Thích hợp mọi chân đất
Phúc ưu 868 là giống lúa lai 2 dòng do SSC sản xuất và cung ứng, được Bộ NNPTNT công nhận và cho sản xuất khảo nghiệm trên cả nước từ năm đầu năm 2013.
Các đại biểu tham quan mô hình lúa lai 2 dòng phúc ưu 868 tại thị trấn Đình Cả (Võ Nhai, Thái Nguyên). Ảnh: T.T
Theo đánh giá của Trạm khuyến nông Võ Nhai, phúc ưu 868 có thời gian sinh trưởng vụ đông xuân từ 125-130 ngày, vụ mùa từ 110-115 ngày. Giống lúa này có khả năng thích ứng rộng, có thể gieo trồng trong cả 2 vụ trong năm, thích hợp với nhiều chân đất, ít nhiễm đạo ôn, bệnh bạc lá và khô văn, chịu rét tốt; bông to; số hạt chắc/bông cao, khối lượng 1.000 hạt là 28-29g. Năng suất trung bình 70 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 80 tạ/ha, cơm dẻo, vị ngon. Chi phí cho ruộng sản xuất trong mô hình thấp hơn các ruộng đại trà khác 20.000 đồng/sào Bắc Bộ và hiệu quả kinh tế sau khi trừ chi phí của giống lúa lai phúc ưu 868 cao hơn giống đại trà 182.000 đồng/sào.
Ông Phạm Xuân Thái – Trạm phó Trạm khuyến nông Võ Nhai cho biết: Qua theo dõi, chúng tôi thấy giống lúa phúc ưu 868 có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với mọi chân đất, khả năng chống chịu sâu bệnh khá nên được bà con nông dân chấp nhận. Đặc biệt phúc ưu 868 rất phù hợp với quy trình canh tác SRI.
Trong diện tích 1ha thử nghiệm của địa phương (có 7 hộ tham gia) được chia làm nhiều thửa ruộng nhỏ, những thửa ruộng nào canh tác theo phương pháp SRI thì khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tỷ lệ hạt trắc trên bông cao, năng suất dự kiến cao hơn hẳn so với những ruộng canh tác theo phương pháp truyền thống – ông Thái cho biết thêm.
Chống chịu sâu bệnh tốt
Chị Đặng Thị Lan - nông dân tham gia mô hình cho biết: Vụ này chị trồng thử nghiệm 1 sào giống lúa phúc ưu 868. So với các giống lúa khác cấy cùng thì phúc ưu 868 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chỉ phải phun thuốc phòng bệnh đạo ôn có 1 lần. Năng suất dự kiến đạt trên 2 tạ/sào, cao hơn các giống lúa khác mà gia đình chị đã từng sản xuất.
Ông Đặng Văn Đức – Trưởng phòng NNPTNT huyện Võ Nhai cho hay: Tập quán của nhân dân địa phương từ bao đời nay là thích ăn gạo cứng, vì vậy việc đưa một giống lúa có chất lượng gạo dẻo, mềm vào sản xuất chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chủ trương của lãnh đạo huyện là sẽ phát triển nông nghiệp không chỉ để đáp ứng nhu cầu lương thực cho địa phương mà còn phải sản xuất hàng hóa. Do vậy việc đưa các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất là rất cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận xét phúc ưu 868 có nhiều ưu điểm hơn các giống lúa đại trà khác như ít nhiễm sâu bệnh, khả năng sinh trưởng tốt, cây khỏe, bông dài. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng do giá vật tư phân bón tăng cao vì vậy khả năng đầu tư của nông dân còn hạn chế nên năng suất lúa chưa đạt như tiềm năng của giống.
Ông Đào Xuân Phượng – Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho rằng: Để được bà con nông dân chấp nhận thì SSC cần nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, tiếp tục cho thử nghiệm thời gian tới trên các chân đất khác nhau từ đó đánh giá đầy đủ những ưu, nhược điểm của giống so với các giống lúa khác đang được sản xuất đại trà trên địa bàn huyện, làm cơ sở cho việc tuyên truyền và nhân rộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.