Tất cả vì nghèo
Viện Bỏng Quốc gia đã tiếp nhận 23 trường hợp người lớn và trẻ em bị bỏng nặng được chuyển lên từ Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng). Tất cả các bệnh nhân này đều là những công nhân may mắn thoát chết trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại xưởng giày da gây chấn động dư luận suốt mấy ngày qua.
Có mặt tại Viện Bỏng Quốc gia vào sáng 4.8, PV NTNN vẫn cảm nhận được nỗi kinh hoàng trên khuôn mặt các nạn nhân và những người chứng kiến. Dù vào giờ nghỉ trưa, nhưng các bác sĩ của viện vẫn tất bật cứu chữa cho những người bỏng nặng.
|
Bà Đỗ Thị Hòa đang chăm sóc con gái Đào Thị Cẩm Vân ở Viện Bỏng Quốc gia. |
Đã tỉnh táo hơn so với thời điểm nhập viện, Đào Thị Cẩm Vân, 14 tuổi (trú tại thôn Đại Hoàng 3, xã Tân Dân, huyện An Lão), nạn nhân trẻ nhất và cũng thuộc nhóm nặng nhất đã có thể khó khăn trò chuyện với chúng tôi một đôi lời.
Vân kể: "Khi lửa bắt đầu bùng cháy lớn ở cửa, ai cũng hoảng loạn nên đều chạy ngược vào trong. Lúc đó, em cứ chạy theo người đằng trước, không hiểu sao lại lao được ra ngoài. Thấy chiếc xe cứu thương đỗ gần cửa, em cố gắng bò đến và leo lên xe để được cứu chữa. Bao nhiêu người đứng đấy mà không ai giúp em cả, vì có lẽ họ đang chú ý tìm người thân. Sau đó, em được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Kiến An rồi được chuyển lên đây". Theo thông tin từ bác sĩ điều trị thì Vân bị bỏng 30% bề mặt da, nặng nhất là ở 2 chân và 2 tay.
Khi chúng tôi hỏi đến gia cảnh của Vân thì bà Đỗ Thị Hòa - mẹ đẻ nạn nhân, ngậm ngùi: "Gia đình tôi vất vả lắm. Cuộc sống đều trông chờ vào mấy sào ruộng. Thế nhưng chồng tôi lại nghiện rượu, chẳng chịu làm ăn gì nên nghèo lại càng nghèo.
Tôi có 3 con gái thì đều không lo được cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn. Cô con gái cả nghỉ học sớm nhất, đi ở cho nhà người ta từ năm 14 tuổi để thay mẹ kiếm tiền nuôi 2 em ăn học. Cô con gái thứ 2 học hết lớp 9 cũng nghỉ học đi làm. Do tuổi còn nhỏ nên phải lấy tên chị để được nhận vào làm việc ở một công ty may. Dù làm may vất vả nhưng còn hơn so với nguồn thu nhập ít ỏi từ ruộng đồng".
Gia đình tôi vất vả lắm. Cuộc sống chỉ trông nhờ vào mấy sào ruộng. Nhà có 3 đứa con gái thì do nghèo đều nghỉ học sớm, riêng cô út phải đi làm thuê ở xưởng may, nên mới gặp nạn đau lòng như thế.
Bà Đào Thị Hòa, mẹ nạn nhân Đào Thị Cẩm Vân
Dừng lại một chút để lau giọt nước mắt đang ứa ra trên khuôn mặt đã chằng chịt nếp nhăn, bà Hòa thở dài: "Vân là út nên tôi cũng định cố gắng cho cháu học thay các chị nhưng rồi cũng đành dở dang lớp 8 vì chồng tôi cứ say rượu về là khóa cửa nhốt không cho con đi học.
Sau khi nghỉ học, Vân có đi xin việc một vài nơi nhưng người ta không nhận vì cháu còn ít tuổi quá, may có xưởng giày da của chị Hiên nhận cháu vào làm. Tháng đầu tiên, Vân nhận được 330.000 đồng tiền lương học việc. Tháng thứ 2 và thứ 3, Vân được gần 2 triệu đồng. Tháng thứ 4 thì tai nạn xảy ra. Nếu không vì nghèo, không thất học thì các cháu không phải khổ như thế".
Cũng theo lời bà Hòa, Vân làm việc ở xưởng chị Hiên khi chưa đủ tuổi lao động và cũng không được hưởng bất kỳ một chế độ bảo hiểm nào. Khi được hỏi có ý thức được những hiểm họa có thể xảy ra khi làm việc ở những môi trường không đảm bảo không thì bà Hòa khóc: "Tất cả chỉ vì nghèo thôi. Không làm thì biết lấy gì để sống".
Đứt đoạn giấc mơ đi học
Cùng phòng điều trị với Vân, nữ công nhân Bùi Bích Phượng, 19 tuổi, cũng bị bỏng đến 35% diện tích bề mặt da. Phượng làm ở giữa chuyền, khi vụ cháy xảy ra, cô cũng nhanh chân định chạy ra cửa, nhưng do người nhỏ nên bị xô ngã xuống đất. Những người đằng sau cứ trèo lên người cô để chạy. Lúc đó, Phượng phải cố gắng bò vào một gầm máy gần đó để chờ cho người ta chạy qua hết mới chạy tiếp được.
|
Nạn nhân Bùi Bích Phượng với ước mơ đi học bị đứt đoạn. |
Đồng cảnh ngộ khó khăn như bà Hòa, bà Lê Thị Lan - mẹ đẻ Phượng, cũng có một người chồng nát rượu. Dù nghèo nhưng vì ham học, Phượng vẫn nộp đơn xin học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện. Để có tiền đóng học phí, cô đã làm đủ thứ nghề như bán chè thuê ở chợ rồi phụ việc cho một số cửa hàng.
Thương con, ngoài vụ mùa, bà Lan cũng đi giúp việc cho các gia đình ở Kiến An để con đỡ vất vả. Năm 2010, học xong lớp 11, vì kinh tế gia đình quá khó khăn, Phượng quyết định bảo lưu kết quả, xin nghỉ học 1 năm để đi làm kiếm tiền học lớp 12.
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào 16 giờ 30 ngày 29.7.2011 tại xưởng may giày da tư nhân của Bùi Thị Hiên (SN 1987, trú tại Tân Dân, An Lão, Hải Phòng) khiến 13 người thiệt mạng và 23 người bị thương nặng. Hiện Công an huyện An Lão đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người về hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo dự định, tháng 9 tới Phượng sẽ bước vào năm học cuối cấp. Thế nhưng tai nạn đã ập xuống khi cô vừa đi làm tháng đầu tiên ở xưởng may của Bùi Thị Hiên. Được biết, Phượng cũng như các công nhân khác, đều không được đóng chế độ bảo hiểm dành cho người lao động.
Nhớ lại thời khắc kinh hoàng ngày 29.7, bà Lan run run kể lại: "Hôm đó, tôi vừa đi mua ít đạm rắc lúa về đến nhà thì nghe mọi người hô cháy ở xưởng may. Khi tôi cuống cuồng chạy đến nơi thì thấy một nữ công nhân bám ở chấn song cửa sổ kêu cứu, chồng cô ấy đứng ngay ngoài song cửa mà không làm thế nào cứu được vợ. Tôi gần như ngất đi khi thấy cô công nhân đó bị ngọn lửa thiêu sống.
Lúc đó, tôi cứ nghĩ con tôi cũng chết rồi vì lửa cháy rừng rực khắp xưởng, khói tỏa mù mịt không thể nhìn thấy gì. Đang vật vã khóc thì nghe có người bảo con gái tôi đã chạy thoát ra được. Gia đình tôi vội đưa cháu thẳng xuống Bệnh viện Kiến An cấp cứu. Cũng chỉ vì ước mơ được đi học mà con tôi mới gặp tai nạn chết hụt này. Giá mà tôi bớt nghèo thì đâu đến nỗi".
Có lẽ, điều "giá mà" bà Lan vừa nhắc đến cũng là ước mơ giản dị của tất cả những người nông dân có người thân bị thương vong trong thảm họa kinh hoàng ở Tân Dân.
Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.