Vụ lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi): Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị điều gì?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 11/03/2023 11:40 AM (GMT+7)
Theo đại diện Hội bảo về quyền trẻ em Việt Nam, để có sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên là đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), vấn đề này cần quy định trong Luật đất đai.
Bình luận 0

Lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi): Vấn đề chỉ là cách làm 

Dư luận đang xôn xao trước hình ảnh Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức vào ngày 9/3. Cụ thể đối tượng ở đây là học sinh Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hình ảnh học sinh đeo khăn quàng đỏ ngồi nghe và lấy ý kiến nội dung về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận. Không ít người cho rằng, việc lấy ý kiến này là không cần thiết, không đúng đối tượng vì tư duy các em chưa chuyên sâu, tâm sinh lý chưa ổn định, am hiểu pháp luật chưa sâu rộng nên việc lấy ý kiến chỉ là hình thức, không mang lại ý nghĩa. 

Vụ lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi): Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị điều gì? - Ảnh 1.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức vào ngày 9/3. Ảnh: Hồng Thái

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết: "Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào trong nhà trường học cho học sinh là đúng nhưng phải phù hợp với lứa tuổi chứ không phải hỏi trẻ em như hỏi người lớn. Lấy ý kiến trẻ em thì trẻ em ở đây là đối tượng cụ thể nào, học sinh Tiểu học, THCS hay THPT, vì mỗi đối tượng lại khác nhau. Nội dung hỏi và câu hỏi cũng cần phù hợp, không nên hỏi sâu quá sức với hiểu biết của học sinh".

TS Khuyến nhấn mạnh, lấy ý kiến học sinh dưới hình thức phổ biến pháp luật thì mới hiệu quả, nếu không lại trở thành cách làm máy móc.

TS. Trần Kiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật so sánh, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc lấy ý kiến trẻ em vào dự thảo luật đất đai nói riêng và bất kỳ dự thảo luật nào khác là điều nên làm. Các em nó cũng là cá nhân, là chủ thể. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chỉ là cách làm (cách tổ chức, cách đặt câu hỏi, cách phản ánh ý kiến của các em vào trong sáng quyền lập pháp).

Theo TS Trần Kiên, không chỉ trẻ em, các nhóm người sau cũng rất cần lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật đất đai: người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ; người khuyết tật; người không có quốc tịch, người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam; LGBT...

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị điều gì?

Liên quan đến việc lấy ý kiến của học sinh về Luật Đất đai, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em cho biết có một số nội dung kiến nghị như sau.

Quy định tại dự thảo tại Điểm d Khoản 2 Điều 104 Dự thảo Luật đất đai (Sửa đổi)

Điều 104. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

d) Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật."

Luật sư Phạm Bích Hảo góp ý sửa từ "trẻ em chưa đến tuổi lao động" thành trẻ em dưới 16 tuổi.

Dự thảo Luật Đất đai quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động".

Theo luật sư Hảo, việc quy định trẻ em chưa đến tuổi lao động không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em 2016: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi".

Vụ lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi): Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị điều gì? - Ảnh 2.

Một số kiến nghị về Luật Đất đai (sửa đổi) mang lại quyền và lợi ích mà trẻ em được bảo vệ. Ảnh: Hồng Thái

Tuy nhiên, Điều 143 Bộ Luật lao động 2019 quy định, người chưa đủ 13 tuổi cũng có thể làm các công việc theo quy định pháp luật. Đơn cử như các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "hỗ trợ trẻ em chưa đến tuổi lao động" sẽ chưa bao quát và không cụ thể được quyền và lợi ích mà trẻ em được bảo vệ theo quy định tại Luật trẻ em 2016. 

Do đó, để có sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, kiến nghị quy định rõ "Hỗ trợ cho trẻ em dưới 16 tuổi".

Ngoài ra, tại Điều 143 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bổ sung thêm khoản 5a, quy định về nguyên tắc Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất: "Người chưa thành niên được quyền đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Khi người chưa thành niên đứng tên quyền sử dụng đất phải có người giám hộ".

Luật sư Hảo cho biết, pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định trẻ em có quyền tài sản riêng là bất động sản và việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của trẻ em phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Trên thực tế vẫn có trường hợp bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất khi con chưa đủ 18 tuổi nên để có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trẻ em nên có quy định trong Luật đất đai.

"Để có sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên là đối tượng được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, vấn đề này cần quy định trong Luật đất đai", Luật sư Hảo đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem