Gặp lại hot girl trong trại giam
Bẵng đi gần 7 năm không gặp, mới đây đến Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hóa) công tác, chúng tôi tình cờ gặp lại phạm nhân Lê Thị Bình trong một buổi chiều hè buồn se sắt. Trời lặng gió, nắng hè chói chang oi bức, tiếng ve kêu ra rả làm cho lòng người cảm thấy buồn nao nao.
Bình không nhận ra chúng tôi, trông nữ phạm nhân này “xuống mã” đến độ khó nhận ra, có chăng chỉ còn lại đôi mắt tròn đen láy, lúc nào trông cũng ướt át như người chớm khóc.
“Chuyện đời em buồn lắm. Em đang muốn quên quá khứ tội lỗi, mong anh đừng nhắc đến nữa”. Bình mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một câu “phòng ngự” buồn tê tái. Chỉ nhìn vào ánh mắt, chúng tôi tin điều nữ phạm nhân này nói là sự thật.
Phạm nhân Lê Thị Bình. (Ảnh: Thành Long)
Theo một cán bộ quả giáo ở đây cho biết, hơn 6 năm thụ án tại Trại 5, Bình mới được một lần giảm án 10 tháng tù. Mặc dù cải tạo tốt, nhưng vì gia đình nghèo khó, chưa đảm bảo việc thi hành án (bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại), do vậy Bình chưa được hưởng trọn vẹn sự khoan hồng của Nhà nước. Chúng tôi chia sẻ điều này với Bình, cô gái trẻ vân vê gấu áo, ánh mắt buồn nhìn xa xăm vào hư vô, nghĩ suy điều gì đó không rõ.
Chỉ đến khi nghe chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của mẹ già ở quê nhà Hà Giang, Bình không thể kìm nén được cơn xúc động trào dâng trong lòng, nỗi buồn vô thức đã giội vào tâm hồn vốn đa sầu, đa cảm của cô, đẩy nước mắt trào ra hai khóe mắt. Nếu thời gian có trạng thái ngừng trôi, thì đây chính là khoảnh khắc đó.
Chúng tôi chờ cho cơn xúc động của phạm nhân Bình tạm lặng xuống, mới hỏi cô chuyện gia đình, nhân thân trước khi phạm tội. Hình như nước mắt đã gột rửa ưu phiền trong lòng mà Bình đang cố giấu giếm chúng tôi, cô bắt đầu kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe theo đúng vòng quay thời gian của tạo hóa.
Theo đó, Bình là con ái út trong một gia đình có 6 anh chị em. Bố cô mất sớm vì căn bệnh ung thư gan quái ác, khi cô đang học lớp 5, để lại người vợ còm cõi vì phải nuôi dạy 6 đứa con trên vùng núi cao nguyên đá Hà Giang. Học hết lớp 12, Lê Thị Bình quyết định nộp đơn thi đại học vào ngành sư phạm. Ước mơ của cô sau này trở thành một giáo viên dạy văn, hằng ngày gieo cái chữ lên vùng núi cao Bắc Quang quê mình. Quê Bình nghèo lắm, mở mắt ra chỉ thấy toàn núi đá tai mèo lởm chởm, đất đai dành cho nông nghiệp không có nhiều.
Bà con nơi đây cần mẫn đem từng dúm đất rải trên các hốc đá, khe đá, sau đó reo từng hạt ngô lên đó, chăm chỉ tưới nước, bón phân cho đến ngày thu hoạch. Khác hẳn những bắp ngô hạt căng tròn tràn trề nhựa sống chiều lòng người chăm bón, vun trồng, hai lần đi thi đại học Bình đều không đỗ. “Một lần vô tình đọc tờ báo mua và bán, em biết có một cửa hàng cắt tóc, gội đầu ở Hà Nội đang cần tuyển người vừa học, vừa làm (không phải mất tiền học nghề). Em xin phép mẹ già cho xuống Thủ đô học nghề uốn tóc để làm kế sinh nhai sau này”, Bình nhớ lại thời thiếu nữ.
Quá trình học nghề tại Hà Nội, Lê Thị Bình đem lòng yêu một chàng trai hơn mình 7 tuổi ở Thái Nguyên. Bình chỉ biết anh N.T có cửa hàng riêng ở Thái Nguyên, thi thoảng đi Hà Nội đánh hàng về bán và đang sống độc thân. Chỉ vào ba tháng yêu nhau, cô gái người miền núi 23 tuổi đã trao cái ngàn vàng cho người yêu bằng sự tin tưởng tuyệt đối, sau này hai người sẽ lấy nhau. Trên thực tế, anh N.T đã có vợ con và người đàn ông đa tình này đã giấu kín chuyện đó không cho Bình biết.
Sau 3 năm học nghề làm tóc thành thạo, Bình quyết định về quê nhà Bắc Quang mở hiệu cắt tóc, gội đầu. Chuyện yêu đương với anh N.T vẫn được Bình duy trì qua điện thoại và những lần gặp nhau chớp nhoáng ở Hà Giang. Thế rồi, cái kim giấu trong bọc cũng có ngày lòi ra, Bình phát hiện người yêu đã có vợ con ở Thái Nguyên. Để trả thù tình, Lê Thị Bình đã xuống tay, đâm chết anh N.T, tạo ra nghiệp chướng án tù dài 18 năm.
Sát hại người tình lúc bình minh
Cũng phải xin nhắc lại, cách đây chưa lâu vụ án giết người vì tình đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong một nhà nghỉ tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Nạn nhân được xác định là một người đàn ông sinh năm 1978, trú quán tại tỉnh Thái Nguyên, chết trong tình trạng có nhiều vết dao đâm vào cổ và chi chít ở vùng lưng. Đồ đạc trong phòng nghỉ bị đổ vỡ lộn xộn, máu người vung vãi khắp căn phòng.
Theo mô tả của nhân viên trong nhà nghỉ, nghi phạm chính là cô gái đã ngủ qua đêm với nạn nhân, trạc tuổi đôi mươi, da trắng, tóc dài, mặt tròn đầy như trăng rằm. Trong khi dư luận chưa kịp đoán già, đoán non về động cơ, mục đích gây án, thì các chiến sĩ Công an quận Cầu Giấy đã tóm gọn hung thủ đưa về trụ sở làm việc.
Hồi ấy, khi nhìn cô gái trẻ mặt hoa, da phấn, tóc thề dài ngang vai tên Lê Thị Bình (SN 1985, quê huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), chúng tôi không thể nghĩ rằng cô gái trông dáng con nhà lành này lại ra tay tàn độc, giết người một cách côn đồ đến như vậy. Ngồi trên ghế băng tại đồn công an quận Cầu Giấy, Bình mặt cúi gằm xuống đất, tránh việc chụp ảnh của nhiều phóng viên, nhà báo theo dõi mảng pháp luật. Dưới góc nhìn của chúng tôi, Bình khác hẳn những hung thủ giết người máu lạnh có sát khí đằng đằng, gương mặt nghị phạm này ẩn chứa nỗi u uất lớn trong lòng, khó có thể diễn tả hết được bằng lời.
Sau một thời gian điều tra, vụ án giết người gây rúng động dư luận Thủ đô được tái hiện rõ nét như sau: Vào khoảng tháng 7.2008, Lê Thị Bình về Hà Nội, học nghề cắt tóc gội đầu ở một quán làm tóc tại quận Cầu Giấy. Trong số khách hàng hay đến gội đầu, Bình quen và thân thiết với anh N.T (quê Thái Nguyên).
Sống ở Thủ đô, Bình thiếu thốn cả tiền bạc và tình cảm, cả hai thứ này đều được anh N.T đáp ứng một cách vô điều kiện. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, hai người này sinh quan hệ yêu đương nam nữ, tự do sinh hoạt tình dục như vợ chồng trong một thời gian dài.
Học nghề xong, Bình về quê Hà Giang mở quán, hành nghề cắt tóc, gội đầu. Tình cảm của hai người vẫn được duy trì đều dặn qua điện thoại. Một lần, vì nhớ người yêu lâu ngày không có tin tức, Bình gọi điện thoại về nhà riêng của anh N.T. Ở đầu dây điện thoại bên kia vang lên giọng người phụ nữ, giới thiệu là vợ anh N.T. Bình choáng váng khi biết tin N.T đã có vợ, trong khi đó anh chàng này vẫn leo lẻo nói với Bình mình chưa lập gia đình.
Kể từ đó, Bình chủ động nói lời chia tay với mối tình đầu. Tuy nhiên, anh N.T vẫn cố níu kéo tình cảm với cô gái vùng cao nguyên đá Hà Giang xinh đẹp như bông hoa rừng chớm nở. Người đàn ông từng trải trên tình trường nhiều lần hứa với Bình sẽ sớm ly hôn vợ để đến với cô.
