Lũ lớn trên các sông Hồng, sông Thao, sông Cầu, vì sao nhiều đê bối bị vỡ, tràn?
Lũ lớn trên các sông Hồng, sông Thao, sông Cầu, vì sao nhiều đê bối bị vỡ, tràn?
K.Nguyên
Thứ tư, ngày 11/09/2024 18:11 PM (GMT+7)
Do lũ lớn xuất hiện trên hệ thống các sông chính như sông Hồng, sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long, sông Thái Bình, sông Lục Nam, nhiều nơi trên báo động 3 nên đã xảy ra nhiều vụ sự cố đê. Vì sao nhiều đê bối bị vỡ, tràn?
Liên quan đến việc trong những ngày qua xảy ra nhiều sự cố đê, vì sao hàng loạt đê bối bị vỡ, tràn, trao đổi nhanh với Dân Việt chiều 11/9, ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, đê bối là hệ thống đê nằm ngoài hệ thống đê chính nên chỉ cho thiết kế khả năng chịu lũ ở mức độ thấp, nếu cũng thiết kế to như đê chính thì không có khả năng chứa lũ, thoát lũ lại khiến thu hẹp lòng sông.
"Nên hệ thống đê bối ở các địa phương chỉ bảo vệ được ở những con lũ nhỏ, còn như năm nay, nhiều hệ thống sông lũ đã đến báo động 3 hoặc vượt báo động 3 nên mới xảy ra sự cố đê bối bị vỡ, tràn dù các địa phương, ngành chức năng đã nỗ lực, cố gắng bảo vệ, gia cố", ông Tuyên nói.
Cũng theo ông Tuyên, trong bối cảnh lũ lớn như hiện nay, việc các đê bối bị tràn là điều khó tránh vì tính chất của đê được thiết kế bảo vệ ở mức thấp nhất. Theo quy định về phân loại, phân cấp đê điều, hiện có loại cấp đê: đê sông, đê biển, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng. Trong đó, đê sông là đê ngăn nước lũ của sông; đê biển là đê ngăn nước biển; đê cửa sông là đê chuyển tiếp giữa đê sông với đê biển hoặc bờ biển; đê bao là đê bảo vệ cho một khu vực riêng biệt; đê bối là đê bảo vệ cho một khu vực nằm ở phía sông của đê sông; đê chuyên dùng là đê bảo vệ cho một loại đối tượng riêng biệt.
"Đê bối chỉ được thiết kế chịu được lũ ở mức báo động 2, nhưng những ngày qua, lũ trên các sông đều vượt báo động 3 nên việc tràn đê cũng là khó tránh. Trong trường hợp này, giải pháp duy nhất là sơ tán dân", ông Tuyên nói.
Tương tự, theo TS.Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, hệ thống đê thường có đê bối và đê chính. Do quy định về chức năng bảo vệ của mỗi loại đê nên đê bối chỉ được thiết kế chịu được mức lũ báo động 2, nếu vượt mức này thì có thể bị tràn.
"Mỗi loại đê lại được thiết kế chịu được mức lũ khác nhau. Đơn cử như hệ thống đê chính bảo vệ nội đô Hà Nội được thiết kế ở cấp đặc biệt, chịu được lũ đặc biệt lớn, có thể 500 năm mới xuất hiện một lần", ông Thắng nói.
Được biết, do lũ trên các sông liên tục đạt đỉnh, có sông còn vượt đỉnh lũ lịch sử nên hệ thống đê bối ở nhiều địa phương gặp sự cố tràn, vỡ.
Nhiều sự cố đê bối ở các địa phương
Đơn cử như tại Bắc Giang, tối 10/9, nước lũ tràn qua đê bối ở thôn Đa Hội, Hiệp Hòa, Bắc Giang. 500 hộ, với khoảng 2.000 dân tại đây đã được khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn trong đêm. Ngay trong đêm, gần 400 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội đã khẩn trương sử dụng xuồng đi vào từng ngõ trong thôn Đa Hội để di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Sự cố sạt trượt mái đê xảy ra vào lúc hơn 4h30 sáng thuộc tuyến đê bối cống Đầm (Hiệp Hòa, Bắc Giang) do mái đê phía đồng dốc cộng với lũ trên sông Thương dâng cao lâu ngày gây ra. Ngay sau khi xảy ra sự cố, huyện Yên Dũng đã huy động tối đa lực lượng để khắc phục.
Với chiều dài hơn 4,5 km, tuyến đê bối có chức năng bảo vệ an toàn cho hơn 4.000 hộ dân cùng hơn 1.000 ha lúa của 2 xã Đồng Phúc và Đồng Việt. Do đó, ngoài lực lượng nòng cốt là bộ đội, dân quân tự vệ, rất đông người dân 2 xã đã có mặt kịp thời để phối hợp khắc phục sự cố.
UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết tối 10/9 đê tả sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương bị vỡ, nước tràn vào 40 ha đồng ruộng và khoảng 230 hộ dân bị ngập. Đê tả sông Lô là đê cấp 5 (cấp thấp nhất trong 5 cấp đê), tương đương với diện tích bảo vệ dưới 4.000 ha, số dân được bảo vệ dưới 10.000. Độ ngập sâu trung bình của các khu dân cư so với mực nước thiết kế đê là dưới một mét.
Huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cũng đã khẩn trương di dân ở những vùng bờ bao, đê bối đến nơi an toàn; đồng thời huy động tối đa lực lượng phương tiện, vật tư gấp rút gia cố chống tràn tại một số tuyến bờ bao, đê bối xung yếu, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa lũ đến sản xuất, sinh hoạt cũng như bảo đảm an toàn hệ thống đê điều của tỉnh.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 3; tại PhúThọ sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 1.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức báo động 3.
Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.