Luật An ninh mạng: Những băn khoăn trước giờ “bấm nút” 

Thành An (thực hiện) Thứ hai, ngày 11/06/2018 22:20 PM (GMT+7)
Ngày 12.6, theo dự kiến, Quốc hội sẽ “bấm nút” thông qua dự luật An ninh mạng. Cho đến thời điểm này, một số quy định trong dự thảo vẫn khiến không ít người băn khoăn…. PV Dân Việt đã có trao đổi với ông Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh một số quy định còn gây tranh cãi trong dự thảo Luật.
Bình luận 0

Thưa ông, dự luật An ninh mạng đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc Quốc hội quyết định bấm nút thông qua dự luật khi còn nhiều điểm tranh cãi. Được biết, Hội nhà báo cũng đã có công văn gửi sang Văn phòng Chính phủ  thể hiện quan điểm của Hội xung quanh dự luật này. Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân xung quanh vấn đề này?

- Đúng là Hội Nhà báo Việt nam đã có công văn gửi văn phòng Chính phủ, nhưng ở đây tôi muốn phát biểu với quan điểm cá nhân. Tôi hoàn toàn đồng thuận với quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời xin được nêu ra đây mấy vấn đề trong dự luật tôi thấy chưa ổn.

img

Ông Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

Cần khẳng định rằng bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó có bảo vệ an ninh mạng trước hết là bảo vệ chế độ, bảo vệ thực hiện quyền con người được quy định trong Hiến pháp, trong đó có những quyền liên quan đến thông tin mạng. Chỉ có bảo vệ được quyền con người theo quy định của Hiến pháp thì mới bảo vệ được an ninh quốc gia một cách chắc chắn nhất. Quyền của con người bị đe doạ do sự lạm dụng quyền lực của nhà chức trách thì an ninh quốc gia cũng có nguy cơ suy yếu. 

Nhiều chuyên gia nhận định, an ninh mạng thực chất là bảo đảm an toàn không gian mạng, chủ yếu về mặt kỹ thuật là chính. Nhưng ở đây tôi thấy, dự luật An ninh mạng lại dùng những biện pháp kinh tế, hành chính, thậm chí là hình sự trong khi hiện nay đã có rất nhiều điều luật dùng để can thiệp, xử lý. 

Cụ thể các biện pháp kinh tế, hành chính, hình sự như ông vừa đề cập được thể hiện như thế nào trong dự thảo Luật, thưa ông?

-  Để bảo đảm an ninh mạng tốt nhất, chắc chắn nhất trước hết cần phải bảo vệ quyền con người theo quy định tại các điều 21 và 25 của Hiến pháp. Cụ thể: Điều 21 - 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn;  2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định; Để thực hiện các quy định theo Hiến pháp thì Nhà cung cấp dịch vụ mạng phải cam kết bảo đảm an toàn, bí mật dữ liệu của người dùng trong bất kỳ điều kiện nào.

Trong khi đó, Điều 26, dự thảo luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách khi có yêu cầu bằng văn bản; Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; Ngừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu...  Như vậy có điều 26 luật An ninh mạng có trái với Hiến pháp không?

Đó là nói đến câu chuyện đời tư, còn quy định các hành vi bị cấm tại điều 15,16,17 của dự luật thì rất mù mờ. Phân biệt được các hành vi vi phạm và không vi phạm rất mỏng manh. Những điều luật này phụ thuộc trình độ của người điều tra kết tội. Quy định mù mờ này có thể sẽ dẫn đến oan trái cho nhiều người mà được minh oan lại vô cùng khó, kiểu “được vạ thì má đã sưng”.

Vậy theo ông, cần nhận thức như thế nào cho đúng về Luật An ninh mạng?

Cần phải nhận thức rõ về an ninh mạng là gì? Trong dự thảo luật có phần giải thích từ ngữ, có nhiều khái niệm vụn vặt, không rõ. Tôi thấy phần khách thể của dự luật có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là không gian mạng, trong không gian mạng có cả mạng quốc gia, mạng xã hội... yếu tố thứ hai là nội dung truyền tải trên không gian mạng. Có hai yếu tố nhưng chỉ giải quyết một nhiệm vụ là bảo vệ an toàn thông tin và tự do thông tin. 

Việc bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng xã hội là bảo vệ dữ liệu của tổ chức cá nhân không bị mất, sai lệch, xuyên tạc, có nghĩa là việc bảo đảm tính nguyên vẹn tuyệt đối của thông tin. Muốn bảo vệ được an toàn thông tin cần phải có các giải pháp công nghệ kỹ thuật chống lại “kẻ thù“ tấn công mạng. 

Nhiệm vụ này chỉ có thể nhà mạng mới giải quyết được. Cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay việc sản xuất phần mềm thay nhà mạng. Nhà nước chỉ hỗ trợ nhà mạng thông qua các hợp đồng trách nhiệm, để nhà mạng có môi trường an ninh chung, môi trường kinh doanh tốt, thông qua đó nhà nước đánh thuế và hợp tác để phát triển mạng theo xu hướng cách mạng công nghệ 4.0...

Về yếu tố thứ 2 là nội dung truyền tải trên không gian mạng. Yếu tố này tôi nghĩ, trong hoàn cảnh bình thường đã có nhiều dự luật giải quyết, nhất là luật hình sự xử lý về những nội dung thông tin bị cấm, vi phạm pháp luật. Còn khi chiến tranh xảy ra, để chống lại sự xuyên tạc, kích động chiến tranh của thế lực thù địch thì Đảng và Nhà nước đã có một cơ chế khác trong đó lực lượng Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng của quân đội sẽ xử lý việc này.

Xin cảm ơn ông!

Cuối năm 2017, theo yêu cầu của Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi sang Văn phòng Chính phủ nói về quan điểm của Hội NB về chủ trương ban hành luật an ninh mạng. Cụ thể, Hội Nhà báo cho rằng, mạng xã hội là một thành tựu văn minh tiến bộ, tạo thuận lợi cho đất nước hội nhập và phát triển. Doanh nghiệp, người dân, các tổ chức chính trị, xã hội… được hưởng nhiều tiện ích từ việc sử dụng mạng xã hội. Tạo điều kiện để dịch vụ này đến với người dân, doanh nghiệp… mới là vấn đề chính. Còn việc bảo đảm an ninh mạng là phải phục vụ cho người dân, bảo đảm được quyền con ngườ. Theo đó, Hội Nhà báo  thấy rằng, nhiều nội dung trong dự thảo có quy định chưa phù hợp.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem