Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen.
Lợi nhuận Hoa Sen về đáy 8 năm, thị phần rơi vào tay đối thủ cạnh tranh
Khoảng thời gian Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao, ông Lê Phước Vũ từng nhiều lần nhắc tới quyết tâm mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư các nhà máy ở khu vực miền Trung nhằm mở rộng thị phần ở miền Trung và miền Bắc.
Ðể thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đã dựa vào nguồn tài trợ từ vốn vay. Có thời điểm, trong cơ cấu nợ vay của Hoa Sen, khoản vay ngắn hạn chiếm đến 11.000 tỷ đồng, chủ yếu được sử dụng để tài trợ nguyên vật liệu cho các nhà máy.
Nhưng đối với một doanh nghiệp tăng trưởng dựa vào nợ vay, khi phải đối mặt với những rủi ro khó dự đoán như ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay giá thép cuộn cán nóng (HRC) giữ ở mức cao khiến lợi thế trong việc nhập trước hàng tồn kho không còn, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong 2 niên độ tài chính gần nhất.
Việc mở rộng hệ thống phân phối nhanh trong giai đoạn 2015 - 2018 đã khiến Hoa Sen rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong 2 niên độ tài chính gần nhất.
Theo đó, biên lợi nhuận Hoa Sen đã giảm mạnh về mức thấp kỷ lục trong 3 năm là 8% trong quý cuối của niên độ 2017 – 2018. Cùng với đó, gánh nặng nợ vay trên và lãi vay vai ông Lê Phước Vũ và các cộng sự cũng tăng dần theo thời gian. Bởi từng có thời điểm, tổng số vay nợ tài chính của doanh nghiệp đã lên tới 13.342 tỷ đồng.
Tới thời điểm kết thúc niên độ 2018 – 2019, dù gánh nặng nợ vay đối với doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đã giảm bớt, thể hiện qua chỉ tiêu Hệ số nợ/vố chủ sở hữu của Hoa Sen vào cuối niên độ tài chính 2018 - 2019 giảm xuống 1,7 lần từ mức 2,8 lần vào cuối năm tài chính 2017 – 2018.
Song những rủi ro vẫn hiện hữu khi nhìn vào cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Hoa Sen khi nợ ngắn hạn tại doanh nghiệp vẫn vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.411,767 tỷ đồng.
Thêm vào đó, dù đã cố gắng tiết giảm các khoản chi phí, cơ cấu lại hệ thống phân phối và gia tăng tỷ trọng tôn mạ màu. Song thực tế lợi nhuận sau thuế trong niên độ 2018 – 2019 của Hoa Sen chỉ đạt 361 tỷ đồng, mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 8 năm, tính từ năm 2012. Đây cũng là niên độ tài chính thứ hai liên tiếp, Hoa Sen không thể hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận do ĐHĐCĐ đưa ra.
Trước đó, trong niên độ 2017 – 2018, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ chỉ ghi nhận mức lợi nhuận 409 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 30% so với kế hoạch đề ra.
Thị phần ống thép của Hoa Sen đang dần thuộc về Hoà Phát.
Về thị phần, đối với sản phẩm ống thép, thị phần của Hoa Sen sau 10 tháng của năm 2019 đạt 15,5%, bị doanh nghiệp đứng đầu thị trường là Hòa Phát bỏ xa nhờ chiếm tới 31% thị phần. Còn với sản phẩm tôn, Hoa Sen vẫn duy trì vị thế dẫn đầu nhưng thị phần đã giảm từ 34,3% trong năm 2018 xuống còn 30,1% sau 10 tháng của năm 2019.
Dự kiến vào ngày 13/1 tới đây, Hoa Sen sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Theo thông tin từ doanh nghiệp, với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ vẫn nhận mức thù lao 30 triệu đồng/tháng trong niên độ 2018 - 2019, tương đương mức thù lao ông này đã nhận trong những niên độ tài chính trước đó. Còn các ông Trần Ngọc Chu – Phó Chủ tịch HĐQT hay Trần Quốc Trí – Tổng Giám đốc, dự kiến sẽ nhận mức thù lao từ 20 – 25 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, chỉ cần Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đã kiểm toán niên độ 2019 – 2020 đạt hoặc vượt 400 tỷ đồng, ông Lê Phước Vũ và các thành viên trong HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cùng các chức danh, đơn vị trực thuộc HĐQT sẽ nhận thêm số tiền thưởng ít nhất là 7,6 tỷ đồng.
“Vua tôn” Lê Phước Vũ và bài toán tồn tại trước sàng lọc của thị trường
Thực tế, kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng được ban lãnh đạo Hoa Sen đặt ra chỉ cao hơn khoảng 11% so với con số thực hiện của niên độ 2018 – 2019. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với con số lợi nhuận doanh nghiệp đã thực hiện ở các niên độ trước đó.
Doanh thu kế hoạch được banh lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen đề ra là 28.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số thực hiện niên độ trước. Còn sản lượng tiêu thụ phấn đấu đạt 1,5 triệu tấn, trong đó tiêu thụ thành phẩm là 1,4 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với thực hiện niên độ trước.
Kế hoạch kinh doanh niên độ 2019 - 2020 của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen.
Theo ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen, thị trường ngành thép năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục có những biến động khó lường.
Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ tiếp tục leo thang và chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Do đó, trật tự thương mại trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục bị đảo lộn, giá nguyên liệu và thị trường tiền tệ sẽ biến động mạnh, khó lường.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu sẽ khó khăn hơn do các biện pháp phòng vệ thương mại, suy giảm nhu cầu tiêu thụ và gia tăng áp lực cạnh tranh từ nguồn cung nội địa tại các thị trường xuất khẩu.
Cuối cùng, thị trường nội địa sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt và sàng lọc mạnh. Các doanh nghiệp thép sẽ gặp nhiều khó khăn và phải có những quyết sách, thay đổi phù hợp để ổn định được tình hình SXKD và Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng không ngoại lệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.