Triển lãm bày 17 tác phẩm mà ông Vũ Xuân Chung cho biết là “từ châu Âu về” và được cho là do các tác giả Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thể hiện.
Dưới đây là những ý kiến mà PV ghi nhận được từ nhiều nguồn khác nhau.
Hai bức sơn mài “Vườn chuối”. Bức trên hiện thuộc sưu tập của Vũ Xuân Chung, có kích thước 90 x 120 cm, vẽ năm 1978. Bức dưới có kích thước 120 x 180 cm, vẽ năm 1981, vốn thuộc sở hữu của Haiphong Shipping Company
1. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hải, bạn vong niên của Dương Bích Liên, khẳng định bức Ba cô gái tại triển lãm (từng in trên báo Thanh niên ngày 7/7 với tên Nét duyên dáng, sơn mài, 90 x 120 cm) là tranh giả, vì hai bức gốc trên chất liệu sơn dầu và sơn mài có kích thước lớn hơn nhiều. Nó to tương đương với kiệt tác Hào (sơn dầu, 147 x 200 cm, 1972) của Dương Bích Liên.
Bức gốc theo Nguyễn Hào Hải có tên là Mùa Xuân và thiếu nữ, từ lâu đã thuộc bộ sưu tập Đức Minh, hiện nó vẫn còn trưng bày tại bảo tàng tư nhân Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM).
Nói về bức này, họa sĩ Nguyễn Trung Tín (nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM) cho rằng: “Tranh giả thì không dám nói, nhưng nhìn cái cách vẽ hình tay chân thì chưa chắc đã là sinh viên học mỹ thuật”. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi khẳng định chắc nịch: “Đây là tranh giả”.
Một bức chịu nhiều phê phán khác tại triển lãm này là Vườn chuối (sơn mài, 90 x 120 cm, 1978), với chú thích là của Nguyễn Sáng. Trong vựng tập Nguyễn Sáng mà nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn in năm 1996, tác phẩm này cũng có tên Vườn chuối, cũng chất liệu sơn mài, nhưng với kích thước là 120 x 180 cm, còn năm sáng tác là 1981.
Trong chú thích của vựng tập, Vườn chuối thuộc sở hữu của Haiphong Shipping Company (Công ty Vận tải Hải Phòng). Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình khẳng định bức trong vựng tập: “Cái này mới là tranh thật. Cái này mới đúng là hình của Nguyễn Sáng”.
Trên báo Thanh niên, ông Vũ Xuân Chung kể rằng mình gặp ông Jean Francoi Hubert (người Pháp) vào năm 2012, mua lại bức Vườn chuối năm 2013 tại Paris, Pháp. Rồi trong 3 năm tiếp theo, ông mua lại của Hubert tất cả 17 tác phẩm được cho rằng thuộc thế hệ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông Chung cho biết các tác phẩm đều có giấy chứng nhận của ông Hubert, nhưng không cho biết ông Hubert có giấy chứng nhận từ những người mà ông ấy đã mua trước đó hay không?
Xem Vườn chuối, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh (Đại học Mỹ thuật TP.HCM) cho rằng “chỉ có thể là một sự báng bổ nghệ thuật”. Còn họa sĩ Ngô Đồng: “Nhìn thấy ái ngại quá!”; họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: “Cay đắng”.
Bức Rồng (sơn mài, 80 x 120 cm, 1974) cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thường vẽ con giáp theo từng năm mang tên con giáp đó. Cùng bố cục và cách vẽ, bức này (còn có tên Múa rồng) thường được biết đến với chất liệu bột màu trên giấy, ký tên năm Bính Thìn 1976.
Xem triển lãm này, họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương nói: “Lỗi này là do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họ tổ chức triển lãm, nên phải chịu trách nhiệm trước công chúng”. Còn nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont (Thái Lan) thì thẳng thắn: “Tôi có biết ông Chung. Ông ấy chỉ tin vào các giấy chứng nhận được ghi bởi các anh chàng người Pháp và mua theo kiểu nghe người ta nói. Đó là một điều đáng tiếc cho anh ấy, đáng tiếc hơn là các tổ chức đã cho phép một triển lãm như vậy diễn ra trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM”.
2. Đứng ngoài những tranh cãi, khẳng định về thật giả để xem tác phẩm, vẫn có thể thấy một số bức quá ngây ngô, yếu kém về tay nghề, chứng tỏ sự cẩu thả khi tạo tác. Ví dụ như bức Múa vòng (sơn mài, 50 x 58 cm, 1980) và Hai cô gái (sơn mài, 59 x 39 cm, 1984), nhìn tạo hình thô vụng, sai tỷ lệ, vẽ như thế này thì khó để gọi Nguyễn Sáng là danh họa.
Ông Vũ Xuân Chung chia sẻ trên Thanh niên: “Tôi mong rằng ngày càng có nhiều nhà sưu tập cùng với tôi làm công việc này, để công chúng trong nước không phải ra hải ngoại mới thưởng ngoạn được những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam”. Suy nghĩ chứng tỏ sự tích cực, vì trước đây ông vốn là nhà sưu tầm và mua bán cổ vật ở đường Lê Công Kiều (quận 1, TP.HCM). Chính mỹ thuật đã quyến rũ và khiến ông rẽ lối, chỉ tiếc triển lãm đầu tiên chưa nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới am hiểu mỹ thuật Việt Nam.
Rất hy vọng ông vững tâm để dấn bước, vì mỹ thuật Việt vốn bị nạn tranh giả, tranh nhái hoành hành mấy chục năm nay, gần như người sưu tập nào (ngay cả các chuyên gia quốc tế) cũng phải trả giá ít nhiều. Muốn trở thành nhà sưu tập thực thụ thì phải chấp nhận phép loại trừ tranh giả, tranh nhái dần dần, nhằm “gạn đục khơi trong” để tìm ra các tác phẩm đích thực.
Văn Bảy (Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.