Lũ sông Cầu lên đỉnh lịch sử, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh lệnh trưng tập cát từ... đường vành đai 4 để cứu đê
Lũ sông Cầu lên đỉnh lịch sử, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh lệnh trưng tập cát từ... đường vành đai 4 để cứu đê
Ngọc Lê- Khương Lực
Thứ sáu, ngày 13/09/2024 11:40 AM (GMT+7)
Trong đợt lũ lớn lần này, nước lũ trên sông Cầu tại Bắc Ninh đã lập đỉnh 7,79m, chỉ dưới đỉnh lũ lịch sử năm 1971 có 0,05cm (7,84m), là năm xảy ra thảm họa vỡ đê ở miền Bắc. Thế nhưng, thảm họa vỡ đê đã không xảy ra khi tỉnh Bắc Ninh kịp thời trưng tập cát từ đường vành đai 4 để gia cố đê.
Chiều tối ngày 10/9, khi nước lũ sông Cầu liên tục tăng cao, chỉ trong thời gian ngắn đã vượt báo động 1, rồi báo động 2, báo động 3, có nguy cơ sẽ tràn vào các khu dân cư phía trong đê, đoạn qua huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh.
Trước tình thế đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã lập tức có mặt để bàn ra giải pháp ứng phó. Một giải pháp được đưa ra tại thời điểm đó là cần tiến hành đắp con trạch để ngăn nước sông Cầu tràn qua mặt đê. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do nước lên quá nhanh, nên toàn bộ nguồn cát ở ven sông Cầu và các khu vực khác đều bị ngập.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vương Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Tôi đã yêu cầu trưng tập ngay nguồn cát từ dự án đường vành đai 4 để chở lên đê sông Cầu và bỏ qua các phương án truyền thống khác".
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu thành phố Bắc Ninh, các đơn vị liên quan bám sát diễn biến mưa lũ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đơn vị Công an, Quân đội tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ địa phương thực hiện sơ tán dân, di dời tài sản đến nơi an toàn trước 21 giờ ngày 10/9; khẩn trương hoàn thành việc đắp đê bối chống tràn mặt đê.
Để có nguồn cát, tại thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã phải "nói khó" với các nhà thầu thông cảm, cứu đê là ưu tiên quan trọng nhất, cứ lấy cát trước, sau đó khối lượng cụ thể thế nào... tính toán sau.
Nhờ có nguồn cát đó, ngay trong đêm tối ngày 10/9 rạng sáng 11/9, tỉnh Bắc Ninh đã huy động hơn 1.000 người gồm các lực lượng quân đội, công an và các thanh niên có sức khỏe tại chỗ ở thành phố Bắc Ninh tham gia ứng cứu đê.
Chỉ trong thời gian ngắn, một con trạch dài 1,7m đã được gia cố trên mặt đê. Cũng chính vì thế, mà toàn bộ khu dân cư.
Người dân Bắc Ninh dồn cát vào bao để gia cố đê sông Cầu. Thực hiện: Khương Lực
Đoạn con trạch được gia cố, nhờ đó bảo vệ được khu dân cư phía trong sông Cầu không bị nước tràn vào. Thực hiện: Khương Lực
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện trạng lũ trên các sông những giờ qua cho thấy, lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) đang xuống chậm. Lũ trên sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương) đang xuống chậm. Lũ trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) tại Bến Đế đang xuống chậm.
Lũ trên sông Thương (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm. Lũ trên sông Hồng (Thành phố Hà Nội) đang xuống nhanh. Lũ trên sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm.
Mực nước lúc 07h/13/9, trên các sông như sau:
Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,66m, trên báo động 3 1,36m; dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 (7,84m) 0,18m. Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,95m, trên báo động 3 0,65m.
Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,23m, dưới báo động 3 0,07m. Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,82m, trên báo động 3 0,82m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,04m, trên báo động 3 0,04m; trên sông Hồng tại Hà Nội 10,02m, dưới mức báo động 2 0,48m.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình có xu thế biến đổi chậm, phổ biến còn mức cao từ báo động 2- báo động 3, có nơi trên mức báo động 3 và xuống chậm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.