Trao đổi nhanh với phóng viên Dân Việt, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến 18 giờ chiều nay (24.6), lũ quét đã làm 3 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương, nhiều tuyến đường bị ách tắc nghiêm trọng...
3 nạn nhân bị thiệt mạng là ông Hà Văn Chương, bản Noong Thăng (xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên); ông Phùng Ná Nhì, bản Chang Chảo Pá (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn); ông Lầu Chờ Sát, bản Tủa Sín Chải (xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ). Nạn nhân mất tích gồm: 1 người ở xã Mường Mít (huyện Than Uyên); 1 người là chủ trại cá nước lạnh tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường); một người ở xã Hua Bum huyện Nậm Nhùn.
Lũ quét tại huyện Nậm Nhùn (ảnh: Quốc Đạt)
Cũng theo ông Um, hiện tại trời vẫn tiếp tục mưa to, mực nước lũ tại các dòng sông vẫn rất lớn nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Bước đầu, tỉnh đang hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, cố gắng huy động lực lượng chức năng khắc phục các tuyến đường để đi tạm. Hiện nay, Quốc lộ 4D từ Lào Cai về Lai Châu bị sạt lở rất nhiều điểm; Quốc lộ 32 bị tắc ở Tân Uyên; đường vào Mường Tè, Sìn Hồ đều bị sạt lở.. Huyện Than Uyên, huyện Tam Đường là những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất.
Lũ tại Chu Va, huyện Tam đường, tỉnh Lai Châu (ảnh: Lan Rừng)
Như Dân Việt đã thông tin trước đó, từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu và các địa phương trong tỉnh, được biết: Mưa lũ đã làm thiệt hại nhiều tuyến đường, gây sạt lở và ách tắc giao thông tạm thời trên tuyến quốc lộ 4D Lai Châu – Lào Cai, đoạn qua bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; tuyến quốc Lộ 12 Lai Châu – Điện Biên đoạn qua xã Chăn Nưa huyện Sìn Hồ; quốc lộ 32 đoạn qua bản Noong Thăng xã Phúc Than, huyện Than Uyên.
Nhiều ngôi nhà năm chênh vênh giữa dòng nước lũ đen ngòm (ảnh: Quốc Đạt)
Mưa lũ làm trôi một cầu cứng qua suối Nậm Mít thuộc bản Lào, bản Vè, xã Mường Mít huyện Than Uyên. Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng 2 công trình thủy lợi tại huyện Mường Tè. Nhiều diện tích lúa, hoa màu đang vào mùa thu hoạch của người dân ở các địa phương bị thiệt hại… Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hiện cơ quan tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai tỉnh Lai Châu và các địa phương đang khẩn trương cùng người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Tuy nhiên, đến giờ, nhiều địa phương của Lai Châu vẫn đang tiếp tục có mưa lớn, việc khắc phục hậu quả đang gặp nhiều khó khăn. Tình hình mưa lũ tiếp tục có chiều hướng diễn biến phức tạp; các địa phương đã và đang tăng cường thông tin cảnh báo về việc mất an toàn trong những ngày mưa lũ để người dân phòng, tránh tốt hơn.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ vănTrung ương: Do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam qua Bắc Bộ kết hợp với xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5000m trên khu vực vùng núi phía Bắc nước ta nên trong đêm qua (23/6) và ngày hôm nay (24/6) ở các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc đã có mưa to đến rất to với lượng mưa tính đến 13 giờ chiều nay phổ biến từ 40-70mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như Sìn Hồ (Lai Châu) 132mm, Hà Giang 111mm, Ngân Sơn (Bắc Cạn) 208mm, Bắc Quang (Hà Giang) 325mm,…
Dự báo từ nay đến ngày 26/6 ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông trên diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa to, có nơi mưa rất to và dông mạnh (thời gian mưa to tập trung vào đêm và sáng).
Mưa lớn cũng gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ảnh: Hà Hoàng
Mực nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang đang biến đổi chậm, lúc 17 giờ ngày 24/6 là 102.79 m (dưới BĐ3 0.21m)
Dự báo: Mực nước trên sông Lô tại Hà Giang tiếp tục biến đổi chậm và có khả năng sẽ đạt đỉnh ở mức 102.9 m (ở mức xấp xỉ BĐ3) vào tối nay, sau xuống chậm
Đến sáng mai mực nước trên sông Lô tại Hà Giang sẽ xuống mức 101.0 m (ở mức BĐ2); tại Tuyên Quang sẽ lên mức 20.5 m (dưới BĐ1 1.5m);
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.
Cảnh báo: Từ ngày 24-26/6, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên trên sông Đà và sông Thao đạt mức từ 2-4m; đỉnh lũ sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1;
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Cũng trong chiều nay, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có công điện số 06 gửi đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Công điện nêu rõ đây là đợt mưa lũ đầu mùa đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản các tỉnh Lai Châu, Hà Giang.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống bất thường, giảm thiệt hại về người và tài sản, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, các bộ ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra rà soát các khu sạt lở ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra, canh gác, rà soát kiểm tra việc chuẩn bị lực lượng vật tư, phương tiên theo quy định.
Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò... để hướng dẫn người, phương tiện qua lại. Nghiêm cấm vớt củi, các vật trôi trên sông khi đang có lũ.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ, đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở hạ du các công trình.
Rà soát việc chuẩn bị theo "phương châm 4 tại chỗ", chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm để công trình sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.