Lư Tuấn Nghĩa, Công Tôn Thắng… tên gọi tiết lộ gì về số phận?

Minh Anh (theo NHDTV) Thứ hai, ngày 21/01/2019 15:32 PM (GMT+7)
Lư Tuấn Nghĩa vì nghĩa mà nhường chức trại chủ Lương Sơn, rồi vì nghĩa mà cùng các huynh đệ thảo phạt Phương Lạp. Ông qua đời do bị gian thần hãm hại. Còn đối với Công Tôn Thắng, giống như cái tên của mình, ông thắng tất cả các trận đánh khi nhùng tay, nhưng lại chọn còn đường nhàn hạ, thích phiêu du tự tại…
Bình luận 0

Lư Tuấn Nghĩa là một trong Tam Kiệt Hà Bắc, mình cao chín thước, mắt sáng như sao, tướng mạo tựa Thần, chừng 37 – 38 tuổi. Ông có biệt hiệu là Ngọc Kỳ Lân, sao chiếu mệnh là Thiên Cương Tinh.

Cái tên Lư Tuấn Nghĩa có nghĩa là người tuấn tú, bậc tuấn kiệt, người trượng nghĩa, xứng danh anh hùng nghĩa hiệp. Sao chiếu mệnh của ông là Thiên Cương Tinh, là một trong Tứ Chính, nằm ở vị trí trung tâm, trong mệnh đã là nhân vật trung tâm rồi. Khi lên Lương Sơn, Tống Giang rất ngưỡng mộ tài năng đức độ và danh tiếng của Tuấn Nghĩa, đã khẩn khoản mời ông nhận chức trại chủ. Ông đã vì nghĩa mà cự tuyệt.

img

Cái tên Lư Tuấn Nghĩa có nghĩa là người tuấn tú, bậc tuấn kiệt, người trượng nghĩa, xứng danh anh hùng nghĩa hiệp. (Ảnh: Youtube).

Trước đó, Tiều Cái đã có “di mệnh” rằng: “Ai giết được Sử Văn Cung thì người đó làm trại chủ”. Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa chia quân đánh Tăng Đầu thị, nhằm xem ai giết được Sử Văn Cung thì làm trại chủ. Tống Giang đánh bại quân Tăng Đầu thị, Lư Tuấn Nghĩa bắt được Sử Văn Cung đem nộp cho Tống Giang. Tuy từ chối làm trại chủ nhưng ông vẫn là nhân vật trung tâm, đứng thứ hai Lương Sơn.

Lư Tuấn Nghĩa lập nhiều công trạng cho Lương Sơn: Đánh bại Đồng Quán hai lần, đánh bại Cao Cầu ba lần, Bắc phạt nước Liêu, đánh dẹp Điền Hổ, bình định Vương Khánh, nam chinh Phương Lạp.

Biệt hiệu ông là Ngọc Kỳ Lân, nghĩa là “con Kỳ Lân bằng ngọc” cũng nói lên nhiều điều thú vị. Kỳ lân tính tình ôn hòa, trên thân tuy có vũ khí có thể tấn công kẻ địch, nhưng không gây hại cho người và động vật, không giẫm đạp côn trùng hoa màu, do đó được gọi là Nhân Thú (con thú nhân từ).

Ông đối đãi người nhân từ nên coi gia nô Yến Thanh như con, khiến chàng lãng tử này cúc cung tận tùy cả đời trung thành với ông. Cũng chính vì trượng nghĩa và nhân từ nên ông một mực từ chối chức trại chủ mà ông xứng đáng.

Sau này đánh bại Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa được thăng hàm Vũ công đại phu, bổ chức An phủ sứ kiêm Binh mã Phó Tổng quản Lư Châu. Nhưng rồi bị gian thần hãm hại, cho uống rượu có thủy ngân.

Lúc đi thuyền về Lư Tuấn Nghĩa muốn đứng đầu mũi thuyền tiêu khiển, không ngờ thuỷ ngân đã chạy vào tuỷ, vào bụng dưới, Lư Tuấn Nghĩa run chân đứng không vững, lại vì chếnh choáng hơi men nên sẩy chân ngã xuống sông Hoài ở chỗ nước sâu mà chết.

Một nhân vật nổi tiếng khác trong Thủy Hử cũng có số phận gần giống như tên gọi của mình, đó là Công Tôn Thắng. Công Tôn Thắng có biệt hiệu là Nhập Vân Long, sao chiếu mệnh là Thiên Nhàn Tinh. Ông người cao tám thước (1,84 m), lông mày hình chữ bát, dung mạo cổ quái. Vốn là đạo sĩ ở trên núi, có tài phép lạ biến hóa khôn lường.

Võ nghệ của Công Tôn Thắng rất cao cường có thể sánh với Dương Chí. Ông từ nhỏ đã yêu thích thương bổng, học được nhiều loại võ nghệ, sau theo học La Chân Nhân, có thể hô gió gọi mưa, cưỡi mây.

img

Biệt hiệu ông là Nhập Vân Long, nghĩa là rồng trong mây, cũng thể hiện rõ ông như con rồng có thể cưỡi mây về gió. (Ảnh: Youtube).

Ông tên Thắng, rất ứng với tên mình, trong các trận chiến về phép thuật, chưa từng thất bại bao giờ, điển hình là đọ pháp với Phàn Thụy. Vì Phàn Thụy chiến thắng khi giao đấu với Lương Sơn nên Công Tôn Thắng đề nghị Phàn Thụy phá trận Bát Quái của mình.

Phàn Thụy sử dụng pháp thuật làm trời tối đen, hô mưa gọi gió làm quân Lương Sơn rối loạn, sau đó sai Lý Cổn, Hạng Sung đem 500 quân phá trận. Song cả hai người đều bị bắt. Công Tôn Thắng đánh bại Phàn Thụy trong một trận chiến phép thuật. Mặc dù chạy thoát, nhưng cuối cùng Phàn Thụy lại theo lên Lương Sơn.

Biệt hiệu ông là Nhập Vân Long, nghĩa là rồng trong mây, cũng thể hiện rõ ông như con rồng có thể cưỡi mây về gió, hô phong hoán vũ, thoắt ẩn thoắt hiện, biến hóa khôn lường. Rồng trong mây, không thấy hình bóng đâu, chỉ đôi lúc thò đầu, lộ đuôi.

Công Tôn Thắng là đạo sĩ của Toàn Chân Đạo. Hầu hết thời gian ở Lương Sơn, ông bế quan tĩnh tọa tu luyện Đạo pháp, chỉ khi nào Lương Sơn cần, tìm đến ông thì ông mới xuất đầu lộ diện tương trợ.

Nguồn gốc ông là sao Thiên Nhàn Tinh hạ phàm, có nghĩa là vị Tiên du nhàn trên trời. Ông lên Lương Sơn trợ giúp các anh hùng, đến khi quân Lương Sơn chuẩn bị đi đánh Phương Lạp, Công Tôn Thắng đã bỏ đại quân phiêu bạt giang hồ, sau này truyền đạo cho Phàn Thụy, Chu Vũ, cả ba cùng vân du, tu Tiên. Ông Tiên du nhàn khắp trời đất, trút bỏ cái duyên trần chốn nhân gian, ngao du cõi Thái Hư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem