Trong số những Hoàng đế khai quốc của lịch sử Trung Hoa, Chu Nguyên Chương là một vị quân chủ có xuất phát điểm tương đối thiệt thòi.
Thế nhưng dù có xuất thân từ tầng lớp bần nông và thậm chí đã từng có giai đoạn làm hòa thượng và đi khất thực, vị Hoàng đế khai sáng cơ nghiệp Minh triều ấy vẫn được xem là một vị quân chủ vĩ đại của Trung Quốc.
Tuy nhiên mặc dù đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử, tên tuổi của vị vua ấy vẫn có một "vết đen" ngàn đời khó gột rửa. Và cũng chính nét bút hỏng trong cuộc đời của Chu Nguyên Chương năm xưa đã trở thành "lời nguyền" đẫm máu đoạt mạng hàng chục khai quốc công thần thời bấy giờ.
Chế độ hậu đãi "trong mơ" dành cho các khai quốc công thần vào đầu thời nhà Minh
Chân dung Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương - Hoàng đế khai quốc của vương triều Đại Minh trong lịch sử Trung Hoa.
Trên phương diện trị quốc, có ý kiến cho rằng Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là một Hoàng đế có phần hà khắc khi áp dụng những hình thức xử phạt tàn bạo không kém so với Tần Thủy Hoàng năm xưa.
Thế nhưng ở vào thời điểm mới gây dựng Minh triều, ông lại rất mực hậu đãi cho những chiến tướng đã từng vào sinh ra tử vì mình.
Năm 1370, Chu Nguyên Chương tiến hành luận công ban thưởng và phong chức tước cho các đại thần. Nếu đánh giá cấp bậc tước vị thời bấy giờ thì tước Công và tước Hầu là cao quý hơn cả.
Trong số những quan lại được ban thưởng khi đó, có 6 người được phong tước Công, bao gồm Lý Thiện Trường, Từ Đạt, Thường Mậu (con trai Thường Ngộ Xuân), Lý Văn Trung, Phùng Thắng, Đặng Dũ.
Những người này là các khai quốc công thần có công lớn nhất, có thể được ví như tinh anh trong số tinh anh và đều là bậc anh hùng dũng sĩ có tài năng vô cùng xuất chúng.
Song song với đó, 28 vị Đại tướng quân cũng được nhà vua phong tước Hầu, có thể kể tới một số tên tuổi như Thang Hòa, Cảnh Bính Văn, Chu Lượng Tổ...
Như vậy ở vào thời điểm lúc bấy giờ, Minh triều có tổng cộng 34 khai quốc công thần được phong tước Công, Hầu và rất được triều đình khoản đãi.
Việc nhà vua ban cho họ quan cao lộc dày cũng được xem là xứng đáng, bởi các nhân vật nói trên đều là những người từng vì Chu Nguyên Chương mà vào sinh ra tử, đánh đông dẹp bắc, hy sinh cả cuộc đời để giúp Đại Minh có được thiên hạ.
Chu Nguyên Chương từng được xem như là một trong các hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng to lớn của mình với đất nước
Không chỉ dừng lại ở việc ban cho chức tước, Minh Thái Tổ còn tặng cho gia tộc của các vị công thần ấy vô số điền sản. Những chức vụ cao cấp nhất trong triều đình lúc bấy giờ cũng đều về tay các khai quốc công thần.
Trong số đó, những người nắm quyền cao hơn cả phải kể tới Lý Thiện Trường với chức Tả Thừa tướng, Từ Đạt là Hữu Thừa tướng, Lý Văn Trung được phong Đại đô đốc – chức quan đứng đầu trong hàng ngũ quân đội triều đình.
Thế nhưng sự hậu đãi của Chu Nguyên Chương không chỉ dừng lại ở bổng lộc hay chức tước. Ông còn dành cho họ một thứ đặc quyền đặc lợi mà các quan lại trước đó có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.
Bấy giờ, Minh Thái Tổ đã phá lệ ban cho các khai quốc công thần của mình một thứ "thần vật" được gọi là Thiết Khoán. Thứ "thần vật" này thậm chí còn giá trị gấp nhiều lần so với thượng phương bảo kiếm hay kim bài miễn tử.
Chỉ cần có trong tay Thiết Khoán, bản thân các vị đại thần cùng con cháu của họ dù có phạm tội nặng tới đâu cũng sẽ được miễn tử tới mấy lần.
