Lợi nhuận thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp "ngại" phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 19/04/2022 19:19 PM (GMT+7)
Ngày 19/4, tại buổi toạ đàm "Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân" diễn ra sáng nay tại Hà Nội do Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản đã chỉ ra những nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện nay.
Bình luận 0

Một trong các vướng mắc đầu tiên khi phát triển loại hình này là khó khăn về nguồn vốn. Trên thực tế, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại từ 2013-2016 đã hoàn thành việc giải ngân gần 100%.

Chính vì thế, sang đến giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn này không còn. Trong khi đó, Ngân hàng chính sách xã hội chỉ được phân bổ 27% ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, còn các ngân hàng thương mại lại không được phân bổ gói vốn này, dẫn đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp nhiều trở ngại về dòng tiền.

Làm sao để gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Gia Khiêm

Kế đến là tình trạng thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, dù đã có quy định là 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại được dành để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lễ Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành bày tỏ, mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng lợi nhuận định mức của Nhà ở xã hội tối đa theo quy định là 10%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm, đây là lý do nhiều doanh nghiệp "ngại" phát triển nhà ở xã hội.

Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, với các chính sách của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành quyết tâm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách về nhà ở xã hội hy vọng nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ có bước phát triển vượt bậc, nhu cầu nhà ở cho công nhân nói riêng và nhà ở xã hội nói chung cho nhiều đối.

Làm sao để gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân? - Ảnh 2.

Khu nhà ở khu công nghệp ở khu Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Để tiếp tục tháo gỡ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, tới đây cần phải tháo gỡ hai vấn đề chính.

Thứ nhất là sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ luật nhà ở, luật thuế, luật kinh doanh. Đơn cử như hiện tại, Luật Nhà ở cho phép nhà ở khai thác cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh, thế nhưng, trong Luật thuế lại không đề cập đến nội dung này, dẫn đến bất cập trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn). Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Cùng với đó, trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Cụ thể xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tiếp đến cần đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện hai gói hỗ trợ (theo Nghị quyết 11/NQ-CP), nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối.

Bởi trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng.

Trong khi đó, ông Trần Công Tưởng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Tập đoàn Capital House) đề xuất, để doanh nghiệp kết hợp cùng ngân hàng thực hiện giải ngân, đánh giá đối tượng được hưởng chính sách, hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục xét duyệt để mua, thuê nhà ở xã hội, nhờ đó quy trình triển khai nhà ở xã hội được rút ngắn, đảm bảo quyền lợi cho cả khách hàng và chủ đầu tư.

"Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước thông qua các gói tín dụng thiết thực như gói 30 nghìn tỷ vừa qua sẽ là động lực để thu hút doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở xã hội, từ đó đáp ứng được nhu cầu về nhà ở đối với người thu nhập thấp và công nhân lao động, giảm áp lực quá tải đối với các khu vực dân cư gần khu công nghiệp trong tương lai", ông Tưởng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem