Lời nguyền dưới tán gừa khổng lồ đất Tây Đô

Thứ năm, ngày 08/03/2012 14:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đất Tây Đô có tán gừa (họ nhà si) hàng trăm năm tuổi. Thời buổi đất quý hơn vàng, vậy mà cây gừa này đã vô tư "lấn chiếm" gần 5.000m2 đất và đang lớn dần theo từng năm. Không một ai dám phá cây gừa này bởi họ tin tán gừa chứa nhiều điều bí ẩn…
Bình luận 0

Người ta buộc phải nhường đất cho cây gừa, bởi sợ lời nguyền bí ẩn của dòng họ Nguyễn sẽ linh ứng: "Ai phá dù chỉ 1 nhánh cây gừa cũng sẽ chết!". Chẳng biết có trùng hợp không bởi có người đã chết vì lời nguyền nghiệt ngã!

img
Một phần của giàn gừa khổng lồ.

Cây gừa khổng lồ

Bây giờ, người ta đã gọi cây gừa này là giàn gừa, bởi tán cây đã chiếm gần nửa ha đất. Hiện nay, giàn gừa đang được chính quyền quy hoạch để xây dựng "Khu Du lịch sinh thái - sông nước lịch sử Giàn Gừa". Và nơi đây cũng đang được xúc tiến làm thủ tục để trở thành khu di tích.

Để vào được nơi này - thuộc ấp Nhơn Khánh, Nhơn Nghĩa, Phong Điền, TP.Cần Thơ, phải đi bằng xe gắn máy ngoằn ngoèo theo con đường nhỏ, xuyên qua những đám ruộng chỉ còn trơ gốc rạ vàng sậm. Hai bên đường hoang vắng, xa xa mới có một ngôi nhà. Những ngôi mộ rêu phong nằm thấp thoáng 2 bên đường, bên kia bờ ruộng... Cảm giác gai gai sống lưng kéo đến khi không khí trở nên lạnh hơn và xa xa là giàn gừa khổng lồ…

Nhờ lời hẹn trước, tại gốc cây gừa đã có ông Nguyễn Văn Hiển - Trưởng ban quản lý khu này chờ sẵn. Nếu không, giữa buổi trưa tĩnh mịch, không khí lạnh lạnh đầy vẻ âm u, huyền bí giữa giàn gừa có lẽ khó ai có thể ngồi lâu.

Quả lời đồn không sai. Giàn gừa chiếm một khoảng đất quá rộng, đủ để một hộ nông dân sống quanh năm bằng nghề nông. Mà đất vùng này giờ đâu rẻ, hàng tỷ đồng mỗi ha. "Ở miền Tây sông nước này, gừa là giống mọc hoang ven bờ sông, ngoài việc giữ đất thì không có giá trị kinh tế gì. Nhưng riêng cây gừa này không ưu ái cũng không được. Chẳng ai dám động đến, dù chỉ 1 chiếc lá" - ông Hiển quả quyết.

Gốc gừa không lớn. Nhưng cứ mỗi nhánh vươn ra hơi xa gốc một chút lại chấm đất và trở thành 1 gốc phụ. Nhánh này đan quyện với nhánh khác, tất cả hợp thành như giàn giáo khổng lồ. Cứ thế, tán gừa vươn xa, vươn xa mãi. "Đây là cây gừa thứ hai. Cây trước đã bị cháy rụi và tổ tiên chúng tôi phải trồng lại. Lời nguyền bí ẩn cũng đã khai sinh từ ngày cây gừa đầu tiên bị cháy" - ông Hiển kể.

Phá cây, mang hoạ?

Theo lời kể của gia đình ông Hiển, vào năm 1857, ông cốc của ông Hiển (ông Hiển năm nay đã 71 tuổi), từ đất Tiền Giang lặn lội về đây khai khẩn, mở đất. Thời đó cả vùng này hoang vắng và cây gừa đã xuất hiện tự lúc nào. Đất lúc đó thì nhiều, nhưng ngặt nỗi là cây gừa lại ung dung chiếm vị trí đắc địa là gò cao, màu mỡ. Những người trong dòng họ Nguyễn ngày đó cứ nằm đêm trăn trở: "Cây gì lớn, thuộc dạng cổ thụ thì đâu ai dám phá. Thần Mộc mạnh lắm. Phá cây, không chết thì gia đình cũng lục đục, chẳng yên". Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tháng này năm nọ, cây gừa cứ ung dung lấn ra thêm mãi, đất màu mỡ ngày càng thu hẹp. Dòng họ Nguyễn quyết định: Phá cây gừa!

Hôm đó, trời nắng như đổ lửa. Một người trong dòng họ lẳng lặng lấy rơm, rạ chất xung quanh cây gừa. Ông tiếp tục xếp rơm rạ thành một đường thẳng, nối dài từ cây gừa đến miếng ruộng sau cây mù u cách đó chừng công đất. Đâu đó xong xuôi, từ cây mù u, ông châm lửa đốt. Gió hiu hiu tiếp sức, và không lâu sau, lửa lan về cây gừa, liếm vào đống rơm và phát hỏa đốt rụi cây dừa. Như 1 vụ hỏa hoạn vô tình. Cây gừa vẫn bốc lửa nghi ngút, chưa cháy hết. Nhưng từ phía xa kia, người nhà của ông đã xuất hiện, chạy hớt hải về phía ông. Ở nhà, 2 người thân của ông vừa đột ngột ngã lăn ra chết. Hồi sáng lúc ông chuẩn bị ra đây, họ còn mạnh khỏe, cười giỡn sân sẩn mà? "Trời ơi! Tại mình, tại mình. Chính mình đã cả gan động tới cây gừa này" - ông kêu trời.

Mỗi năm Giàn Gừa có một lễ chính và 2 lễ phụ: Lễ chính vào ngày 28.2 âm lịch (ngày trồng lại gừa và lập Miếu Bà Cố Hỉ, cách nay 155 năm) để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt... Các lễ phụ vào ngày 27.7 và ngày 22.12 vì nơi đây từng là nơi đóng quân, là căn cứ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Mấy ngày sau, "thủ phạm" đốt cây gừa lẳng lặng bỏ đi biệt xứ. Cũng chẳng ai biết vì lý do gì. Nhưng thảm họa thì chưa dừng lại ở đó. Chưa đầy tháng sau, xóm nhà của dòng họ Nguyễn xuất hiện dịch bệnh. "Đó là dịch tả chú ơi. Mấy chục người đã phải chết" - ông Hiển run run kể.

Nhưng cũng may. Dịch bệnh còn đang hoành hành, thì một ông thầy từ vùng Bảy Núi xuống, đi qua xóm này. Nghe chuyện, ông tới lui xem xét kỹ rồi phán: "Cây gừa là chỗ của Bà ngự. Phá cây gừa, gây họa là phải". Và theo lời dạy của ông thầy, những người trong dòng họ Nguyễn đã lập đàn van vái, cầu xin. Trong khói hương nghi ngút đầy màu sắc huyền bí, họ "cam kết" với Bà: Sẽ trồng lại cây gừa khác và sẽ không ai dám động tới. Từ ngày trồng lại cây gừa đến nay, trải qua hơn trăm năm, mọi người sinh sống ở đấy đều an vui, mạnh khoẻ. Miếu Bà Cố Hỉ cũng được dựng lên từ thời ấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem