Đó là những danh sách, phiếu sinh viên... với đầy đủ lý lịch trích ngang, được thầy gìn giữ như báu vật.
“Gia tài” vô giá
Thầy Minh về hưu đã lâu nhưng vẫn được nhiều thế hệ học trò quý mến. Đi dạy từ năm 1963, thầy bắt đầu có thói quen lưu lại thông tin sinh viên. Được phân công dạy lớp nào, thầy cũng yêu cầu sinh viên làm một tấm phiếu, dán ảnh cá nhân và ghi lý lịch trích ngang nộp lại. Về nhà, thầy xếp những tấm phiếu theo từng lớp, để biết dạy bao nhiêu em, sinh viên ở đâu, có gì đặc biệt...
Thầy Huỳnh Văn Minh sinh ra ở Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp trung học, từ năm 1962 - 1972, thầy học tại Học viện Đại học Sài Gòn và khoảng thời gian này, thầy đã đỗ các chứng chỉ: Dự bị Hán văn, chứng chỉ Văn chương quốc âm; chứng chỉ Văn chương Việt Hán; chứng chỉ Văn chương Trung Hoa; chứng chỉ Hoa văn thực hành. Trong đó, từ năm 1963 vừa dạy vừa học để lấy các chứng chỉ tiếp theo.
Sau khi học xong, thầy Minh vào nghề dạy học với chức danh Giáo sư ở các trường: Khánh Hội (Sài Gòn), Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ); Phụ khảo, Phụ khảo trưởng, Giảng sư văn chương Hán Nôm Trường Đại học Văn khoa, Trường Đại học Sư phạm Cần Thơ (Viện Đại học Cần Thơ), Đại học An Giang (Viện Đại học Hòa Hảo), đặc trách Ban Việt Hán, thành viên Hội đồng tuyển chọn nhân viên giảng huấn Đại học Cần Thơ... Từ năm 1973 - 2009, thầy là cán bộ giảng dạy, giảng viên, rồi giảng viên chính của Trường ĐH Cần Thơ và tham gia giảng dạy ở hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Thầy Minh cho biết: Trong suốt 46 năm gắn với nghề dạy học, thầy đã tham gia giảng dạy cho 500 lớp với 33.561 giờ, tham gia chấm 429.688 bài tập, niên luận, khóa luận, luận văn tốt nghiệp cho 48.722 học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, thầy còn tham gia biên soạn nhiều giáo trình phục vụ giảng dạy trong nhà trường như Văn học sử Việt Nam, Học tập viết văn, Văn chương thế kỷ XX, Văn chương kháng Pháp, Giáo trình Hán Nôm…; Tham gia hiệu đính nhiều tác phẩm như Quốc âm thi tập, Thi nhân Việt Nam, Lâm Tuyền kỳ ngộ, Nam Hải dị nhân liệt truyện, Tỳ bà hành… hàng trăm đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực văn chương, địa lý, lịch sử, địa chí, ngôn ngữ, nghệ thuật, giáo dục...
Trong một buổi họp mặt ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều cựu sinh viên vô cùng ngỡ ngàng, xúc động khi thấy thầy Minh mang theo “Phiếu sinh viên” của lớp mình và của các lớp khác với số lượng hàng nghìn tấm. Mỗi tấm phiếu dán một tấm hình đen trắng và lý lịch với dòng chữ rất sạch sẽ, rõ nét.
Thầy Minh nói: “Đã thành thói quen, khi dạy lớp nào, tôi đều đề nghị các em làm cho tôi một lý lịch trích ngang ngắn gọn gồm các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, họ tên cha mẹ và nghề nghiệp, chỗ ở hiện tại, quê quán, điểm thi tốt nghiệp phổ thông, điểm thi vào đại học, năng khiếu gì… kèm theo một tấm ảnh 3x4. Mục đích của tôi là để nắm rõ về học trò của mình khi các em học và tôi lưu lại các phiếu này một cách rất cẩn thận, coi như đó là kỷ niệm của học sinh với mình.
