Sáng nay (8.4), trả lời báo chí về tiến trình thực hiện quyền chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, các bộ ngành liên quan đang khẩn trương thực hiện.
“Việc chuyển đổi giới tính cần phải được thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, việc này phức tạp và còn nhiều vấn đề khác nhau. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan” - ông Tú nói.
Theo ông Tú, trên thế giới hiện nay chưa tới 20 quốc gia có đưa ra quy định bảo vệ cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (gọi tắt là LGBT). Đây là một vấn đề phức tạp, cần phải có sự nỗ lực của tất cả các quốc gia.
Mặc dù quyền được chuyển đổi giới tính đã được thừa nhận, nhưng việc áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn.
“Sắp tới, dưới sự chủ trì của Bộ Y tế, và Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo sẽ đi vào hoạt động, xây dựng ra các chính sách về LGBT” - quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nói.
Trước đó, sáng 24.11.2015, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.
Liên quan đến quyền xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.