Lúa được mùa được giá, nhiều nông dân ở một xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thu nhập trăm triệu
Lúa được mùa được giá, nhiều nông dân ở một xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thu nhập trăm triệu
Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội ND xã Long Phước
Chủ nhật, ngày 07/01/2024 18:30 PM (GMT+7)
Hiện nay, nông dân xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa mùa. Liên tiếp vụ lúa hè thu và lúa mùa đều có năng suất cao và giá bán tốt, trung bình mỗi ha người nông dân có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/vụ.
Đối với những nông dân sản xuất trên ruộng của gia đình thì lợi nhuận trung bình 30 triệu đồng/ha/vụ. Với lợi nhuận thu về từ trồng lúa như hiện nay, nông dân rất phấn khởi vì những năm 2021 - 2022 trồng lúa luôn bị thua lỗ.
Lúa được mùa, được giá, nông dân lợi cả đôi đường
Anh Nguyễn Văn Hướng có 3ha ruộng, vụ hè thu và vụ mùa năm 2023, anh gieo sạ giống lúa Đài thơm 8. Anh Hướng cho biết: Đây là giống lúa thơm tuy đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nhưng có năng suất và giá bán tốt và thích hợp với chân ruộng của anh nên vụ nào năng suất cũng đạt khá.
Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Hướng, nếu trồng mỗi ha lúa hiện nay, nông dân phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng cho các khoản chi phí như: công làm đất và các dịch vụ khác, lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công chăm sóc. Trong đó chi phí phân bón là cao nhất chiếm gần 50% chi phí đầu tư.
Anh Hướng phấn khởi nói: "Đã hai vụ lúa rồi, gia đình tôi vừa được mùa, được giá. Vụ hè thu vừa rồi, ruộng lúa của tôi có năng suất 6,2 tấn/ha, với giá bán 7.800 đồng/kg sau khi trừ chi phí, tôi còn lợi nhuận khoản 85 triệu đồng/3ha.
Vụ mùa này, lúa của tôi có năng suất 6,5 tấn/ha với giá bán 8.300 đồng/kg thì tôi còn lợi nhuận hơn 100 triệu/3ha. Tính tròn 2 vụ lúa, lợi nhuận tôi thu về gần 190 triệu đồng, mức cao nhất từ 4 năm trở lại đây, hiện tại tôi đang chuẩn bị làm đất để giao sạ vụ đông xuân, chắc chắn tết này gia đình tôi sẽ ăn tết lớn đây".
Anh Nguyễn Hữu Ngàn đang sản xuất 2,4 ha ruộng lúa của gia đình. Anh Ngàn cho biết, vụ lúa mùa này anh gieo sạ giống lúa 4900, do lượng nước tưới ổn định cộng với chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên khi thu hoạch sản lượng lúa của anh đạt 6,5 tấn/ha. Do thời tiết không ổn định nên chi phí cho chăm sóc vụ mùa này khá cao, mỗi ha anh phải đầu tư đến 21 triệu đồng. Với giá bán 8.400 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lợi nhuận hơn 80 triệu đồng/2,4ha.
Anh Lê Văn Danh sản xuất 6 ha lúa, thường thì anh chỉ sản xuất giống lúa 504, giống lúa này có đặc điểm gạo khô, nở, giá thu mua thấp hơn các giống lúa thơm nhưng đạt năng suất rất cao, dễ chăm sóc, kháng được nhiều bệnh. Anh Danh cho biết vụ mùa này lúa của anh cho sản lượng 6,8 tấn/ha cộng với giá lúa ở mức 8.000 đồng/kg anh thu về hơn 320 triệu đồng. Anh đầu tư cho mỗi ha là 18 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/6ha.
Anh Lê Văn Danh nói: "Vụ mùa năm nay, giá phân bón có giảm nhẹ (15.000 – 20.000 đồng/bao) nên nông dân trồng lúa được giảm một phần nhỏ chi phí cho bón, cộng với giá lúa tăng cao, năng suất tốt nên nông dân được hưởng lợi kép, bù cho năm 2021, 2022 nông dân trồng lúa không có lợi nhuận thậm chí là lỗ vốn"
Anh Trần Văn Hùng là nông dân thuê 5ha đất ruộng sản xuất lúa cho biết: Ngoài chi phí đầu tư cho sản xuất lúa như phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí làm đất, thu hoạch lúa và dịch vụ khác, người thuê ruộng còn phải chi thêm tiền thuê ruộng mỗi vụ 6 triệu đồng cho 1 ha.