Cuộc sống có ai nào biết trước định mệnh và có tự đổi thay đời mình, sáng ngày 10.11.2008, theo lời hẹn trước, Bình đi từ Hà Giang xuống Hà Nội để gặp anh N.T. Hai người đã vào một nhà nghỉ ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy “tâm sự”.
Sau giây phút ái ân mặn nồng, anh N.T hỏi Bình xem gia đình cô đã biết chuyện tình cảm của hai người chưa? Khi nghe Bình nói chưa biết, anh N.T tỏ vẻ vui mừng ra mặt, nói: “Thế thì tốt, không lại to chuyện”.
Câu nói tưởng chừng như vô hại đó đã khoét sâu vào vết thương lòng bấy lâu của Bình. Cô nghĩ anh N.T chỉ lợi dụng thể xác mình để thoả mãn dục vọng, chứ không phải tiến đến hôn nhân thực sự như anh ta đã hứa hẹn. Vậy là một ý nghĩ trả thù rùng rợn chợt loé lên trong đầu cô gái 23 tuổi Lê Thị Bình.
Sáng sớm hôm sau, lợi dụng lúc người yêu đang ngủ say giấc, Bình đã cầm dao nhọn đâm liên tiếp vào cổ anh N.T. Bị đâm bất ngờ, anh N.T kêu lên, rồi nhảy ra khỏi giường ngủ, bê vô tuyến và bàn ghế trong phòng ném về phía Bình. Trong cơn giận giữ trả thù tình, Bình như con thú khát máu lao vào người tình, đâm nhiều nhát dao chí mạng vào lưng, cho đến khi con dao nhọn gãy cán mới chịu dừng tay. Đó cũng là lúc anh N.T nằm bất động dưới sàn, người chi chít vết dao đâm.
Gây án xong, Bình bỏ trốn nhưng không thoát được sự truy bắt của pháp luật. Với tội danh “giết người’, Lê Thị Bình bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù.
Mong về trong vòng tay của mẹ
Trãi qua quá trình tố tụng đằng đẳng, Bình kể, lần nào mẹ lên trại thăm, hai mẹ con đều khóc. Những lúc đó, Bình cảm thấy thương mẹ vô cùng. Cô tâm sự: “Mỗi khi nghĩ về mẹ, em lại cảm thấy hận bản thân mình đã làm mẹ đau khổ. Mẹ khuyên em cố gắng cải tạo tốt, sớm về với mẹ, mẹ sẽ chờ con”.
Giờ đây, câu nói của mẹ đã in sâu vào tâm trí phạm nhân Bình, mỗi khi gặp khó khăn, câu nói của mẹ là nguồn động lực to lớn giúp Lê Thị Bình vượt qua tất cả. Trong số 6 anh chị em trong gia đình, người anh thứ 5 đang làm giáo viên dạy cấp hai có lẽ yêu thương Bình hơn cả. Từ tận đáy lòng đứa em gái út cảm nhận được anh trai có nhiều muốn nói mình, nhưng không nói ra. Cũng như những lần gặp mẹ, gặp anh trai lên thăm, Bình chỉ biết khóc.
“Mong muốn lớn nhất của em bây giờ là về với mẹ, chuộc lại lỗi lầm và cố gắng sống tốt hơn, để mẹ không phải buồn vì em nữa”.
Phạm nhân Lê Thị Bình độc thoại với chúng tôi. Theo nhẩm tính của nữ phạm nhân này, con đường trả án phía trước của cô còn quá dài. Dẫu sao, cô có thể nhang nhác trông thấy đích đến trong một ngay không xa. Cô nhẩm tính, khi ra tù tuổi sẽ ngoài 40, đến lúc đó cơ hội lập gia đình hay không, vẫn là điều thể nói trước được điều gì.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Sau khi ra trại, em có nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình hay không?”. Bình bẽn lẽn, đáp: “Em sợ lắm rồi…?!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày đầu gây án, giấc ngủ của Bình thường mộng mị, mơ gặp lại người yêu xưa - đồng thời cũng là nạn nhân của mình. Tỉnh giấc, cô chỉ biết khóc, khóc vì tủi thân, khóc vì tương lai mù mịt phía trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.