Lớp học về nhạc cổ "có một không hai" ở An Giang

TRỌNG BÌNH Thứ hai, ngày 12/01/2015 09:30 AM (GMT+7)
Với tâm huyết mong muốn truyền đạt, gìn giữ các môn nghệ thuật cổ dân tộc xứ Nam Bộ, một người thầy ở xứ cù lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang) tự đứng ra mở lớp học miễn phí. Điều lạ là những thành viên tham gia lớp học đều có tuổi đời còn rất trẻ.
Bình luận 0

Tâm huyết với nhạc cổ

Thành viên của những đội, nhóm nhạc này là những học sinh đam mê loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc. Người truyền dạy là thầy Thu An, tuy không qua trường lớp chính quy nào nhưng là con nhà nòi, vốn kiến thức âm nhạc được truyền dạy từ chính những bậc thầy, những tiền bối về nhạc cổ Nam Bộ.

img
Thầy Thu An  đang luyện lập tại phủ thờ họ Dương ở cù lao Giêng.       TRỌNG BÌNH
Ông Phạm Văn Chạy - nguyên Trưởng ban Văn hóa – thông tin xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới cho biết: “Hơn 10 năm nay, lớp dạy nhạc hồi ấy mặc dù tự phát nhưng đã đào luyện được nhiều người biết chơi các nhạc cụ cổ truyền dân tộc, hình thành được nhiều đội nhóm nhạc lễ. Từ đó tạo nên một phong trào hướng về âm nhạc truyền thống một cách sâu rộng với sự trân trọng và ngưỡng mộ của đông đảo công chúng ở 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân). Công đầu tạo dựng phải kể đến thầy Thu An, người đã hết lòng truyền dạy mà không thu khoản chi phí nào, tạo điều kiện cho đông đảo học sinh theo học”.

 

Em Cao Thị Tú Oanh (xã Mỹ Hiệp)- một học sinh theo học lớp nhạc từ nhiều năm nay cho biết: “Em thích đàn tranh lắm, muốn học nhưng đi đến trung tâm tỉnh thì xa quá, lại phải qua đò, qua sông. Khi biết có thầy Thu An mở lớp dạy là em học liền, thích lắm, học gần nhà còn được miễn phí nữa”.

Thầy Thu An (tên đầy đủ là Nguyễn Thu An) vốn là con nhà nòi trong một gia đình có nhiều thế hệ đam mê nhạc cổ Nam Bộ ở cù lao Giêng. Nhận thấy bộ môn âm nhạc này ngày càng mai một vì thiếu người truyền thừa nên anh đã đứng ra tổ chức dạy cho các em. “Kể cả bộ gõ, hay tranh, sáo, bầu thậm chí đờn cò cũng nhiều em cũng mê lắm nhưng không có ai dạy. Nhớ lại hồi đó các bậc tiền bối vùng này như Sáu Chước (dạy trống); Năm Niệm (dạy kèn); Bảy Thăng (dạy đờn cò); Tư Cầm (dạy đờn gáo)… đều truyền dạy không công cho đệ tử nên tôi cũng noi theo. Chủ tâm cũng muốn lưu truyền, gìn giữ những giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc mình” – anh Thu An tâm sự.

Bảo tồn văn hóa dân tộc

Quan điểm

Em Cao Thị Tú Oanh
  Em thích đàn tranh lắm, muốn học nhưng đi qua trung tâm tỉnh thì xa quá, lại phải qua đò, qua sông. Khi biết có thầy Thu An mở lớp dạy là em học liền, thích lắm, học gần nhà còn được miễn phí nữa”. 
Nhận thấy việc truyền dạy âm nhạc dân tộc phù hợp với chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ cuối năm 2008, UBND xã Mỹ Hiệp đã chính thức hỗ trợ cho các lớp học nhạc này. “Mỗi tháng UBND xã chi 300.000 đồng, ngoài ra xã còn vận thêm kinh phí từ nhiều nguồn để chi cho các hoạt động duy trì lớp nhạc” – ông Trương Thành Trăm - thư ký Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mỹ Hiệp cho biết.

 

Từ khi các lớp học nhạc dân tộc được tổ chức rộng khắp ở 3 xã cù lao Giêng, phong trào học và chơi các nhạc cụ dân tộc, nhạc cổ, nhạc lễ ở đây cũng ngày càng khởi sắc. Các phủ thờ tộc họ, các đình làng trong ngày lễ giỗ, cúng Kỳ Yên ở cù lao Giêng đều có các đội nhóm nhạc cổ, nhạc lễ phục vụ rất bản sắc. Điều đặc biệt là các đội nhóm nhạc lễ này đều ở lứa tuổi “măng non”. Phong trào này cũng ngày một được xã hội hóa rộng khắp.

Ông Dương Công Cai (phủ thờ họ Dương, xã Mỹ Hiệp) cho biết: “Tôi đã vận động gia đình và tộc họ mình cho các lớp học nhạc mượn tạm một gian của phủ thờ cùng một số dụng cụ như bàn ghế, chiêng, trống, đàn… Mục đích là để thầy và trò có thể dễ dàng trong việc dạy và học nhạc, nhất là thực hành phần lễ trong nhạc lễ Nam Bộ”.

Không chỉ những người hiện ở tại cù lao Giêng, nhiều Mạnh Thường Quân, văn nghệ sĩ xuất thân từ xứ sở cù lao Giêng dù ở xa nhưng cũng đang đóng góp cho việc truyền thừa âm nhạc dân tộc ở cù lao Giêng. Mới đây nghệ sĩ ưu tú Bạch Lan đã tặng cho UBND xã Mỹ Hiệp một dàn nhạc cụ gồm nhiều loại đàn tranh, nguyệt, cò...

Nhớ có lớp dạy nhạc lễ miễn phí của thầy Thu An, người cù lao Giêng đang giữ gìn và phát huy một cách đúng nghĩa những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. “Một hình thức bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc được xem là có ý nghĩa căn cơ, chiến lược đó là làm cho loại hình văn hóa ấy sống trong lòng người. Các lớp nhạc dân tộc ở cù lao Giêng đang làm được điều đó” – ông Phạm Việt Trung - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang (Sở VHTTDL An Giang nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem