Luật Đất đai 2024 được thông qua và sớm có hiệu lực lọt "top 10" sự kiện tiêu biểu ngành TN-MT

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 21/12/2024 14:11 PM (GMT+7)
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2024. Trong đó có sự kiện Luật Đất đai 2024 được thông qua và sớm có hiệu lực.
Bình luận 0

Xây dựng cơ sở dữ liệu để Luật Đất đai 2024 sớm đi vào đời sống

Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/01/2024. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; theo đó, quyết nghị Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 để đưa những nội dung chính sách mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống.

Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ TN-MT, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18/NQ-TW của BCH Trung ương với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung thống nhất, Luật Đất đai 2024 đã quy định hệ thống thông tin quốc gia về đất đai đuợc xây dung tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực lọt "top 10" sự kiện tiêu biểu ngành TN-MT- Ảnh 1.

Xây dựng cơ sở dữ liệu để Luật Đất đai 2024 sớm đi vào đời sống. Ảnh: Thái Nguyễn

Trong đó, Luật đã định hướng đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sử dữ liệu của các Bộ, ngành, đia phuơng tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Trong năm 2024 các cơ quan cũng đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, trong đó đạt được một số kết quả cụ thể. Tại Trung ương, đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 4 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu về giá đất; cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá đất đai.

Tại địa phương, có 63/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tại đại phương, trong đó có 455/755 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Luật Đất đai 2024 mang tầm vóc "đòn bảy chiến lược"

Theo Quyết định số 4132/QĐ-BTNMT ngày 20/12/2024 của Bộ trưởng Bộ TN-MT, ngành có 10 sự kiện tiêu biểu. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa các-bon

Đặc biệt, cần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thứ hai, Luật Đất đai 2024 được thông qua và có hiệu lực thi hành sớm, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai - động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Luật Đất đai năm 2024 là một quyết sách mang tính đột phá, thể hiện sự quyết tâm và mang tầm vóc của một “đòn bẩy chiến lược”. Luật này có nhiều chính sách mới, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Luật đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm và tính chủ động của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai.

Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực lọt "top 10" sự kiện tiêu biểu ngành TN-MT- Ảnh 2.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá Luật Đất đai 2024 được thông qua và có hiệu lực thi hành sớm , góp phần khơi thông nguồn lực đất đai

Thứ ba, lần đầu tiên hoạt động địa chất được thể chế hóa bằng luật; tài nguyên địa chất, khoáng sản được quản lý theo chiến lược dài hạn, góp phần phát triển bền vững đất nước. Thứ tư, ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, tạo đà cho Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.

Thứ năm, Việt Nam chính thức có kịch bản nguồn nước các lưu vực sông để quản lý theo mùa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn nước quốc gia. Thứ sáu, công viên địa chất tăng về số lượng và đóng góp ngày càng lớn cho phát triển bền vững, phát triển xanh của đất nước.

Thứ bảy, Việt Nam tiếp tục phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm chưa từng có trên thế giới. Thứ tám, truyền thông chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường hướng đến địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả tích cực trong thi hành pháp luật.

Thứ chín, bùng nổ kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, phục vụ phát triển bền vững, chuyển đổi số của ngành. Thứ mười, mặc dù đã có dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời và chủ động ứng phó, nhưng hiện tượng thiên tai dị thường, khốc liệt của cơn bão số 3 vẫn gây hậu quả rất nặng nề.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem