Lòng biết ơn hiện diện ở mọi nơi

Thứ tư, ngày 27/07/2011 09:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiệt huyết, am tường và đầy trách nhiệm, ông Nguyễn Đình Thường - Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chia sẻ những suy nghĩ của mình về công tác đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là trong lĩnh vực tìm mộ liệt sĩ.
Bình luận 0

Hàng năm, cứ tới ngày 27.7, rất nhiều hoạt động rầm rộ tri ân thương binh, liệt sĩ và người có công, ông đánh giá thế nào về hoạt động này?

- Đền ơn đáp nghĩa và tri ân các anh hùng, liệt sĩ là vấn đề của toàn xã hội, theo tôi, ai có đóng góp gì thì quý cái đó. Các hoạt động mấy ngày này thể hiện được một điều: Lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hiện diện ở mọi nơi. Các công ty, đơn vị tổ chức giao lưu, tri ân bằng nhiều hình thức khác nhau, tôi cho điều đó là tốt, bởi theo cách nào thì lòng biết ơn cũng được thể hiện chân thành nhất.

img
Lễ an táng hài cốt liệt sĩ quy tập tại huyện Cam Lộ về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị).

Dầu vậy, đó cũng là các hoạt động kỷ niệm, ông có nhận định gì về chính sách dài hạn hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ hiện nay?

img
Ông Nguyễn Đình Thường

- Hiện nay, Nhà nước đã có hệ thống bảo trợ khá tốt, mức hỗ trợ đời sống cho gia đình chính sách được tăng hàng năm theo mức tăng lương. Việc tăng, giảm đó phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế nên tôi không nhận định về việc đủ hay không.

Ngoài ra, Nhà nước cũng có nhiều hỗ trợ khác như hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, hỗ trợ các gia đình chính sách nghèo, hỗ trợ điều dưỡng, chữa bệnh… Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất hiện nay là sự đồng bộ của chính sách và việc của Hội là sẽ đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước để đạt tới sự đồng bộ ấy.

Sự đồng bộ? Ý ông là về vấn đề gì?

- Tôi ví dụ, Chính phủ đang giao cho Bộ LĐTBXH xây dựng Đề án “Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”. Đây là hoạt động chúng tôi rất kỳ vọng được triển khai sớm. Hai tháng qua, Hội đã hỗ trợ hơn 20 gia đình tìm kiếm mộ và xác định danh tính bằng ADN, nhưng các gia đình muốn xin mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định gene rất khó khăn.

Bản thân ông Giám đốc Sở LĐTBXH cũng không dám giải quyết vì không có văn bản nào hướng dẫn được đào mộ liệt sĩ lên để lấy mẫu hài cốt cả. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Bộ LĐTBXH cần có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp nào được phép xin mẫu hài cốt để làm giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Qua 2 cuộc chiến, cả nước có hơn 1 triệu liệt sĩ. Hiện đã quy tập được khoảng 900.000 hài cốt, khoảng 1/3 trong số đó là liệt sĩ chưa biết tên.

Trong số các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, theo ông, hoạt động nào được các gia đình quan tâm nhất?

- Đó chính là việc tìm kiếm, quy tập và cất bốc mộ liệt sĩ. Hội chúng tôi thành lập chưa đầy 1 năm mà đã có hàng nghìn gia đình tới đây để xin tư vấn về phương pháp tìm mộ liệt sĩ...

Vậy hoạt động chủ yếu của Hội là phục vụ nhu cầu chính đáng đó?

- Đúng vậy. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ các gia đình giám định ADN; tư vấn các phương pháp tìm mộ tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp thực hiện Dự án xác định danh tính liệt sĩ… Tháng 5 vừa rồi, chúng tôi đã ký hợp đồng với Viện Công nghệ sinh học để giám định ADN miễn phí cho các gia đình có nhu cầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động tài trợ để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng có hoàn cảnh khó khăn góp phần cùng xã hội làm ấm lòng những gia đình có công với đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem