Thưa ông, vì sao HLV Lê Minh Khương khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 40 của Chánh Thanh tra Cục Hàng không?
- Luật sư Trần Thu Nam: Quyết định xử phạt này được ban hành dựa trên kết luận của Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam về vụ việc xảy ra trên chuyến bay VN1169 ngày 18-4 của Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), trong khi kết luận này không khách quan.
|
Luật sư Trần Thu Nam cho biết ông Lê Minh Khương sẽ khởi kiện Vietnam Airlines |
Cụ thể là không có đủ bằng chứng về việc ông Khương có hành vi gây rối nhưng vẫn ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng về tội gây rối trên máy bay. Về phía tiếp viên và nhân viên mặt đất của VNA cũng có sai sót trong quy trình phục vụ nhưng thanh tra hàng không không đề cập việc xử phạt mà chỉ dừng ở mức khuyến cáo.
Tôi đã có đủ bằng chứng để chứng minh những sai sót của VNA. Trong một hội nghị bình giảng của hãng để rút kinh nghiệm các vụ việc hành khách gây rối trên chuyến bay, do một phó tổng giám đốc chủ trì mà tôi được cung cấp nội dung qua file ghi âm, bản thân nội bộ VNA đã thừa nhận quy trình phục vụ của mình có sai sót, có lỗ hổng cần phải rút kinh nghiệm.
Xin ông cho biết những nội dung về bằng chứng mà ông thu thập được?
- Hội nghị trên đề cập nhiều tình huống cụ thể đã xảy ra, trong đó có vụ việc xảy ra đối với ông Lê Minh Khương và vụ việc này được thảo luận rất nhiều. Ý kiến của đại diện tổ tiếp viên thừa nhận “sự phối hợp giữa tiếp viên và nhân viên mặt đất còn có phần lúng túng” và phải rút kinh nghiệm xử lý ổn định khách xong mới đóng cửa máy bay, lăn bánh.
Vấn đề đóng cửa máy bay khi chưa ổn định khách như thực tế đã xảy ra đối với trường hợp của ông Khương hay chỉ đóng cửa sau khi đã giải quyết xong yêu cầu của hành khách (xuống giữa chừng) còn được nhiều ý kiến tranh luận sau đó nhưng đa số khẳng định phải xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh khi còn dưới mặt đất, sau đó mới đóng cửa máy bay.
Đây cũng là vấn đề tôi đã đặt câu hỏi với VNA trong buổi làm việc với hãng chiều 24-4, nhưng trong thư trả lời, họ đã không đi thẳng vào nội dung này. Trong thông cáo báo chí của VNA, họ cũng khẳng định đã làm đúng quy trình chứ không thừa nhận mình có sai sót.
Ý kiến của trung tâm huấn luyện nói rõ: Tiếp viên đã rất nguyên tắc dựa trên quy định để giải quyết tình huống phát sinh khi bay. Tuy nhiên, khi giải quyết, do đánh giá chưa đúng mức độ nghiêm trọng của sự việc dẫn đến trình tự thực hiện chưa chuẩn.
Theo nguyên tắc phải thế này, thế kia nhưng khi thực hiện thứ tự lệch đi. Khi đó, tiếp viên lại chính là một trong những tác nhân khiến cho sự việc căng thẳng lên. Ý kiến này cũng cho rằng tiếp viên sợ trách nhiệm nên họ giải quyết theo cách mà họ nghĩ đó là cơ sở để sau này không phải chịu trách nhiệm.
Việc bình giảng như vậy là hoạt động nghiệp vụ của hãng hàng không. Có thể mục đích của việc bình giảng đó nhằm phục vụ hành khách tốt hơn chứ không phải có sai sót mới bình giảng để sửa sai.
- Tôi đồng ý với quan điểm đó là hoạt động nghiệp vụ của VNA, những nội dung được trao đổi trong hội nghị không phải quan điểm chính thức của hãng. Nhưng đó là việc làm cho thấy VNA là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhưng chưa có tinh thần cầu thị.
Trong nội bộ, họ nói với nhau là “chúng ta có sai sót”… nhưng với hành khách – những người đem lại thu nhập cho họ và trước công luận, VNA không thừa nhận mình có sai sót, cần rút kinh nghiệm để phục vụ hành khách tốt hơn.
Theo ông, file ghi âm này có giá trị như thế nào khi sự việc được khởi kiện ra tòa hành chính?
- Đây chỉ là một trong những bằng chứng mà Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự thu thập được. Khi sự việc được nêu trên báo chí, có những luồng ý kiến khác nhau nhưng ông Lê Minh Khương cũng nhận được sự đồng thuận của dư luận nên việc thu thập chứng cứ của chúng tôi khá thuận lợi. Khi cần thiết, chúng tôi sẽ công bố những bằng chứng tiếp theo dưới dạng văn bản, bằng video để bảo vệ thân chủ của mình.
Theo Người Lao động
Vui lòng nhập nội dung bình luận.