Vụ mùa này, anh Hùng gieo sạ giống lúa dẻo bầu, đây là giống lúa thơm chất lượng gạo rất ngon nên được thương lái ưa chuộng, anh vừa thu hoạch xong và đạt sản lượng 6,5 tấn/ha. Sau khi thu hoạch xong, lúa của anh được thương lái thu mua tại ruộng với giá 8.500đ/kg, anh thu về 276 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất 5 ha là 100 triệu đồng, tiền thuê ruộng 5 ha là 30 triệu đồng, anh còn lợi nhuận gần 150 triệu đồng.
Anh Hùng vui vẻ nói: "Gia đình tôi chỉ có 0,5ha ruộng, thấy sản xuất lúa mà diện tích ít quá thì phí công chăm sóc nên từ năm 2022 tôi đã thuê thêm 5 ha ruộng của những người lân cận để sản xuất, năm đầu tôi toàn hòa vốn hoặc bị lỗ. Nhưng liên tiếp 2 vụ hè thu và vụ mùa năm nay, tôi đã có lợi nhuận gần 300 triệu đồng, bù lại bị lỗ năm 2022, tôi vẫn còn hơn 200 triệu đồng".
Giá lúa cao nhưng còn đó những nỗi lo
Ông Nguyễn Quang Tuân là thương lái có nhiều năm thu mua lúa của nông dân đồng thời là chủ cơ sở sấy, xay xát lúa, chế biến gạo tại xã Long Phước cho biết: Với giá thu mua lúa thơm trung bình là 8.300 đồng/kg và lúa 504 là 8.000 đồng/kg như hiện nay thì nông dân trồng lúa có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Đây là mức lãi cao nhất từ nhiều năm qua của người trồng lúa.
Ông Tuân nói thêm: "Giá lúa cao là do Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo nên ngành gạo nước ta có cơ hội mở rộng thị trường và xuất khẩu với giá cao kéo giá lúa tăng theo. Theo dự đoán thì giá lúa gạo sẽ còn cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ và các nước khác cho xuất khẩu gạo trở lại chắc chắn giá gạo sẽ giảm và giá lúa sẽ giảm theo, lúc đó nông dân trồng lúa sẽ tiếp tục gặp khó.
Hơn nữa, nông dân xã Long Phước có tập quán sản xuất riêng lẻ, thiếu liên kết, không cùng một loại giống khiến cho thương lái khó thu mua, bảo quản và chế biến. Để tạo lợi nhuận cao, người trồng lúa cần liên kết sản xuất theo chuỗi, sử dụng giống lúa có chất lượng và đồng loạt gieo sạ cùng một loại giống để tạo ra một lượng sản phẩm lớn, thuận tiện cho thu mua, vận chuyển, chế biến và ký kết hợp đồng tiêu thụ".
Xã Long Phước có tổng diện tích sản xuất lúa nước khoảng 300 ha. Nếu năng suất đạt bình quân 6 tấn/ha thì sẽ cung cấp ra thị trường 1.800 tấn lúa mỗi vụ (tương đương 5.400 tấn mỗi năm).
Để sản xuất lúa bền vững, Hội Nông dân xã Long Phước vận động nông dân thay đổi phương pháp sản xuất truyền thống, giảm lượng phân hóa học, thay vào đó là tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi để bón cho lúa nhằm tăng chất hữu cơ, tạo sức đề kháng với các loại sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất. Sử dụng các bài thuốc dân gian để phòng ngừa sâu bệnh, phát triển thiên địch có lợi.
Hội Nông dân xã vận động nông dân chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa trong năm sang sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu để tăng độ phì nhiêu cho đất. Trồng hoa trên bờ để dẫn dụ sâu rầy. Áp dụng phương pháp gieo sạ thẳng hàng, thưa để tránh sâu bệnh, tăng năng suất lúa. Thực hiện đúng theo khuyến cáo và hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Sử dụng giống lúa có năng suất và chất lượng gạo cao, liên kết sản xuất thành vùng để có sản phẩm đủ cung cấp cho doanh nghiệp, thông qua hợp tác mua vật tư nông nghiệp với số lượng nhiều, giá thấp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của Việt Nam để mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận ổn định và bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.