Ở Bình Định, dân trồng hành củ, cuối mùa tàn úa, nhổ bật toàn củ mẩy, lãi gấp 15 lần so với lúa
Nơi này ở Bình Định, dân trồng thứ cây cuối mùa tàn úa, nhổ bật toàn củ mẩy, lãi gấp 15 lần so với lúa
BBT (TTKN tỉnh Bình Định)
Thứ sáu, ngày 05/01/2024 12:52 PM (GMT+7)
Sau 60 ngày trồng, cây hành có số củ/bụi trung bình đạt 3,8 củ; năng suất đạt 90,2 tạ/ha; lợi nhuận mang lại 183,98 triệu đồng/ha, gấp 15 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Đó là mô hình trồng hành củ ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định).
Với mục tiêu chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật trồng hành củ đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần đa dạng các sản phẩm rau an toàn cung ứng cho thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP” quy mô 1 ha, tại thôn Chánh Trạch 2, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ với 18 hộ dân tham gia.
Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí về hành giống và các vật tư thiết yếu để triển khai mô hình. Đồng thời được sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng hành củ theo tiêu chuẩn VietGAP, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển trong từng giai đoạn cây hành, kịp thời hỗ trợ biện pháp phòng trừ thích hợp nhất; hỗ trợ lấy mẫu đất, mẫu nước, sản phẩm hành củ để cấp chứng nhận VietGAP.
Kỹ sư Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo mô hình trồng hành củ, cho biết: Qua theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng phát triển giống hành hương ở vụ Hè Thu 2023 cho thấy, mặc dù gặp thời tiết khắc nghiệt, gió Tây Nam hoạt động mạnh nhưng cây hành vẫn sinh trưởng và phát tiển khá đạt, tỷ lệ mọc sau khi trồng đạt 100%.
Sau 60 ngày trồng, cây hành có số củ/bụi trung bình đạt 3,8 củ; khối lượng của bụi đạt 19,4 gam; năng suất đạt 90,2 tạ/ha; lợi nhuận mang lại 183,98 triệu đồng/ha, gấp 15 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích (lợi nhuận trồng lúa đạt khoảng 11.910.000 đồng/ha).
Trồng hành củ tiêu chuẩn VietGAP trên đất xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, (tỉnh Bình Định) mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho lợi nhuận hơn 183 triệu đồng/ha, cao gấp 15 lần so với trồng lúa. Ảnh - TTKN.
Nói về áp dụng trồng hành củ theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Đồng Xuân Hưng, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây bà con nông dân ở địa phương trồng hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa hình dung ra được trồng hành củ theo tiêu chuẩn VietGAP là như thế nào.
"Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, cũng như các cấp chính quyền địa phương nên tôi cũng phần nào yên tâm tham gia mô hình trồng hành củ VietGAP. Đặc biệt với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng hành củ theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại,… nên cây hành sinh trưởng phát triển tốt, ít chịu ảnh hưởng của sâu bệnh hại, năng suất cao hơn hẳn trước đây...".
Sau vụ này, ông Hưng sẽ tiếp tục áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây hành cho các vụ tiếp theo, đồng thời vận động bà con tham gia và áp dụng theo kỹ thuật trồng hành đã được chuyển giao.
Ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, cho biết: Thực tế triển khai cho thấy cây hành khá phù hợp với trình độ canh tác của bà con và thích ứng tốt với điều kiện thời tiết trong vụ Hè Thu trên địa bàn huyện Phù Mỹ.
Tuy giá cả hành củ còn bấp bênh nhưng kết quả đạt được rất khả quan, đem lại năng suất và lợi nhuận cao cho người dân.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực thông tin tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm hành củ, đem lại thu nhập ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.