Lập lờ nguyên nhân chết của nạn nhân
Tháng 4.2014, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án Nguyễn Mạnh Tường ra xét xử công khai, nhưng trong quá trình thẩm vấn tại tòa, xét thấy còn nhiều vấn đề chuyên môn chưa được làm rõ nên tòa quyết định trả hồ sơ vụ án điều tra bổ sung. Ngày 19.5.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội ra bản kết luận điều tra bổ sung, về cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung điều tra ban đầu, nhưng có xuất hiện một công văn mới của Sở Y tế Hà Nội có nội dung trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra về các loại thuốc mà Tường pha lẫn lộn với nhau để phẫu thuật có sai quy trình hay không?
Sở Y tế đã trả lời, việc pha các loại thuốc với nhau là đúng quy trình. Tuy nhiên, pha Gentamycin (kháng sinh) vào dung dịch nước muối là không đúng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng cho rằng việc rút ngắn quy trình phẫu thuật từ 4 tiếng đồng hồ xuống còn 2 tiếng như lời khai của y tá tại phiên tòa trước là không ảnh hưởng gì.
Đánh giá chứng cứ mới này, một luật sư (LS) tham gia vụ án cho biết: “Văn bản của Sở Y tế mập mờ, dễ khiến cho người khác hiểu nhầm là Tường pha thuốc không sai. Lẽ ra phải khẳng định việc pha sai có phải là nguyên nhân dẫn đến chết không thì lại nói chung chung để HĐXX hiểu sao cũng được”.
Cũng theo LS này, dù gì thì văn bản của Sở Y tế Hà Nội cũng khó được dư luận đánh giá khách quan vì cơ sở thẩm mỹ của bác sĩ Tường là một doanh nghiệp chịu sự quản lý của sở này. Nguyên nhân chết vẫn chưa được làm rõ sẽ ảnh hưởng đến việc xác định hành vi của bác sĩ Tường và các đồng phạm nếu có, từ đó mới quyết định đúng tội danh của các bị can.
Bởi vậy, nhiều LS dự đoán, phiên tòa tới mở lại chắc chắn sẽ phải tạm hoãn lần nữa để làm đúng quy trình theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là trưng cầu giám định để tìm nguyên nhân chết của nạn nhân Huyền.
“Cần phải trưng cầu giám định lại việc pha thuốc, quy trình mổ rút ngắn như vụ án này có phải là nguyên nhân gây chết không? Đó cũng chính là những nội dung mà Sở Y tế Hà Nội còn bỏ ngỏ trong trả lời mới nói trên. Các cơ quan được trưng cầu phải là Viện Pháp y Quân đội hoặc Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an - những cơ quan giám định độc lập. Họ sẽ thành lập các chuyên gia đầu ngành về chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ, xem quy trình cấp cứu, pha thuốc có đúng không và kết luận nguyên nhân chết có phải vì thuốc hay quy trình mổ không. Kết luận này là văn bản tố tụng buộc Hội đồng xét xử (HĐXX) phải căn cứ vào đó để khép tội. Còn văn bản của Sở Y tế nói trên chỉ mang tính chất tham khảo đối với HĐXX, nói chung chung, lập lờ nguyên nhân chết, chưa thỏa đáng cho vụ án. Chúng tôi sẽ yêu cầu hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định độc lập ở phiên tòa tới” - một LS cho biết.
Tiếp tục đề nghị thay đổi tội “Giết người”
Do thấy quyết định điều tra bổ sung không thỏa đáng, LS Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang (VPLS Phạm Hồng Hải và Cộng sự) là LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là chị Lê Thị Thanh Huyền đã có văn bản kiến nghị gửi Cơ quan điều tra, VKSND TP.Hà Nội và TAND TP.Hà Nội cho rằng, cơ quan tố tụng khởi tố Tường tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là không chính xác, mà phải là tội “Giết người” mới thỏa mãn các dấu hiệu.
Nguyên nhân được các LS phân tích: Vì Tường không phải là chủ thể của tội danh này. Chủ thể của tội này là những chủ thể đặc biệt, là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trong khi bác sĩ Tường dù là giám đốc nhưng không phải là người khám bệnh, chữa bệnh, cũng không phải là bác sỹ được giao trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật tại cơ sở thẩm mỹ, chưa được Bộ Y tế hay cơ quan nhà nước khác cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Tường chỉ là bác sĩ chuyên khoa Ngoại - Phẫu thuật tạo hình. Cơ sở thẩm mỹ chưa có giấy phép hoạt động. Nói tóm lại, cơ sở thẩm mỹ của Tường là giả mạo, Tường là bác sĩ “chui”.
Mặt khác, Tường thực hiện hành vi với lỗi cố ý vì biết mình không có “tay nghề” mà vẫn thực hiện phẫu thuật, đảm nhận cả ba khâu gây tê, gây mê, phẫu thuật; khi nạn nhân có biểu hiện co giật, sùi bọt mép thì không dừng lại xử lý các biến chứng mà tiếp tục phẫu thuật.
Từ những phân tích trên, LS cho rằng hành vi trái pháp luật của Tường là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân nên phải truy tố về tội “Giết người”. Ngày 10.6 vừa qua, các LS đã có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét chấp nhận ý kiến của các LS bằng cách thay đổi tội danh sang tội “Giết người” với Nguyễn Mạnh Tường.
Chiều 15.6, trao đổi với phóng viên, LS Vũ Gia Trưởng và LS Phạm Hương Giang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cùng cho biết, các LS đã gửi tới các cơ quan tố tụng TP.Hà Nội đề nghị tiếp tục làm rõ những góc khuất trong vụ án ở Thẩm mỹ viện Cát Tường. Theo các LS, căn cứ vào những tình tiết có trong hồ sơ, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) có dấu hiệu phạm tội “Giết người” nên đề nghị xem xét chuyển tội danh từ “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” sang tội “Giết người”.
LS trích dẫn lời khai của các y tá để lập luận rằng, Tường đã thể hiện sự coi thường tính mạng người khác khi cố tình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật trong tình trạng bệnh nhân đang co giật, biến chứng. Tường là người trực tiếp đẩy chị Huyền vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sau đó vẫn cố ý tiếp tục thực hiện đến cùng hành vi đó dẫn đến nạn nhân tử vong. Ngoài ra, LS còn kiến nghị xem xét vai trò đồng phạm của Đào Quang Khánh trong tội “Xâm phạm thi thể”, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục thu thập làm rõ các chứng cứ để xác định nguyên nhân cái chết của chị Huyền; tìm kiếm thi thể nạn nhân và áp dụng các biện pháp trong hoạt động điều tra như đối chất, thực nghiệm điều tra… để làm rõ thêm một số tình tiết của vụ án.
(Theo PLO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.