Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của “Vua tôm” Lê Văn Quang vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019.
Thủy sản Minh Phú giảm lãi 53%
Theo đó, quý II/2019, Thủy sản Minh Phú ghi nhận 4.153 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, gia vốn hàng bán tăng thêm gần 700 tỷ đồng và chiếm 89% doanh thu khiến cho lợi nhuận gộp “bốc hơi” 10%, mang về cho MPC gần 453 tỷ đồng.
Điểm sáng trong kỳ của Thủy sản Minh Phú đến từ doanh thu hoạt động tài chính với 45 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ. Chủ yếu từ lãi tiền gửi (25,8 tỷ) và chênh lệch tỷ giá (17 tỷ)
Tuy nhiên, các loại chi phí của Thủy sản Minh Phú đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Đơn cử như chi phí tài chính tăng gần 13%, chi phí bán hàng tăng 55% và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng tới gần 21% so với quý II/2018.
Kết quả, Thủy sản Minh Phú của ông Lê Văn Quang lãi trước thuế gần 91 tỷ, giảm 62% và lãi ròng 74 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Minh Phú vẫn tăng 14% đạt mức 7.517 tỷ đồng. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp rơi xuống 10,6%. Sau khi trừ các loại chi phí trong kỳ, Thủy sản Minh Phú báo lãi ròng gần 155 tỷ đồng, giảm quá nửa so với cùng kỳ. EPS 6 tháng chỉ đạt 909 đồng, giảm 60% so với bán niên 2018.
Năm 2019, Minh Phú đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận chỉ còn 1.430 tỷ đồng (giảm 38% so với kế hoạch ban đầu). Dù vậy, với kết quả đạt được trong 6 tháng, công ty mới thực hiện chưa đầy 11% kế hoạch năm.
Cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú giảm nhẹ 50 tỷ, đạt 9.042 tỷ đồng, hầu hết là tài sản ngắn hạn (7.535 tỷ đồng).
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm trên 3 lần so với đầu năm, do doanh nghiệp không còn khoản tiền gửi dưới 3 tháng. Ngược lại, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi cùng kỳ và vượt 1.000 tỷ đồng.
Về tài sản dài hạn, các khoản phải thu dài hạn cũng sụt giảm mạnh từ mức 7.306 tỷ về còn 3.806 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, công ty đang vay nợ 3.122 tỷ đồng, chiếm 35% nguồn vốn. Công ty đang có 2.361 tỷ thặng dư vốn cổ phần, 137 tỷ chênh lệch tỷ giá, 159 tỷ quỹ đầu tư phát triển và 463 tỷ lợi nhuận chưa phân phối.
Tại ngày 30/6, Thủy sản Minh Phú có tới gần 2 tỷ đồng nợ quá hạn. Trong đó, công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Hải là con nợ khó đòi lớn nhất với 982 triệu đồng và 772 triệu từ công ty cổ phần Nuôi trồng và chế biến thủy sản Mỏ Ó Sóc Trăng.
Thủy sản Minh Phú của ông Lê Văn quang hiện có 14 công ty con và 2 công ty liên kết. Riêng Msea food, công ty 90% vốn của MPC hiện đang có công nợ phả thu, phải trả lên tới 1.539 tỷ đồng trong tổng số 2.776 tỷ đồng công nợ của Thủy sản Minh Phú.
Được biết, Msea food chính là công ty nằm trong cáo buộc của một nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, đại diện bang Illinois cáo buộc có liên quan đến hoạt động trốn thuế chống bán phá giá với tôm từ Ấn Độ của Thủy sản Minh Phú hồi tháng 5 vừa qua.
Theo đó, Nghị sĩ này đã gửi thư tới CBP cáo buộc Công ty Minh Phú và bộ phận nhập khẩu Hoa Kỳ Mseafood Corporation có thể vi phạm Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ. Công ty Minh Phú đã mua một lượng lớn tôm Ấn Độ đông lạnh, "chế biến tối thiểu" ở Việt Nam và bán sang Hoa Kỳ thông qua Mseafood với danh nghĩa sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, Công ty Minh Phú của ông Lê Văn Quang không phủ nhận việc có nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỉ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác.
Công ty Minh Phú cho rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.
Cổ phiếu "bốc hơi"
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng nay (15/8), cổ phiếu MPC giao dịch tại 35.300 đồng/cổ phiếu, tăng 7% sau 1,5 tháng. Tuy nhiên, thị giá của mã cổ phiếu này lại bốc hơi nhẹ trong phiên chiều ngay sau khi kết quả kinh doanh bán niên của doanh nghiệp được công bố. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh ngưỡng 30.300 đồng/cp.
Như vậy, so với đỉnh 49.300 đ/cp ghi nhận vào cuối tháng 3, thì MPC của “vua tôm” Lê Văn Quang đã “bốc hơi” 19.000 đồng/cp. Mức giá đỉnh này được ghi nhận vào thời điểm Thủy sản Minh Phú thông qua phương án phát hành 60 triệu cổ phiếu MPC cho MPM Investments Pte.Ltd (đơn vị thuộc Mitsui & Co), tương đương 30% vốn sau phát hành với giá 50.630,5 đồng/cp. Ước tính tổng giá trị phát hành lên tới hơn 3.038 tỷ đồng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của Minh Phú được nâng lên 2.000 tỷ đồng.
Đồng thời, MPM Investments Pte.Ltd cũng nhận chuyển nhượng nhận chuyển nhượng 10,2 triệu cổ phiếu MPC từ 3 cá nhân gồm Phó Tổng giám đốc Lê Văn Điệp, Phó Tổng giám đốc Chu Văn An và bà Lê Thị Minh Quý. Qua đó, MPM Investment hiện sở hữu 35% vốn tại Minh Phú.
Tại Thủy sản Minh Phú, “vua tôm” Lê Văn Quang – chủ tịch HĐQT hiện đang nắm giữ trực tiếp hơn 32 triệu cổ phiếu MPC (tỷ lệ 22,88%) và vợ là bà Chu Thị Bình nắm giữ trên 35 triệu cổ phiếu, 2 con gái Lê Thị Dịu Minh – Phó TGĐ cũng nắm trong tay hơn 11 triệu cổ phiếu của MPC. Như vậy, với mức giá hiện nay khối tài sản chứng khoán trực tiếp của gia đình “vua tôm” tại MPC vào khoảng 2.365 tỷ đồng, bay gần 1.500 tỷ đồng so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 3/2019. Riêng phiên này, khối tài sản của “Vua tôm” bốc hơi gần 200 tỷ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.