Trong 2 ngày xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 16,5 tỷ đồng, hoa hậu Phương Nga (30 tuổi) tiếp tục sử dụng quyền im lặng. Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007 từ chối trả lời các câu hỏi của HĐXX, VKS và bảo lưu lời khai ở phiên tòa hồi tháng 9.2016.
Quyền im lặng là gì?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), người từng bào chữa cho hoa hậu Phương Nga, cho biết quyền im lặng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, được Quốc hội thông qua ngày 27.11.2015.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, có nêu những người này có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
"Đó là nội dung của quyền im lặng", luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói và cho biết thêm đến nay bộ luật này đang tạm hoãn thi hành.
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đang có hiệu lực thi hành lại không quy định về việc bị can, bị cáo, người bị bắt, bị tạm giữ có quyền từ chối đưa ra lời khai, mà chỉ quy định về việc họ có quyền được trình bày lời khai và tự bào chữa cho chính mình. Tuy nhiên, nếu bị can vẫn giữ quyền im lặng thì cơ quan điều tra cũng không được cưỡng chế họ khai báo.
Khi nào được sử dụng quyền im lặng?
Quyền im lặng mà Hoa hậu Phương Nga sử dụng có bị xem là không "thành khẩn khai báo" và bị loại khỏi tình tiết giảm nhẹ (nếu bị kết tội)? Những người liên quan dùng quyền im lặng có bị xem xét hành vi Che giấu tội phạm?
Hoa hậu Phương Nga cương quyết giữ quyền im lặng, từ chối trả lời câu hỏi của HĐXX và VKS trong 2 ngày xét xử đầu tiên của phiên sơ thẩm lần 2. Ảnh: Tùng Tin
Trả lời vấn đề này, luật sư Hưng cho biết: “Việc sử dụng quyền im lặng trên thực tế như đã viện dẫn là có quy định, song lại chưa được thi hành. Kể cả trong quá trình tố tụng đối với Hoa hậu Phương Nga trước phiên tòa và trong phiên tòa hồi tháng 9.2016 thì quy định này vẫn chưa được thi hành”.
Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội khóa XIII quy định: “Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này”.
Để hướng dẫn áp dụng điểm này thì TAND Tối cao đã có công văn ngày 13.9, nhưng tại phần hướng dẫn áp dụng đối với Bộ luật Tố tụng Hình sự về các điều khoản có lợi thì chỉ nhắc đến các quy định: Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân; Tha tù trước thời hạn có điều kiện; Xóa án tích và Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
Điều này đồng nghĩa Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 chưa có hiệu lực toàn bộ, các quy định có lợi được nhắc đến hiện nay cũng chưa chỉ ra quy định này. Tuy nhiên, sự im lặng của Phương Nga trong trường hợp này không thể xem là không thành khẩn khai báo, luật sư Hưng phân tích.
Trong phiên xét xử ngày 22.6, khi đại diện Viện KSND quay sang hỏi Hoa hậu Phương Nga về việc tại sao cô không đưa ra quan điểm của mình tại toà, Phương Nga trả lời: "Lời khai trước khi bị cáo bị bắt tạm giam, bị cáo bị xúi giục và điều khiển. Sau khi bị bắt tạm giam, bị cáo rất mông lung, bị cáo không dám tin tưởng vào ai, nhất là cơ quan điều tra". Ảnh: Tùng Tin
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết thêm, việc áp dụng quyền im lặng được quy định đối với bị can, bị cáo, người bị bắt, bị tạm giữ. Vì vậy đối với những người có liên quan nếu không rơi vào các trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì không áp dụng quy định này.
Nhưng nếu họ biết những thông tin liên quan đến vụ án mà từ chối khai báo thì có thể sẽ rơi vào trường hợp Che giấu tội phạm theo quy định của các điều 313, 314 Bộ luật Hình sự năm 1999 và khoản 2 Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyền im lặng nâng cao quyền con người
Quyền im lặng được luật sư Hưng đánh giá là một bước tiến lớn của việc nâng cao quyền công dân trong hoạt động tố tụng hình sự. Bởi lẽ, người vừa bị bắt giữ thường có trạng thái tâm lý rất dễ hoảng loạn. Đây là điều kiện khiến cho họ dễ bị ảnh hưởng từ áp lực của cơ quan điều tra trong việc lấy lời khai.
Từ đó dẫn đến việc họ đưa ra những lời khai bất lợi cho bản thân hoặc nhận tội ngay khi chưa được điều tra, làm rõ hoặc xác minh một cách kỹ càng trên thực tế.
Quyền im lặng là sự thể hiện quyền được tự bảo vệ mình của người bị bắt, bị can, bị cáo, tránh các hành vi mớm cung, bức cung, nhục hình từ cơ quan điều tra. Góp phần tránh được những sai sót hay không rõ ràng của lời khai ban đầu khi tâm lý còn chưa ổn định, luật sư Hưng thông tin thêm.
Thăng Long (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.