Lợi thế lớn từ cây ngô

Thứ năm, ngày 03/10/2013 09:56 AM (GMT+7)
So với các loại cây trồng khác, ngô hiện là cây có tiềm năng để thay thế một số diện tích đất lúa nhất, bởi ngô là cây dễ trồng, tính thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Bình luận 0
Tiềm năng, lợi thế lớn

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ở nước ta, ngô được xác định là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và là cây màu quan trọng nhất được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, đa dạng về mùa vụ gieo trồng và hệ thống canh tác. Cây ngô không chỉ cung cấp lương thực cho người, vật nuôi mà còn là cây trồng xoá đói giảm nghèo tại các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn.

Mô hình trồng ngô trên đất lúa tại An Giang cho hiệu quả cao.
Mô hình trồng ngô trên đất lúa tại An Giang cho hiệu quả cao.

Thực tế cũng cho thấy, sản xuất ngô cả nước qua các năm không ngừng tăng về diện tích, năng suất, sản lượng: Nếu năm 2001, tổng diện tích ngô là 730.000ha, đến năm 2005 đã tăng trên 1 triệu ha và năm 2010, diện tích ngô cả nước 1,126 triệu ha, năng suất 40,9 tạ/ha, sản lượng trên 4,6 triệu tấn (trong đó trên 90% diện tích trồng ngô lai), sản lượng đạt trên 4,6 triệu tấn. Tuy vậy sản xuất ngô trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, hàng năm nước ta phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn ngô làm nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN).

Điều đáng lo ngại là, giá ngô trên thị trường thế giới trong thời gian qua đã có sự biến động đáng kể do nhu cầu ngô tăng nên giá bình quân cũng ngày càng tăng. Ở thời kỳ 1994-1999 là 138-142 USD/tấn; hiện nay là 300-305 USD/tấn. Trong đó, các nước chi phối sản lượng ngô của thế giới vẫn phải kể tới là Mỹ, Argentina, Pháp… Còn các nước nhập khẩu ngô chính gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…

Ở Việt Nam, hiện tại giá 1kg ngô hạt dao động từ 6.000 -7.500 đồng. Nhu cầu ngô hạt cần cho công nghiệp chế biến TACN liên tục tăng trong khi diện tích trồng ngô và năng suất ngô Việt Nam đã bị chững lại. Theo nhận định, với đà tăng trưởng của ngành chăn nuôi và nhu cầu ngô phục vụ công nghiệp sản xuất Ethanol hiện nay đòi hỏi nguồn nguyên liệu ngô là rất lớn. Vì vậy, sản xuất ngô trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng chắc chắn sẽ được tập trung phát triển mạnh trong thời gian tới.

Đã có nhiều giống tốt

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây ngô được xác định ưu tiên hàng đầu bởi nhiều yếu tố như dễ canh tác, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau, có thể đẩy mạnh diện tích (nhất là vụ đông ở các tỉnh phía Bắc), năng suất, sản lượng... và điều quan trọng nhất là cây ngô có thị trường, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, theo ông Quảng, dù cây ngô được xác định là lựa chọn số một hiện nay nhưng mục tiêu chuyển đổi cũng không phải đơn giản. “Hiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với các tỉnh để triển khai xây dựng đề án chuyển đổi, trước mắt, các tỉnh phải xác định cần chuyển đổi bao nhiêu diện tích và chuyển sang cây trồng gì để đi liền với đó là gói kỹ thuật kèm theo”- ông Quảng nói. Ông Quảng cũng cho biết, chất lượng ngô sản xuất trong nước rất tốt, nhưng do thời tiết ở Việt Nam có độ ẩm cao, khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến còn thủ công và lạc hậu... nên chất lượng ngô không cao so với ngô nhập khẩu. Mặt khác, ở nước ta chủ yếu thu hoạch ngô còn xanh, độ ẩm hạt ngô cao; thu hoạch xong lại ủ rồi mới đưa vào bóc tách, từ đó làm cho chất lượng ngô giảm nhiều.

"Về hành lang pháp lý, Bộ NNPTNT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các cây khác kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Hiện chúng tôi đang xin ý kiến Bộ TNMT và Bộ Tư pháp để ban hành sớm nhất thông tư, định hướng về mặt luật pháp”.
Ông Phạm Đồng Quảng


. Thực tế cũng cho thấy, diện tích ngô của cả nước năm 2013 đạt khoảng 1,15-1,18 triệu ha và có xu hướng tăng. Cục Trồng trọt cũng xác định chiến lược phát triển cây ngô đạt từ 1,4-1,5 triệu ha vào năm 2020. Trong đó, vùng ĐBSCL sẽ đẩy mạnh chuyển đổi bằng biện pháp tăng diện tích đất một vụ, còn ĐBSH và trung du Bắc Bộ, mục tiêu đặt ra là tăng diện tích ngô vụ đông bằng việc đẩy vụ đông sớm hơn.

Theo Bộ NNPTNT, để tổ chức chuyển đổi thành công từ lúa sang sản xuất ngô, UBND các tỉnh cần đặt mục tiêu kế hoạch diện tích, sản lưượng và hiệu quả kinh tế, đồng thời quy hoạch các vùng sản xuất ngô tập trung, có đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, cần có các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất ngô như: Hỗ trợ kinh phí mua giống, đặc biệt là các giống cây trồng mới nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất ngô; Hỗ trợ công tác thuỷ lợi như cải tạo hệ thống giao thông, tu sửa hệ thống thủy lợi nội đồng ở những vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ công tác thông tin thị trường... đặc biệt cần có hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản ngô sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm ngô cho người dân.

Để đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô, ngoài các giải pháp như đã nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần có sự đột phá về giống để nâng cao năng suất, sản lượng tạo sức cạnh tranh cho cây trồng này. Cụ thể, về phát triển giống ngô, cần đẩy mạnh phát triển các giống ngô lai có năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi, phù hợp với yêu cầu của sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng và công nghiệp chế biến TACN ở các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau của cả nước (đặc biệt ở miền Bắc và Đông Nam Bộ).
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem