|
Người dân huyện Yên Châu (Sơn La) gia cố nhà cửa đề phòng mưa lớn, lũ quét. |
Âu lo vùng sạt lở
Tại tỉnh Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: "Mưa đã tràn về từ đêm 17 và sáng ngày 18-7. Tuy lượng mưa chưa lớn nhưng trời vẫn tụ mây dày, có khả năng sẽ mưa to về đêm. Yên Bái đã triển khai các phương châm ứng cứu trong mọi tình huống".
Lực lượng công an, quân đội đã triển khai kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có bão lũ. Các huyện thị đã tiến hành rà soát và tổ chức di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, những hộ dân không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế di dời. Huyện Văn Chấn, Yên Bái) là địa phương thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất do vậy ngay trong ngày 17-7 huyện đã triển khai lực lượng xuống các thôn, bản, xã kiểm tra tình hình và tổ chức di dời 17 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm thuộc xã Gia Hội và Nậm Lành đến nơi ở an toàn.
Thực tế ảnh hưởng của bão đã đến chậm hơn so với dự báo và bước đầu có vẻ yếu nhưng chúng tôi vẫn cảnh giác cao độ, sẵn sàng với phương châm "4 tại chỗ" để ứng cứu trong mọi tình huống, giảm thiểu những thiệt hại khi mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
Ông Hoàng Chí Thức - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La
Huyện cũng đã chuẩn bị lực lượng, thuốc men, lương thực sẵn sàng ứng phó với bão. Thành phố Yên Bái đã chủ động xả cống đập Xuân Lan nhằm đảm bảo tiêu nước thoát lũ. Đồng thời hỗ trợ 300 triệu đồng tái định cư với 7 hộ nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ sạt lở bên bờ sông Hồng để di dời về nơi ở mới; thông báo cho các hộ dân hai bên bờ sông chủ động tránh bão.
Tiếp xúc với những hộ dân ven đê sông Hồng tại khu vực phường Nguyễn Phúc, TP. Yên Bái, thấy rõ những nét lo âu về một trận mưa lũ hiển hiện. Ông Nguyễn Minh ở tổ 4, Nguyên Phúc, nói: Nghe những thông tin về thời tiết và cơn bão số 1 suốt đêm qua tôi lo không ngủ được. Tuy 7 hộ nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm đã được di dời rồi nhưng mình vẫn là hộ nằm trong vùng dễ bị ảnh hưởng nếu nước sông dâng to. May mà từ hôm qua đến nay vẫn mưa nhỏ, nước sông dâng chậm. Tuy thế vẫn không thể chủ quan, cha ông đã nói "Nhất thuỷ - nhì hoả" mà”.
Thức đêm chống lũ
Tại tỉnh Lai Châu trưa ngày 18-7 trời đổ mưa to tại nhiều huyện. Một số nơi của huyện Mường Tè có lượng mưa tới 90mm. Tỉnh Sơn La cũng bắt đầu xuất hiện mưa.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các huyện trọng điểm mưa có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở như Phù Yên, Mộc Châu, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai... chủ động di dời dân cư đang sinh sống dọc theo các tuyến sông, suối lớn và những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Cảnh báo người dân không đi nương, bắt cá, vớt gỗ trong những ngày mưa lũ để phòng lũ quét, lũ ống hoặc sạt lở đất gây ra tai nạn.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, các tỉnh Tây Bắc đã triển khai đề phòng bão lũ quyết liệt, nhất quán từ tỉnh đến cơ sở. Chủ tịch UBND các tỉnh đã có công điện yêu cầu rà soát, sẵn sàng sơ tán nhân dân trong vùng nguy hiểm; đề phòng lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn; duy trì lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.
Các lực lượng cứu hộ sẵn sàng tham gia ứng cứu người dân và trên các tuyến giao thông quan trọng như các khu tái định cư Thuỷ điện Sơn La, Quốc lộ 6, 37, tỉnh lộ... Các đồn biên phòng đã cử các đội công tác xuống cơ sở bám dân vừa tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tránh mưa bão, lũ quét.
Anh Bùi Sỹ Hùng - chủ một xưởng mộc tại bản Cứu xã Quang Huy, Phù Yên, Sơn La bối rối nhìn những dòng nước xối từ mái nhà xuống lòng đường, cho biết: Nếu cứ mưa to thế này thì cũng dễ mà có lũ lắm. Cái suối bản Cứu này mà ngập thì không chỉ dân gặp nguy hiểm, đói ăn, mất mùa mà cả cái xưởng gỗ của tôi cũng dễ thành bè nổi trôi sông. Trời u ám thế này là đêm nay còn mưa nhiều, có lẽ tôi lại thêm một đêm mất ngủ.
Qua kết nối thông tin với các địa phương, được biết đến cuối ngày 18- 7, cả Tây Bắc tràn ngập mưa. Tuy lượng mưa không lớn nhưng do trước đó đã có mưa và khả năng trận mưa này kéo dài nên nguy cơ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá lăn rất có thể xảy ra. Có lẽ thức cùng mưa gió để nắm bắt thông tin trực tiếp, kịp thời, sát thực vẫn là một giải pháp đảm bảo an toàn và đang được người dân Tây Bắc lựa chọn.
Kiều Thiện - Thanh Nghị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.