Thế nhưng vào thời điểm ấy, không ai trong số những khai quốc công thần này có thể lường trước được rằng việc nắm trong tay "thần vật" Thiết Khoán lại chính là khởi đầu cho những bi kịch chết chóc sắp đón chờ họ ở phía trước.
"Lời nguyền" đoạt mạng hàng loạt công thần dưới thời Minh Thái Tổ: Vì đâu nên nỗi?
Từng rất được Hoàng đế khoản đãi, nhưng các văn thần, võ tướng có câu trước sau đều bị chính quân chủ thanh trừng vì những lý do nhạy cảm. (Tranh minh họa).
Kể từ khi được ban Thiết Khoán, không ít người trong số các đại thần thời bấy giờ đã trở nên tha hóa, biến chất. Thậm chí ngay tới con cháu của họ cũng ỷ vào thứ "thần vật" miễn tử này mà càng lúc càng trở nên coi thường vương pháp.
Ỷ vào sự hậu đãi của nhà vua, nhiều đại thần và con cháu của họ đã phạm phải không ít các đại tội như áp bức bách tính, chiếm đoạt đất đai, buôn lậu trốn thuế, cưỡng bức phụ nữ, tham ô, nhận hối lộ…
Và sự thực là những công thần ấy đã bỏ ngoài tai một đạo lý muôn đời chưa bao giờ sai - "Gần vua như gần hổ".
Chứng kiến những thuộc hạ vào sinh ra tử của mình càng lúc càng coi nhẹ hoàng quyền, Chu Nguyên Chương đã coi họ là thế lực uy hiếp tới sự ổn định lâu dài của vương triều mà mình mới thành lập.
Đây cũng là nguyên nhân khiến vị Hoàng đế ấy đã quyết tâm đại khai sát giới và thay máu nội bộ triều đình.
Việc Chu Nguyên Chương tàn sát công thần vốn có một phần nguyên nhân đến từ những thói hư tật xấu của chính các quan viên lúc bấy giờ.
Sau khi Minh triều thành lập không lâu, hàng chục khai quốc công thần dưới trướng Minh Thành Tổ đã dần bị vị vua này thanh trừng một cách thẳng tay.
Và điều đáng nói là đa số họ đều bị quy vào hai tội danh rất khuôn mẫu: Một là mưu phản, hai là chịu án liên đới (một người phạm tội, cả nhà vạ lây).
Những người bị Chu Nguyên Chương "khai tử" đầu tiên phải kể tới Đức Khánh Hầu Liêu Vĩnh Chung và cha con Vĩnh Hầu Gia Chu Lượng Tổ.
Liêu Vĩnh Chung bị xử tử vào năm 1375 vì mặc quần áo có thêu hình long phụng (vốn là họa tiết trang trí dành riêng cho Hoàng đế), từ đó bị khép vào tội có dã tâm soán ngôi đoạt vị.
Cha con Vĩnh Hầu Gia Chu Lượng Tổ cũng bị đánh bằng roi cho tới chết vào năm 1380. Nguyên nhân là bởi Chu Lượng Tổ lạm sát thuộc hạ, nhận hối lộ của phú thương, cả hai bị khép vào tội ngạo mạn, vô lễ.
Tiếp nối cho những màn thanh trừng đẫm máu nói trên là vụ án Lâm Xuyên Hầu Hồ Mỹ bị xử tử vào năm 1384. Sau đó là Chu Văn Chinh (cháu ruột nhà vua) cũng bị sát hại vì cưỡng bức phụ nữ và dám dùng họa tiết long phượng trang trí trong phòng ngủ.
Đặc biệt, Minh Thái Tổ còn tạo nên những vụ án lên để càn quét triệt để các văn thần võ tướng bị cho vào tầm ngắm. Trong đó nổi bật là vụ đại án của Tể tướng Hồ Duy Dung (năm 1380) và vụ án Lương Quốc Công Lam Ngọc (năm 1393).
Cùng với Hán Cao Tổ Lưu Bang, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là một trong số các Hoàng đế tàn sát công thần nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Nếu những quan lại nói trên ít nhiều đều có tật xấu nên mới bị trừ khử, thì số ít các công thần có phẩm chất và có lòng tận tâm báo quốc cũng không thoát khỏi "lời nguyền" đoạt mạng.
Bằng chứng là một vị quan đức độ và thẳng thắn như Tào Quốc Công Lý Văn Trung cũng khó tránh khỏi kết cục chết chóc.
Lý Văn Trung vốn là cháu ngoại Chu Nguyên Chương, từng nhiều lần nam chinh bắc chiến và lập không ít chiến công bất hủ. Ông được đánh giá là người văn võ song toàn, lại được giao đảm nhiệm chức Đại đô đốc và nắm quyền lãnh đạo quân đội tối cao.
Thế nhưng chỉ vì phê bình Hoàng đế lệ thuộc vào hoạn quan và đối xử với quan lại quá mức hà khắc, Lý Văn Trung đã bị Chu Nguyên Chương đầu độc đến chết, lý do chỉ đơn giản là vì ông "thân cận Nho sinh", "lễ hiền hạ sĩ".
Tương truyền rằng trước lúc qua đời, ông từng nói với nhà vua:
"Thần thành thật khuyên Hoàng đế một câu: Ít giết người, đề phòng hoạn quan làm ác".
Chu Nguyên Chương nghe xong câu ấy liền suy diễn rằng những người bên cạnh đã xúi giục Lý Văn Trung, liền hạ lệnh diệt tộc đối với thầy thuốc của ông và hơn 60 nô tỳ trong Lý phủ.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, mặc dù ngoài mặt tỏ ra tức giận vì lời can gián của cháu mình, thế nhưng Chu Nguyên Chương vẫn âm thầm ghi nhớ và tiếp thu. Ông đã hạ lệnh cấm hoạn quan tham dự triều chính, cũng không cho phép tầng lớp này học chữ, nếu vi phạm sẽ bị lăng trì xử tử.
Những vụ đại án thanh trừng xảy ra liên tiếp vào đầu thời nhà Minh thường được dân gian ví như "lời nguyền" đoạt mạng các khai quốc công thần của vuơng riều này.
Một trường hợp công thần chết oan uổng khác dưới thời Minh Thái Tổ phải kể tới vợ chồng của Tể tướng Từ Đạt.
Sinh thời, Từ Đạt có thể ví như đệ nhất khai quốc công thần của Đại Minh. Ông vốn là người trung hậu lễ nghĩa, lại thân thiết với Chu Nguyên Chương từ lúc còn nhỏ.
Một trong những điểm mà nhà vua đã từng rất vừa ý ở Từ Đạt đó chính là sự nhát gan của vị quan này.
Năm xưa vợ của Từ Đạt vì không được lòng Hoàng đế nên đã bị xử tội chết vì một câu nói bị cho là phản nghịch. Vị tể tướng họ Từ này dù biết nhưng cũng không dám thể hiện ra nửa điểm oán thán.
Sau này, Từ Thừa tướng mắc phải bệnh lạ và phải tuyệt đối kiêng thịt ngỗng, thế nhưng Hoàng đế lại cố tình ban thưởng cho ông một con ngỗng quay và buộc ông ăn hết.
Từ Đạt bấy giờ đã hành động của nhà vua cũng giống như chuyện Tào Tháo giết Tuân Úc năm nào, vì vậy liền uống thuốc độc tự sát.
Có giai thoại thì truyền lại rằng vì buộc phải ăn món thịt ngỗng vua ban nên bệnh tình của ông trở nặng và qua đời không lâu sau đó ở tuổi 54.
Bên cạnh những đại thần bị xử tội vì tha hóa, hủ bại, số ít những quan viên có lòng với đất nước cũng bị cuốn vào công cuộc thanh trừng của Minh triều kh đó.
Cứ như vậy, đa số những khai quốc công thần còn lại cũng có kết cục không khác so với những đại thần nói trên là bao. Đặc biệt là từ sau năm 1392 trước cái chết của Thái tử, Chu Nguyên Chương càng lúc càng trở nên đa nghi và hám sát.
Ngay trong năm ấy, ông đã thanh trừng cha con đại thần Chu Đức Hưng vì có liên quan tới đại án của Hồ Duy Dung khi xưa.
Năm 1394, Phó Hữu Đức tự sát, toàn bộ thân nhân của vị quan này bị đày đến Liêu Đông và Vân Nam. Sau đó 3 tháng, đại thần Vương Bật cũng bị giết.
Đến năm 1395, Chu Nguyên Chương tiếp tục mượn cớ để thanh trừng Tống Quốc Công Phùng Thắng.
Như vậy trong số 34 khai quốc công thần được phong Công, phong Hầu, có xấp xỉ trên dưới 30 người bị vong mạng, số ít trong đó còn phải chịu thảm án diệt môn.
4 nhân vật may mắn thoát chết trong công cuộc thanh trừng của Chu Nguyên Chương: Chỉ có 2 người được yên ổn chết già !
Trong số hàng chục khai quốc công thần từng được luận công ban thưởng, chỉ có một vài người là may mắn không bị Minh Thái Tổ trừ khử.
Nhìn lại số phận của các khai quốc công thần dưới thời Chu Nguyên Chương, tổng quan chỉ có duy nhất 4 người là không chết bởi tay vị Hoàng đế này.
Nhân vật may mắn đầu tiên trong số đó là đại mưu sĩ Lưu Cơ – tức Lưu Bá Ôn. Nguyên nhân khiến ông qua đời được công bố là do trọng bệnh, tuy nhiên thực chất ông bị bè phái của Hồ Duy Dung hạ độc và mất vào năm 1375.
Một nhân vật khác không bị Chu Nguyên Chương ra tay sát hại là đại tướng Thang Hòa – người từng có công cứu mạng Hoàng đế. Ông vốn rất hiểu tâm tính của nhà vua nên đã cẩn thận lo xa, sau khi sự nghiệp thành công thì vội giao lại binh quyền và cáo lão về quê.
Năm 1390, vị tướng họ Thang ấy bị trúng gió và liệt cả cơ thể. Có ý kiến cho rằng chính thể trạng này mới là nguyên nhân giúp ông may mắn thoát khỏi những cuộc thanh trừng đẫm máu của vị quân chủ mà mình từng phụng sự.
Những người may mắn thoát khỏi công cuộc thanh trừng của Chu Nguyên Chương đều là các quan lại biết giữ mình hoặc là tâm phúc thân cận của nhà vua.
Trong số những người giữ tước Công, Hầu, chỉ có duy nhất 2 vị đại thần là may mắn sống sót. Đó là Trường Hưng Hầu Cảnh Bính Văn và Vũ Định Hầu Quách Anh.
Về Cảnh Bính Văn, mặc dù thoát khỏi tầm ngắm của Chu Nguyên Chương, thế nhưng số phận của ông sau đó cũng chẳng may mắn hơn là bao.
Sau khi Thái Tổ qua đời, Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn lên ngôi kế vị. Không lâu sau đó, Chu Đệ phát động phản loạn, vị Hoàng đế trẻ đã hạ lệnh cho Cảnh Bính Văn (năm ấy đã 65 tuổi) đem quân đi trấn áp. Tuy nhiên thất bại trước phản quân đã khiến cho vị tướng họ Cảnh này bị bại trận và cách chức.
Hai năm sau khi Chu Đệ làm phản và xưng đế thành công, Cảnh Bính Văn bị tố giác là sử dụng họa tiết long phượng cho quần áo và các vật dụng trong nhà, do đó bị khép vào tội mưu phản.
Cảnh Bính Văn biết rõ đây vốn là đòn trả thù của Chu Đệ vì năm xưa ông từng theo phò Kiến Văn đế, do đó đã chủ động tự sát.
May mắn nhất trong hàng ngũ khai quốc công thần có lẽ chính là Vũ Định Hầu Quách Anh – người hiếm hoi có cơ hội được yên ổn chết già sau Thang Hòa.
Luận về phẩm chất, Quách Anh có lẽ không thể bì được với những đại thần đức hạnh như Từ Đạt hay Lý Văn Trung. Đã từng có giai đoạn, trong phủ của vị quan họ Quách này có tới hơn 150 gia nô, thậm chí ông còn tự tiện sát hại ít nhất 5 mạng người.
Thế nhưng do được xem là tâm phúc hàng đầu của Chu Nguyên Chương, Quách Anh mới may mắn sống sót qua những màn gió tanh mưa máu trong triều lúc bấy giờ.
Như vậy trong số 34 đại công thần được phong tước Công, Hầu năm xưa, chỉ có hai người hiếm hoi là Thang Hòa và Quách Anh là may mắn có được kết cục ít bi thảm hơn cả.
Đánh giá về sự nghiệp của Chu Nguyên Chương, sử gia Triệu Dực đời nhà Thanh đã từng nhận định: "Thái Tổ nhờ vào công thần mà có được thiên hạ, sau khi việc đã thành thì lại giết hại những người đã giúp mình lấy thiên hạ, luận về tàn nhẫn thì thiên cổ chẳng ai sánh bằng".
Chính "lời nguyền" đoạt mạng hàng chục khai quốc công thần như trên đã trở thành một "nét bút hỏng" trong cuộc đời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và khiến tên tuổi của ông bị gắn với những tính từ tiêu cực như hám sát, tàn bạo.
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.