, khác với rau má, cần nước là loại rau đã gắn bó với người dân nơi đây hơn 30 năm.
Lúc đầu, người dân chỉ trồng rau cần nước để cải thiện bữa ăn gia đình. Về sau, người dân thấy rau cần nước thích nghi và phát triển tốt. Rau có mùi thơm đặc trưng, dễ kết hợp với các món ăn khác nên người dân mạnh dạn mở rộng quy mô.
Theo Phòng NNPTNT huyện Phước Long, toàn huyện hiện có 44ha rau cần nước, tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Đông và Hưng Phú.
Rau cần nước vốn dễ trồng, đầu ra ổn định, không đòi hỏi nhiều diện tích đất canh tác. Rau cần nước cho lợi nhuận khá cao, cứ sau 2 tháng, người trồng có thể thu lãi cả chục triệu đồng/ha.
Rau cần nước vì thế đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu và tạo vùng nguyên liệu rau sạch cho địa phương.
Tồn đọng hàng trăm tấn rau
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Bạc Liêu cùng với 18 tỉnh thành thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng là thời điểm mà nhiều cây trồng vật nuôi trong tỉnh đến thời kỳ thu hoạch.
Ông Dương Văn Vui ở xã Vĩnh Thanh kể, ưu điểm của rau cần trồng trong nhà lưới là không bị sâu bệnh gây hại. Vì thế không cần phải sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng vi sinh, tạo ra sản phẩm sạch. Các chợ đầu mối ngoài tỉnh, nhất là TP.HCM rất ưa chuộng.
Người có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ rau xanh ở xã Vĩnh Thanh xin liên hệ:
. Đại diện UBND xã Vĩnh Thanh: 0946.706.353
. Ông Huỳnh Trung Thủ - Giám đốc HTX Tám Tháng Ba: 0913.097.134
Nhưng dịch bệnh khiến thương lái hạn chế lấy rau, lượng rau tồn đọng khá lớn khiến nông dân đứng ngồi không yên vì đã đầu tư nhiều chi phí vào vườn rau.
Ông Huỳnh Trung Thủ cho biết, HTX Tám Tháng Ba trồng khác nhiều các loại rau cần nước, rau má, rau thơm, quế... với khả năng cung cấp 2-3 tấn/ngày.
Theo ông Thủ, dù xe chở hàng hóa đã được tạo điều kiện đi lại nhưng các chợ đầu mối nông sản đã đóng cửa. Vì vậy, có chở rau lên TP.HCM cũng không biết bán cho ai.
UBND xã Vĩnh Thanh ước tính, toàn xã đang có hơn 200 tấn rau má, rau cần nước đã đến kỳ thu hoạch hoặc quá lứa.
Hầu hết rau má rau và cần nước ở xã Vĩnh Thanh được tiêu thụ tại TP.HCM nhưng đang thiếu phương tiện vận chuyển lên thị trường này.
Thời gian qua, chính quyền địa phương và nhiều hội đoàn thể cùng vào cuộc giúp người dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch.
Hội Phụ nữ huyện Phước Long đã kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ mua rau với số lượng gần 10 tấn.
Hàng tấn rau đã được nhiều người trong tỉnh đặt mua với giá bình quân chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Nhiều chuyến xe với số lượng lớn cũng đã được chở thẳng lên TP.HCM cho những tổ chức, cá nhân nấu cơm từ thiện.
Tuy nhiên, vẫn còn số lượng các loại nông sản khác của tỉnh đang tới kỳ thu hoạch, cần tiêu thụ.
Theo số liệu từ Sở NNPTNT Bạc Liêu, dự kiến từ ngày 20/7 đến ngày 15/9, rau màu thu hoạch toàn tỉnh ước sản lượng hơn 30.000 tấn. Nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh khoảng 13.000 tấn; cần xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh hơn 18.000 tấn.
Các loại rau màu nói chung ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) cung cấp ra thị trường 39 tấn/ngày. Tiêu thụ tại địa phương 7 tấn/ngày, hiện tồn 32 tấn/ngày cần tiêu thụ.
Ông Kiều Quốc Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) cho biết, bà con đã cực khổ làm ra sản phẩm, nếu không tiêu thụ được còn cực khổ hơn.
Ông Văn chia sẻ, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, UBND xã đã tham mưu, xin ý kiến huyện để kết nối với các kênh tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân có được đầu ra ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.