Thăng trầm cùng nông dân
LMN tự thân có một sức sống kỳ diệu trong mùa nước nổi. Nó có khả năng nổi lên theo con nước, nước lên tới đâu thì nó vươn cao theo tới đó để không bị “ngộp nước”. Ngoài ra, LMN còn có khả năng kháng sâu bệnh tuyệt vời. Việc trồng LMN gần như giao phó hoàn toàn cho... trời đất, nhà nông chỉ gieo sạ rồi chờ đến ngày thu hoạch mà không cần chăm sóc hay dùng bất kỳ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào.
Thu hoạch lúa sạ tại An Giang. Ảnh: L.H.T
Các giống LMN truyền thống được lưu truyền từ xưa đến nay phổ biến là: Tây đùm, chệch cụt, bông sen, tây bông dừa...
Tính ra cây LMN gắn bó với cuộc sống cư dân vùng sông nước đầu nguồn An Giang đã hơn nửa thế kỷ. Ông Nguyễn Văn Hào - một nông dân thuộc thế hệ thứ 3 làm LMN ở huyện Châu Phú kể: “Sau thời “kinh tế mới” vài năm, năm 1989 gia đình tôi mang theo giống lúa nàng tây đùm để vào trồng trên cánh đồng Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn). Hơn 2ha đất mà chỉ đủ gạo ăn”.
“Khó khăn lắm, nhưng quen rồi, từ thời ông nội truyền các giống lúa lại cho mình. Dòng họ mấy đời sống bằng LMN, không bỏ nó được. Khi ngoài Châu Phú lên đê bao, làm lúa 3 vụ hết, tụi tui phải vào đây (xã Vĩnh Phước) vì ở đây chưa có bao đê. Nửa năm đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước, nhờ LMN mà sống” – ông Hào nhớ lại.
Cũng như gia đình lão nông Nguyễn Văn Hào, nhiều nông dân nặng tình với cây LMN ở huyện Châu Phú đã mang những giống LMN truyền thống vào trong vùng sâu của huyện Tri Tôn để trồng. Những nông dân này đã duy trì được hàng chục ha LMN ở 2 xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Năm 2013, một bước ngoặt đã mở ra với họ khi có nhiều dự án hỗ trợ duy trì và phát triển diện tích trồng LMN. Diện tích LMN ở Tri Tôn vì thế tăng lên nhanh.
Ông Trần Văn Đàng - Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Phước cho biết: “Năm 2013, với sự hỗ của GIZ (Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn thuộc Trường Đại học An Giang, hàng chục hộ nông dân trồng LMN đã được tập huấn và hỗ trợ chi phí để thành lập các tổ hợp tác trồng LMN”.
“Trong năm đầu (2013), tổng diện tích LMN ở Vĩnh Phước và Lương An Trà là 43ha; Năm 2014 tăng lên là 92ha; Năm 2015 tăng lên gần 200ha. Và theo kế hoạch đến năm 2020 là 500ha” – ông Đàng cho hay.
Khẳng định chỗ đứng trên thị trường
Gần đây, người tiêu dùng đã bắt đầu biết đến tên tuổi gạo LMN như một loại thực phẩm truy xuất được nguồn gốc. Gạo từ LMN ngon cơm, ngọt và lành (nói theo cách nói hiện nay là “siêu sạch” vì không dùng bất kỳ loại phân thuốc hóa học nào).
Anh Trần Văn Bình - Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ An) cho biết: “Trước đây, khi thu hoạch LMN vào tháng 12, bà con trữ lại để ăn cho tới giáp hạt năm sau. Sau này làm có dư thì bán phần dư cho hàng xóm. Trước nhu cầu thực phẩm sạch tăng cao, nhiều hộ khá giả đặt mua thường xuyên với giá khoảng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg lúa khô. Có hộ chưa đến ngày thu hoạch đã gọi điện thoại đặt cọc để mua về ăn cả tấn/năm” – anh Bình thông tin.
“Tại Hội chợ triễn lãm hàng tiêu dùng An Giang vào tháng 1.2015, trong chớp nhoáng, tôi đã giúp bà con bán hơn 1 tấn gạo với giá 25.000 đồng/kg. Nhiều cửa hàng bán gạo thực dưỡng và một số nhà hàng ở Long Xuyên và Cần Thơ đã đặt hàng mua gạo trực tiếp với nhà nông. Có đơn vị đã đặt mua đến vài tấn” – anh Bình thông tin thêm.
TS Nguyễn Văn Kiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Trường Đại học An Giang) cho biết: “Việc phục hồi và phát triển LMN có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo tồn nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học. Vùng LMN tạo không gian chứa nước lũ, giảm áp lực vỡ đê, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn… và trả lại nơi cư trú cho nhiều loại cá đồng”.
Theo một số tài liệu, trước năm 1975, cả vùng ĐBSCL có hơn 500.000ha LMN, trong đó có khoảng 50% trồng ở An Giang. Từ năm 1975 – 1994, diện tích LMN ở An Giang giảm hơn 80%. Năng suất trung bình từ 90 – 120kg/công tầm cắt (1.300m2). Vì năng suất quá thấp mà thời gian sinh trưởng lại dài (6 tháng), cùng với phong trào làm đê bao tăng vụ nên LMN dần thu hẹp diện tích.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.