Sáng 10/3, dư luận xôn xao trước hình ảnh Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức vào ngày 9/3. Cụ thể đối tượng ở đây là học sinh Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hình ảnh học sinh đeo khăn quàng đỏ ngồi nghe và lấy ý kiến nội dung về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận. Nhiều người bày tỏ băn khoăn, khó hiểu về việc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lại lấy ý kiến của học sinh ở một lĩnh vực quá khó hiểu và phức tạp. Ngay cả người lớn cũng không thể hiểu hết được lĩnh vực này thì tại sao lại tổ chức trong trường học với các em học sinh "ăn chưa no, lo chưa tới". Không ít người cho rằng, việc lấy ý kiến này là không cần thiết, không đúng đối tượng.
Trước tranh cãi trên, chia sẻ với PV báo Dân Việt sáng 10/3, cô Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lương Yên xác nhận: "Ngày 9/3, Hội bảo vệ quyền trẻ em đã tổ chức lấy ý kiến của học sinh trong Nhà trường về Luật Đất đai (sửa đổi). Đại diện học sinh một số lớp đã tham gia lấy ý kiến trong thời gian khoảng 30 phút".
Theo cô Phương Anh, các em tham gia buổi hội nghị rất hào hứng và vui vẻ trả lời câu hỏi trong phiếu trắc nghiệm. "Chúng tôi cũng đã kiểm tra nội dung phiếu ý kiến. Đây là những câu hỏi đơn giản, ngắn gọn. Theo tôi, những nội dung liên quan đến trẻ em thì nên lấy ý kiến của các em. Sự tham gia của các con mang tính dân chủ", cô Phương Anh cho hay.
Xoay quanh nội dung gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay: "Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan.
Cụ thể như khi Nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em; Các đối tượng nào cần được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Nếu em là người được đứng tên trên sổ đỏ, em có đồng ý để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên sổ đỏ để giúp em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không; Khi xây dựng chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em, các cơ quan nhà nước có cần các em tham gia ý kiến hay không.... Những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai".
Ông Bốn khẳng định, việc lấy ý kiến trẻ em về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến toàn dân. Trẻ em cũng là một công dân và cũng cần được lấy ý kiến.
"Hội nghị tổ chức căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016, căn cứ vào Luật trẻ em năm 2016, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu lấy ý kiến toàn dân. Khoản 1 Điều 74 Luật trẻ em 2016 quy định cụ thể về phạm vi trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em như sau: Trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em được tham gia xây dựng các chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với độ tuổi của trẻ em.
Dự án luật đất đai là một văn bản quy phạm pháp luật nên được xin ý kiến rộng rãi toàn dân, đảm bảo sự tham gia của trẻ em, các cơ quan phải tôn trọng lắng nghe phản hồi của trẻ em.
Tại Điều 76 Luật trẻ em quy định, Nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các Khoản đóng góp theo quy định; Tạo điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm; Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em", ông Bốn nói.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho hay một số người không hiểu nên đã đặt câu hỏi tại sao lại lấy ý kiến của trẻ em. Ông Bốn khẳng định, Hội bảo vệ quyền trẻ em đã phối hợp cùng Trường THCS Lương Yên tổ chức lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và phù hợp với pháp luật hiện hành. Các em đã tham gia trả lời một số câu hỏi có sự hướng dẫn của giáo viên và cán bộ hỗ trợ một cách công khai, minh bạch.
Ngoài ra, trước câu hỏi về việc tổ chức lấy ý kiến trẻ em ở trường học mà không phải tại tổ dân phố có sự giám sát của cha mẹ học sinh, ông Bốn cho hay, do không đủ nguồn nhân lực, bộ máy còn hạn chế nên chỉ tổ chức lấy ý kiến ở một trường học. Cô giáo và nhà trường là người giám hộ cho các em.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 kéo dài cho đến ngày 15/3.
Đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của MTTQ, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.