Luật sư nhắc bị cáo Hồng Tứ "hãy phân phối nước mắt cho hợp lý"

Thứ năm, ngày 07/09/2017 10:34 AM (GMT+7)
Sáng nay (7.9), bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ tiếp tục khóc trước tòa khiến thẩm phán Trương Việt Toàn đã phải nhắc nhở: "Đây là phần hỏi đáp chứ không phải là nơi đôi co, bị cáo nhớ nhé".
Bình luận 0

Sáng 7.9, luật sư Vũ Gia Trưởng (bào chữa cho bị cáo Phạm Hoàng Giang, cựu Tổng giám đốc Công ty BSC Việt Nam) tiếp tục xét hỏi bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch HĐQT BSC).

"Ngày hôm qua, chị khai toàn bộ các hợp đồng lao động, ủy quyền… Giang ký nháy, đưa lên thì chị ký đúng không?”. Trả lời câu hỏi này, Tứ nói: “Bị cáo chỉ tin tưởng anh Thắm nên bị cáo ký hộ chứ thực chất không biết SBC hoạt động những gì. Bị cáo cũng tin tưởng anh Giang thì bị cáo mới làm”.

Do bị cáo trẻ nhất trong đại án Oceanbank vừa khóc vừa nói nên thẩm phán phải nhắc nhở Tứ cần bình tĩnh. Tuy nhiên, Tứ vẫn tiếp tục khóc lớn hơn.

Hồng Tứ khóc hơn 20 phút tại toà khi bị hỏi liên tiếp Cựu Chủ tịch HĐQT BSC Hoàng Thị Hồng Tứ vừa khóc vừa nức nở nói: "Bị cáo tin anh Thắm, tin anh Giang là tiến sĩ luật nên mới ký chứ bị cáo không biết gì".

Thấy nữ bị cáo này trả lời không đúng trọng tâm, luật sư đề nghị Tứ trả lời đúng câu hỏi: “Có phải anh Giang yêu cầu chị ký không?”. Cựu Chủ tịch HĐQT BSC khẳng định chính Giang là người yêu cầu chị ký. "Anh Giang anh cứ đưa thế nào, bị cáo ký như thế. Thực chất anh Giang cũng biết bị cáo không có chức quyền gì ở BSC cả”, Tứ đáp.

"Căn cứ nào chị nghĩ anh Giang biết chị đứng hộ?”, luật sư tiếp tục đặt câu hỏi. Nghe Tứ vòng vo, luật sư lớn tiếng: "Làm sao anh Giang biết được?”. Nữ bị cáo sinh năm 1983 nức nở khẳng định: "Anh Giang biết, luật sư làm sao biết được".

Theo lời Tứ, do bản thân tin Giang là tiến sĩ luật nên đã ký vào các giấy tờ. Nếu biết là sai sẽ không ký.

Nghe trình bày, luật sư Gia Trưởng nói: "Chị bình tĩnh, chị phân phối nước mắt cho hợp lý”. Cuộc đối đáp giữa 2 bên khiến chủ tọa phải nhắc nhở Tứ có thái độ đúng mực, còn luật sư đặt câu hỏi phải rõ ràng, dứt khoát.

Do Tứ đã nhiều lần khóc khi trả lời câu hỏi, chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà đã phải nhắc nhở nữ bị cáo trẻ nhất trong đại án Oceanbank cần bình tĩnh và có thái độ đúng mực. Còn thẩm phán Trương Việt Toàn thì nhắc: "Đây là phần hỏi đáp chứ không phải là nơi đôi co, bị cáo nhớ nhé". Nghe vậy, Tứ vừa khóc vừa đáp: "Xin lỗi luật sư, bị cáo có hành động gì sai trái cho bị cáo xin lỗi”.

Tiếp phần xét hỏi, luật sư thắc mắc vì sao trong hợp đồng lao động lại có chữ của bị cáo? Trả lời vấn đề này, Tứ vẫn khóc và phân trần rằng chỉ là người đứng tên hộ và không nhớ ai soạn, trình ký hợp đồng.

Còn các khoản thu chi, Tứ khẳng định không biết gì, chỉ đứng tên chủ tài khoản. Mọi thứ Hà Văn Thắm chỉ đạo chị Lê Thị Minh Nguyệt.

Đề cập đến quyền hạn của Tứ tại BSC, luật sư đưa ra câu hỏi nếu không có sự quyết định của Chủ tịch HĐQT, Giang có làm tuyển dụng được không? Tứ trả lời: “Bị cáo không biết, bị cáo chỉ đứng hộ tên. Chứ sai, bị cáo ký làm gì".

Luật sư cho rằng với tư cách người đại diện pháp luật của BSC, Tứ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. "Bị cáo buộc phải nhớ, bị cáo đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay". Thấy Tứ vừa khóc vừa giải thích, chủ tọa nói các bị cáo mới bị truy tố, HĐXX chưa quy kết ai cả, đề nghị luật sư không quy kết, đi thẳng vào câu hỏi.

img

Bị cáo Hồng Tứ đến phiên tòa thường đeo khẩu trang. Ảnh: Việt Hùng

Sau phần trình bày của Tứ, bị cáo Giang khẳng định Tứ trình bày không đúng sự thật bởi theo lẽ thường, người lao động không tự đi soạn hợp đồng bao giờ. Giang cho rằng có thể do Tứ xúc động nên khai ra điều đó.

Giải thích về 48 hợp đồng có chứ ký nháy của mình, Giang trình bày đây đều là các hợp đồng của khách hàng, được  Tứ nhờ thẩm định pháp lý. “Sau khi thẩm định, bị cáo ký nháy”, Giang nói.

Về trách nhiệm điều hành của bản thân ở Công ty BSC, Giang khai khi mới được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, bị cáo có một số quyền hạn điển hình như ký các hợp đồng, còn điều hành kinh doanh thì chưa được bàn giao nhiệm vụ.

Cựu Tổng giám đốc Công ty BSC Phạm Hoàng Giang nói trước khi ký hợp đồng lao động với công ty đã tìm hiểu hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp này và ghi nhận công ty có đăng ký kinh doanh, có báo cáo tài chính thể hiện hoạt động đúng pháp luật. Giang khẳng định trong quá trình làm việc bị cáo không nhận chỉ đạo hay bàn bạc gì với Hà Văn Thắm (Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và Nguyễn Văn Hoàn (Phó tổng giám đốc Oceanbank). Bản thân Giang không biết công ty này lập ra để thu phí khách hàng vay tiền của Oceanbank.

Theo cáo trạng, ngày 3.4.2009, theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Hoàng Thị Hồng Tứ đã ký hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang làm Tổng giám đốc Công ty BSC với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Trong thời gian từ 22.5.2009 đến 31.1.2012, Công ty BSC đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để thu phí được tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng (trong đó Tứ đã ký 98 hợp đồng dịch vụ, 48 hợp đồng có chữ ký nháy của Giang), thu số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Theo lời khai của Tứ, do các hợp đồng này đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi Tứ là người đại diện Công ty BSC nên Tứ phải ký để hoàn thiện. Tứ không biết bản chất và mục đích của hợp đồng.

Nhóm phóng viên (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem