Lựa chọn khó khăn: Lời kêu gọi tuyệt vọng tới Ukraine và phương Tây để ngăn kết quả tồi tệ hơn

V.N (Theo The Hill) Thứ bảy, ngày 11/05/2024 15:19 PM (GMT+7)
Nhà nghiên cứu từ Mỹ cho rằng Ukraine và phương Tây đã sai lầm khi từ bỏ đàm phán sớm với Nga hồi đầu năm 2022. Tác giả cho rằng cần sớm quay lại đàm phán để ngăn chặn kết quả tồi tệ sau này.
Bình luận 0
Lựa chọn khó khăn: Lời kêu gọi tuyệt vọng tới Ukraine và phương Tây để ngăn kết quả tồi tệ hơn- Ảnh 1.

Bài báo của tác giả Mark Episkopos, nhà nghiên cứu trong chương trình Á - Âu của Viện nghiên cứu Quincy trên trang The Hill có tựa đề "Thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể đạt được 2 năm trước và bây giờ vẫn có thể đạt được".

Bài báo cho rằng ban đầu phương Tây đã nhất quyết theo đuổi việc hỗ trợ Ukraine và không muốn đối thoại với Nga.

Bài báo viết: "Khi phương Tây nỗ lực xác định chiến lược của mình ở Ukraine, các chính trị gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương từ lâu đã nhấn mạnh rằng con đường duy nhất dẫn đến "nền hòa bình công bằng và lâu dài" là hỗ trợ Ukraine cho đến khi Nga thừa nhận thất bại vô điều kiện. Họ bác bỏ những lời kêu gọi giải quyết bằng thương lượng là ngây thơ, nguy hiểm và vô ích, đồng thời tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không nhượng bộ trừ khi bị ngăn chặn bằng vũ lực - của Ukraine hoặc nước khác".

Theo tác giả, hơn hai năm tham gia cuộc xung đột, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn không hề nao núng trong cam kết của họ, ngay cả khi cuộc chiến nghiêng về phía Moscow. Phương Tây đã tiếp tục thiếu quan tâm đến việc tìm hiểu các điều khoản của Điện Kremlin để kết thúc chiến tranh  trong cuộc đàm phán hòa bình hồi đầu năm 2022 dù Nga có lợi thế về về sức mạnh quân sự. 

"Ngày nay mọi chuyện càng trở nên khó hiểu hơn trong bối cảnh tình hình của Ukraine ngày càng tồi tệ hơn và đang xấu đi nhanh chóng" - bài báo viết.

Theo Episkopos, "niềm tin dai dẳng rằng không bao giờ có con đường ngoại giao dẫn tới hòa bình ở Ukraine là không phù hợp với thực tế và giống như một sự kiềm chế tự áp đặt buộc các chính phủ phương Tây phải tăng gấp đôi các mục tiêu chiến tranh không bền vững và phản tác dụng".

Tác giả phân tích, việc phương Tây hỗ trợ Ukraine kiên cường chống lại các lực lượng Nga gần thủ đô Kiev hồi đầu chiến sự năm 2022 dường như đã gây ra những tính toán sai lầm cho phía Nga, và vì thế khi đó các quan chức Nga tỏ dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ lớn trong cuộc thương lượng với Kiev. Với đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã đạt được một dự thảo thỏa thuận trước tháng 4 năm 2022.

Theo tác giả bài báo, "các nhà đàm phán Nga được cho là đã nhấn mạnh vào những giới hạn cụ thể đối với quân đội Ukraine trong thời bình, bao gồm cả giới hạn cụ thể về số lượng quân và tầm bắn tối đa của tên lửa Ukraine. Phái đoàn Ukraine lập luận rằng mức trần nên cao hơn nhưng về nguyên tắc không phản đối những hạn chế này, khiến hai bên có thể gặp nhau ở giữa. 

Trọng tâm của dự thảo hiệp ước là một điều khoản quy định tình trạng trung lập vĩnh viễn cho Ukraine. Để đổi lấy việc từ bỏ bất kỳ ý định gia nhập NATO hoặc tiếp nhận lực lượng NATO trên lãnh thổ của mình, Ukraine sẽ nhận được những đảm bảo an ninh đa phương mạnh mẽ từ một liên minh có thiện chí, bao gồm Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mỹ.

