Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Nhen nhóm hi vọng mới

Tào Nga Thứ năm, ngày 15/02/2024 06:42 AM (GMT+7)
Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách sẽ được điều chỉnh theo hiệu quả công việc và vị trí việc làm đang là thông tin được nhiều người mong đợi và hi vọng.
Bình luận 0

Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Nhiều giáo viên mong chờ

Bắt đầu từ tháng 7/2024, chính sách cải cách tiền lương mới được áp dụng, tiền lương của giáo viên cũng sẽ được thay đổi đáng kể. Nhiều giáo viên hiện nay đang rất mong ngóng sắp chế độ của giáo viên sẽ được đảm bảo hơn để yên tâm tập trung giảng dạy.

Cô Nguyễn Mai Thu, giáo viên Trường THCS Thống Nhất, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ: "Mong muốn lớn nhất của giáo viên là chăm ngoan, học giỏi, phát triển tố chất của bản thân, mong trường học là trường học hạnh phúc và nếu có thể được Nhà nước quan tâm về tiền lương thì quá mừng cho giáo viên chúng tôi". 

Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Nhen nhóm hi vọng mới- Ảnh 1.

Nhiều giáo viên mong đợi chính sách cải cách tiền lương từ tháng 7/2024. Ảnh: Tào Nga

Đồng quan điểm, cô Vũ Thị Chung, Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: "Với bản thân tôi và đồng nghiệp đều mong muốn xã hội quan tâm đến giáo viên vì đây là một nghề rất đặc thù. Nói đến tiền lương, ai cũng mong làm sao để đời sống giáo viên bớt vất vả đi phần nào đó".

"Giáo viên rất mong chờ, vui mừng vào chính sách cải cách tiền lương sắp tới. Nhiều lần mừng rồi nhưng chưa thành hiện thực nên chúng tôi mong lần này sẽ trở thành sự thật. Mong có chế độ tiền lương tốt hơn để giáo viên tập trung cho công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế việc đổi việc, chuyển việc", cô Phạm Hoa, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói. 

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ góp phần tạo ra sự công bằng trong hoạt động giáo dục. Hiện nay, lương của cán bộ, công chức, viên chức đều được tính theo một công thức chung là hệ số lương x mức lương cơ sở. Nhiều người cho rằng cách thức trả lương này còn mang tính chất cào bằng, không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của giáo viên. Sau cải cách tiền lương vào tháng 7/2024, lương giáo viên được trả theo vị trí việc làm. Trả lương theo vị trí việc làm sẽ căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức trong công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng.

Khi tiền lương được trả lương theo vị trí việc làm thay vì dựa vào thâm niên, bằng cấp sẽ tạo động lực cho các giáo viên nỗ lực, đánh giá đúng năng lực, vị trí của từng cá nhân.

Nghị quyết 27 cải cách tiền lương cho giáo viên

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, chính sách tiền lương mới sẽ có những nội dung nổi bật sau:

Quy định 5 bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bao gồm:

1 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến cấp xã;

1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;

3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Các bảng lương được thiết kế bằng xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể và mở rộng quan hệ tiền lương từ 1-2, 3, 4 - 10 hiện nay, lên mức cao hơn để từng bước tiệm cận với tiền lương khu vực doanh nghiệp.

Về cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ tiền lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ tiền lương); bổ sung tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương).

Giảm thiểu các chế độ phụ cấp, dự kiến chỉ còn 9 loại: Phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp theo nghề, phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn và phụ cấp đặc thù lực lượng vũ trang (bảo đảm không vượt quá 30% tổng quỹ lương).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem