Vừa chữa bệnh, vừa học bài
Trong căn phòng nhỏ vừa đủ kê 10 bộ bàn ghế học sinh với đầy đủ đồ dùng dạy học, cô giáo mặc chiếc áo blouse trắng đang tận tình hướng dẫn các em nhỏ làm bài tập luyện từ và câu. Gần 20 học sinh chăm chú nghe, ghi không một tiếng ồn ào nói chuyện. Trên khuôn mặt thơ ngây của các em vẫn hằn lên nỗi đau thân xác, nước da tái xám, bắp tay đầy vết sẹo do căn bệnh suy thận mãn gây nên.
|
Cô Phạm Thị Rành đang hướng dẫn các em học môn Tiếng Việt. |
Tranh thủ giờ giải lao, bác sĩ Lê Thị Đào - Trưởng khoa Vật lý trị liệu, người đề xuất ý tưởng thành lập lớp, cho biết: “Bất kể sáng hay chiều, cứ lúc nào các em tới lớp là chúng tôi dạy chứ không nhất thiết phải đúng giờ và đầy đủ học sinh, bởi còn phụ thuộc vào lịch chạy thận của các em nữa. Hơn 2 năm thành lập nhưng đã có khoảng 200 lượt bệnh nhi nhập học, khi ra viện các em cũng “ra trường” luôn. Hiện còn lại 17 em có “thâm niên” lâu nhất”.
Trong số những học sinh bám trụ dài ngày, Phạm Quốc Cảnh (14 tuổi, quê ở Châu Thành, Long An) có hoàn cảnh hết sức éo le. Bố em mất sớm, mẹ bị bệnh nằm liệt giường, em phải nương nhờ nơi cửa Phật. Căn bệnh của em đã chuyển sang mãn tính. Em kể: “Năm 2008, khi đang học lớp 4 thì con bị phù tay, chân. Thầy chùa đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh, phát hiện con bị thận nặng phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 chữa trị. Đầu năm 2009, con được vào học ở lớp cô Đào, đến nay đã hơn 2 năm rồi chú ạ”.
Tương tự bé Cảnh, bé Hà Thị Mỹ Yến, 15 tuổi, quê Buôn Mê Thuột, nhập viện giữa năm 2009, trước đó em đang học lớp 6. Khoảng 1 năm nay em được các cô ôn lại chương trình Toán, Tiếng Việt lớp 4, lớp 5. Chị Đỗ Thị Hồng Vân, mẹ của Yến, cho biết: “Nhờ có lớp học này mà tinh thần của cháu khá hơn, không lầm lũi, mặc cảm như trước nữa”. Được biết, hầu hết các gia đình có con chạy thận ở đây đều có sổ hộ nghèo. Quả thật lắm nỗi éo le khi nhà nghèo lại lâm bệnh trọng!
Tấm lòng cô giáo, lương y
Mấy năm gần đây lượng bệnh nhân về điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày một tăng. Ngoài thời gian điều trị, các em chỉ quanh quẩn trong phòng. Nỗi đau thân xác, u ám tinh thần khiến các em sống thu mình, khép kín. Chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương đó, bác sỹ Lê Thị Đào - Trưởng khoa Vật lý trị liệu, nảy ra ý tưởng: Mở lớp học miễn phí giúp các em lấy lại tinh thần và ôn lại kiến thức bị mai một để khi ra viện có thể theo kịp các bạn đồng trang lứa.
Ý tưởng đó đã được Ban Giám đốc bệnh viện ủng hộ. Thế là, sau thời gian đến từng phòng bệnh để vận động các em tới lớp, đầu năm 2009, lớp học tình thương do cô Đào phụ trách ra đời.
Một lớp học như thế này không đủ để thu gom hết những bệnh nhi đang điều trị tại đây. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Ban Giám đốc bệnh viện tiếp tục mở rộng quy mô lớp học nhưng nếu như không có sự chung tay của ngành giáo dục cũng sẽ rất khó.
Bác sĩ Lê Thị ĐàoPhòng học vốn là nơi làm việc của bác sĩ Đào được sửa lại và trang bị thêm bàn ghế, đồ dùng dạy học. Ban đầu, các bác sĩ trong khoa quyên góp tiền để mua sách vở cho các em. Gần đây nhiều người biết đến lớp học đã tự nguyện ủng hộ.
Về giáo viên, lớp học đã mời được cô giáo Phạm Thị Rành nguyên là giáo viên có bằng cử nhân ngôn ngữ trị liệu, đã từng học một chương trình đặc biệt chuyên tìm hiểu về trẻ bị khiếm thị, khiếm thính và trẻ chậm phát triển trí tuệ do Nhật Bản tài trợ.
Cô giáo Phạm Thị Rành tiết lộ: “Không chỉ dạy học, chúng tôi còn tổ chức cho các em vui chơi ngoài giờ. Những hoạt động này rất bổ ích cho việc điều trị bệnh của các em”. Hiện tại sức khỏe của nhiều em đã khá hơn, tinh thần thoải mái, sức sống dường như đang dần trở lại trên những gương mặt non nớt, thơ ngây. Đó cũng là nhờ một phần ở tấm lòng nhân ái, tận tâm của các cô giáo là bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Vật lý trị liệu.
Hoàng Đình Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.