Ngoài ra, tôi còn lưu giữ sổ điểm học sinh môn mình dạy, danh sách sinh viên môn mình dạy sau khi tốt nghiệp đi nhận nhiệm sở. Với tôi, đó là những kỷ niệm, những kỷ vật không thể nào xa rời. Mỗi khi mở ra xem, thấy ấm áp và vui mừng vì học trò của mình đều thành đạt”.
Thầy Minh chia sẻ rằng, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nhà bị trúng bom, nên đã cháy mất rất nhiều tư liệu về sinh viên cũng như sách quý. Mỗi lần xem lại những tấm phiếu này, thầy vừa thấy vui vừa thoáng chút bâng khuâng. Có người sống ở xa, có người ở gần, có người từ ngày ra trường chưa gặp lại và có cả những người đã mất... “Tôi lưu giữ hình ảnh sinh viên cũng để lưu lại cuộc đời dạy học của mình. Nhiều thế hệ đã thành danh thành tài ra sao. Hơn nữa, tôi chỉ muốn nhớ hết lứa học trò của mình. Đó là điều hãnh diện nhất rồi”, thầy Minh chia sẻ.
Quan sát bảng ghi tên sinh viên môn Việt Hán K6 chọn nhiệm sở năm 1973, có tên của sinh viên Lê Vũ Hùng (chọn nhiệm sở tại Trường Trung học Lai Vung, Sa Đéc, Kiến Phong - nay thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Về sau, thầy Lê Vũ Hùng giữ chức vụ Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp khi mới 36 tuổi; rồi làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT… Đến nay, thầy Huỳnh Văn Minh vẫn còn lưu giữ được hàng nghìn “Phiếu sinh viên” của các sinh viên học trước năm 1975, được thầy chú thích rất rõ ràng. Nhiều người trong danh sách này hiện nay đã ngoài 70 - 80 tuổi.
Che nhà tạm, nuôi trò nghèo
Thầy Trần Hữu Nghĩa công tác tại Trường THPT Văn Ngọc Chính, (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết: “Tôi được học thầy Minh trong những năm học ở khoa Văn Trường ĐH Cần Thơ. Học thầy, chúng tôi ai cũng thích vì thầy rất nhiệt tình, tận tâm với học trò. Được thầy cho xem lại Phiếu sinh viên và Bảng điểm, chúng tôi như được sống lại những năm tuổi trẻ sinh viên. Thậm chí nhiều người không còn tấm ảnh nào của thời sinh viên nhưng thầy vẫn còn giữ lại cho chúng tôi. Xúc động vô cùng”.
Một câu chuyện khác thể hiện tình yêu thương học trò của thầy Huỳnh Văn Minh được nhiều cựu sinh viên kể lại: Thầy rất thương học sinh, nhất là học sinh nghèo. Các em đến nhà thầy, thầy có gì trò ăn nấy, rất vui vẻ. Trong số này có sinh viên Nguyễn Văn Nở, hoàn cảnh gia đình nghèo. Biết hoàn cảnh của trò, thầy Minh kêu trò đến nhà, nấu cơm cả thầy và trò cùng ăn.
Kể từ những ngày gian truân đó, cậu học trò Nguyễn Văn Nở gắn bó với thầy, sau khi tốt nghiệp đại học được giữ lại giảng dạy tại Trường ĐH Cần Thơ, trở thành đồng nghiệp với thầy. Nay cậu sinh viên Nguyễn Văn Nở đã là Phó Giáo sư, Tiến sĩ. “Nguyễn Văn Nở, trước khi đỗ đại học em từng đi thanh niên xung phong. Ngày xưa, Nở hay tới nhà tôi nấu cơm, thầy ăn gì trò ăn nấy. Nở cũng là lớp sinh viên đầu tiên sau giải phóng. Ra trường được giữ lại giảng dạy và trở thành Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ”, thầy Minh xúc động.
Chia sẻ về người thầy đáng kính, PGS.TS Nguyễn Văn Nở, nguyên Trưởng khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Nếu ngày đó không có thầy Minh thì bản thân không được như ngày hôm nay. Tôi đến trường với nỗi lo nghèo khó, quần áo không đủ để mặc, cơm cũng không đủ no. Thầy kêu tôi cứ đến nhà thầy ở, ai có ngờ nhà thầy cũng nghèo lắm, thầy trò phải đi xin cây về dựng thêm vách nhà, kê thêm mấy tấm gỗ để có chỗ ngủ cho tôi và nhiều bạn cũng nghèo như tôi. Ngoài đi dạy, thầy còn chăn nuôi để có thêm tiền trang trải trong gia đình và nuôi học trò nghèo như chúng tôi”.
Chỉ vào một tấm phiếu khác có phần cũ kỹ ghi tên Lý Quan Lịch, sinh năm 1916, thầy Minh cho biết: “Khi là sinh viên của tôi, ông Lịch đã là giáo viên Trường THPT Phan Thanh Giản (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ). Ông Lịch hơn tôi 22 tuổi. Tôi kính nể ông Lịch vì dù chưa quen, tôi đã biết ông ấy là thầy giáo. Nhưng mỗi lần gặp, ông Lịch đều đứng xa chắp tay chào thầy. Sau này, con và cháu của ông Lịch đều học tôi”.
Chia sẻ về người thầy của mình, Nguyễn Thị Như Hoàng - sinh viên khóa 30 Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Thầy được mệnh danh là “ông già Nam Bộ”, sinh viên nào học thầy rồi đều gọi thầy bằng cái danh trìu mến đó. Mỗi bài giảng của thầy đều gắn liền với một điển cố hoặc điển tích, thầy như một kho tàng kiến thức nên sinh viên rất yêu mến phong thái uyên bác, lịch lãm nhưng cực kỳ gần gũi, đậm chất Nam Bộ của thầy.
Ai đã từng là học trò thầy Huỳnh Văn Minh cũng đều nhớ như in phong cách dạy học của thầy. Thầy tâm niệm dạy Văn khác những môn khác, không phải dạy tác phẩm này hay bài văn nọ, mà người học Văn phải hoàn chỉnh về nhân cách, đối nhân xử thế, hay đúng hơn là hướng con người đến “chân, thiện, mỹ”.
Bài giảng đầu tiên của thầy là viết chữ đúng nét, đúng chính tả, câu cú rõ ràng, ai không đạt đều bị trừ điểm mạnh tay trong bài thi; còn yếu kiến thức thầy du di hơn. Đặc biệt là thầy luôn khuyên học trò: “Bất cộng đới thiên với lũ ngu dốt” - nghĩa là học dốt thì đừng kiếm thầy, đừng coi thầy là thầy, bởi thầy đã dạy hết lòng mà không biết gì thì quá lười biếng… Cũng chính vì lời khuyên của thầy mà nhiều thế hệ học trò đều phấn đấu học tập, trở thành người có ích cho xã hội.
Điều khiến học trò càng quý mến thầy Minh chính là phần thưởng của thầy khi học trò cùng lớp ra trường, thành tài và trở thành chồng vợ. Phần thưởng đám cưới của thầy chính là một cặp vịt (trống, mái) và hai lít rượu. Thầy Minh nhớ lại: “Tôi làm theo lẽ tự nhiên thôi, vậy mà các trò cảm động lắm, cứ nhắc hoài. Cặp vịt là theo điển tích xưa cưới hỏi phải có cặp nhạn thể hiện sự gắn bó thủy chung, giờ không có nhạn, thay bằng cặp vịt trắng là vậy đó”.
Ngoài gia tài là phiếu thông tin sinh viên, trên vách nhà thầy còn treo rất nhiều hình ảnh sinh viên mặc áo cử nhân ra trường, bên dưới đề dòng chữ “Kính tặng thầy”, “Kính tặng ông ngoại”. Chỉ tay vào những tấm ảnh, thầy Minh cười tâm đắc: “Mấy đứa đó ở chung riết quen tay quen chân, ra trường đứa nào cũng gửi tấm hình vậy đó, vậy là mãn nguyện rồi, gia tài lớn lắm nghen”.
Lúc đầu, tôi muốn tìm hiểu các em, trong quá trình dạy học nếu chưa hiểu thì thầy trò trao đổi với nhau như những người bạn. Tôi lưu giữ những tấm phiếu này cũng như lưu lại cuộc đời dạy học của mình. Mỗi em có một số phận riêng, nhưng tôi luôn tự hào về các em, thầy Huỳnh Văn Minh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.