“Đếm cây tính tiền”…
Canh tác 1,6ha đất nông nghiệp, trước đây anh Nguyễn Viết Long đã trồng các loại cây ngắn ngày như: Ngô, lạc, mì… Sau đó lại trồng nhiều loại cây ăn quả như: Mãng cầu, chuối, đu đủ rồi đến tiêu, điều nhưng đều không có hiệu quả kinh tế vì đất canh tác của anh là loại đất cát pha sét có lẫn đá sỏi và độ dốc cao. Bón bao nhiêu phân cho đất đều theo nước chảy đi nên dần thành đất bạc màu, khô cằn.
Hiện anh Long đã có 1,5ha tre tầm vông. Ảnh: Văn Minh
Nhận thấy không thể trồng các loại cây như trước đây, anh Long đã nghiên cứu để tìm giống cây trồng thích hợp. Một lần đến thị trấn Phước Hải thăm người bà con, anh thấy người dân nơi đây trồng và sử dụng rất nhiều cây tre (nhất là tre tầm vông) trong việc phơi thủy sản và làm nhà trại, lều quán...
Năm 2010, trong lúc mọi người đang cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả thì anh lại phá bỏ cây ăn quả để trồng tầm vông. Anh sử dụng tầm vông giống có sẵn trong đất nhà và mua lại của một số hộ dân xung quanh.
Lúc mới bắt đầu trồng tầm vông, ai thấy cũng bảo anh Long bị khùng vì người ta đang phá bỏ mà anh lại đem trồng. Không nản chí anh vẫn tiếp tục nhân giống và trồng được 1,5ha. Sau 3 năm chăm sóc, tầm vông đã đâm măng và lớn thành khóm. Đến cuối năm 2017, mỗi khóm tầm vông đã có 30 - 40 cây.
“Đầu năm 2018, tôi bắt đầu thu hoạch tầm vông. Với 250 khóm tầm vông, mỗi khóm cho khai thác trung bình 12 cây, mỗi cây thương lái mua với giá 40.000 đồng, tôi thu về 120 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hết 10 triệu đồng, còn lợi nhuận 110 triệu đồng”.
Ngoài trồng tre, anh Long còn khéo tay trồng cây bonsai. Ảnh: Văn Minh
Lúc đầu tầm vông giống được anh giâm vào bầu đất để trong bóng râm và tưới nước. Sau 30 ngày thì tầm vông bắt đầu đâm chồi. Sau đâm chồi 15 ngày thì có thể mang ra trồng.
“Tre tầm vông rất dễ sống. Người trồng nên nhân giống vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch và trồng vào đầu mùa mưa thì tỷ lệ sống khoảng 90%. Khi giâm gốc tre phải sử dụng rể lục bình hoặc sơ dừa trộn với đất làm giá thể. Khi trồng thì đào hố 40cm x 40cm, sâu 50cm, nếu có phân chuồng hoặc lá cây, cỏ, rơm mục bỏ vào hố thì càng tốt”.
Anh Nguyễn Viết Long thông tin
|
Anh Long phấn khởi nói: “Trồng tầm vông rất nhàn, chỉ tốn công chăm sóc lúc đầu. Giống tầm vông không kén đất và chịu hạn tốt, chi phí phân bón cũng rất ít. Đến mùa nắng thì dọn thực bì để phòng tránh cháy, đầu mùa mưa thì bón phân vi sinh để kích thích đâm măng. Còn việc bán tầm vông thì không cần phải lo. Từ đầu tháng 9 đến tháng 10, thương lái tìm đến tận nơi đặt tiền cọc; đến tháng 11, 12 thì bắt đầu khai thác”.
Biến cây hoang dại thành tiền triệu
Không chỉ trồng tầm vông giỏi, với đôi bàn tay khéo léo của mình anh Long còn có biệt tài biến cây hoang dại thành tiền triệu. Năm 2014, sau chuyến tham quan các mô hình trồng bonsai cho Hội ND xã tổ chức, trở về nhà thấy nhiều loại cây mọc hoang dã như: Sanh, si, đa sộp, hoa giấy, cần thăng, mai rừng, lộc vừng… mọc theo lề đường, triền suối, bờ rào; anh Long đã đào lấy gốc mang về trồng trong vườn nhà và chăm sóc.
Khi cây bén rễ, anh Long cho vào trồng trong chậu để tạo dáng. Với đôi bàn tay khéo léo và chịu khó học tập kỹ thuật từ những lớp tập huấn trồng cây cảnh do Hội ND xã tổ chức, anh đã trồng và tạo dáng thành công nhiều chậu bonsai đẹp.
Đến nay, anh Long có gần 100 chậu bonsai đã tạo dáng. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, anh đã xuất bán 20 chậu bonsai, thu về 40 triệu đồng.
Năm 2018, anh Long sản xuất và cung cấp cho người trồng cây cảnh 1.500 chậu các loại, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi thêm 60 triệu đồng.
Trong quá trình trồng bonsai, nhận thấy chậu kiểng mua ngoài thị trường chất lượng không cao, sớm bị hư hỏng, không đủ thời gian để chăm sóc và tạo dáng cây kiểng, anh Long đã tìm hiểu kỹ thuật đúc chậu. Sau 1 năm học hỏi, anh đã đúc được chậu kiểng bằng ximăng cốt thép để phục vụ cho việc trồng bonsai của mình.
Do chậu kiểng của anh sản xuất bền chắc, mẫu mã đẹp nên nhiều người trồng cây cảnh tìm đế đặt hàng. Với công việc đúc chậu kiểng anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập mỗi người 420.000 đồng/người/ngày và 3 lao động phổ thông với thu nhập 300.000 đồng/người/ngày.
Năm 2018, anh đã sản xuất và cung cấp cho người trồng cây cảnh 1.500 chậu các loại, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi thêm 60 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.