Thỏa thuận này không chỉ mở ra cánh cửa cho Ukraine gia nhập EU mà còn kêu gọi Nga xác nhận "ý định tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu". Điều này đánh dấu sự đảo ngược đáng kinh ngạc trong nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn khát vọng châu Âu của Kiev, đặt nền móng cho sự hội nhập cuối cùng của Ukraine vào một khối chính trị, văn hóa và kinh tế chung của phương Tây.

Các cuộc đàm phán ở Istanbul đã không cố gắng đạt được sự đồng thuận liên quan đến các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga sau tháng 2/2022, để lại câu hỏi đó cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định trong một hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch. Nhưng các nhà đàm phán Ukraine đã cố gắng đạt được sự nhượng bộ đáng kể từ phía đối tác Nga về một vấn đề gần kề: hai bên đồng ý tổ chức tham vấn về tình trạng của Crimea trong 10 đến 15 năm tới, bất chấp sự khăng khăng lâu nay của Nga rằng quyền kiểm soát của nước này đối với bán đảo này là vấn đề không thể thảo luận sau khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014".

Bài báo trên The Hill cho rằng, "những điều khoản này, nếu được thông qua, sẽ tạo nên một chiến thắng cho Ukraine và các đối tác phương Tây. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ukraine được tự do hội nhập với phương Tây theo cách riêng của mình với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, lặp lại những kinh nghiệm thành công sau chiến tranh của Áo và Phần Lan".

Cho dù vẫn có khả năng thỏa thuận Istanbul sẽ không được hoàn tất thành một hiệp ước, "nhưng việc nắm lấy cơ hội đó là vì lợi ích của Ukraine và phương Tây, dù chỉ vì giải pháp thay thế nghiệt ngã hơn nhiều" - tác giả viết.

Tác giả cho rằng có nhiều lý do khiến Ukraine rút khỏi đàm phán. Đó có thể là những thất bại nặng nề  lực lượng Nga phải gánh chịu trong những tháng đầu của cuộc chiến  khiến Kiev kết luận rằng họ có thể đánh bại Nga một cách dứt khoát trên chiến trường đến mức không cần phải nhượng bộ. Lý do cũng có thể là Ukraine tin rằng  chế độ trừng phạt của phương Tây sẽ phá hủy nền kinh tế Nga, đồng thời Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây khác, như đã hứa, sẽ hỗ trợ Ukraine về miễn là cần thiết.

Theo Episkopos, nhận thức của Ukraina và phương Tây về sự yếu kém của Nga kể từ đó đã được chứng minh là quá sớm một cách bi thảm. Việc từ bỏ đàm phán năm 2022  vẫn củng cố quan điểm sai lầm rằng một giải pháp thương lượng giữa Kiev và Moscow là không thể thực hiện được. Việc định hình xung đột này đã làm hạn chế trí tưởng tượng của các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà hoạch định chính sách, khiến họ coi kịch bản tốt nhất là Ukraine sẽ thắng.

Tác giả cho rằng, tin tốt là, mặc dù vị thế thương lượng của Moscow ngày nay  sẽ ít phù hợp hơn so với năm 2022, nhưng Điện Kremlin cho rằng họ vẫn coi thông cáo Istanbul là cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình hiệu quả.

"Nhà Trắng không thể quay ngược đồng hồ về tháng 4/2022, nhưng có thể và nên nghiêm túc trong việc đặt nền móng, với sự tham vấn chặt chẽ với Kiev và các đồng minh châu Âu, để đẩy nhanh việc thương lượng chấm dứt cuộc chiến này" - bài báo viết.

Theo đó, "các nhà lãnh đạo phương Tây và Ukraine phải đưa ra những lựa chọn khó khăn ngay bây giờ vì đây là cách duy nhất để ngăn chặn những kết quả tồi tệ hơn sau này".

Hồi tháng 2, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson , Tổng thống Nga Putin cho biết, đàm phán với Ukraine vào năm 2022 gần như đã hoàn tất, nhưng sau khi Nga rút quân khỏi Kiev, phía Ukraine đã “vứt bỏ” mọi thỏa thuận, và sau đó ông Zelensky đã cấm các cuộc đàm phán với Nga.

Moscow chưa bao giờ từ chối đàm phán và nhà lãnh đạo Nga đã lên tiếng về điều này. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin, ông Putin cũng nói rằng ông không biết liệu phương Tây có muốn giải quyết hòa bình xung đột Ukraine hay không, nhưng nếu vậy thì Nga “sẵn sàng đối thoại”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem