Công việc vất vả nhưng lương và các chế độ chính sách của giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, khá thấp
Hơn 25 năm, chưa được 5 triệu đồng/tháng
Tại hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những thiệt thòi về chế độ, chính sách đối với giáo viên (GV) hiện nay.
Ông Trần Trung Ninh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng vai trò quyết định chất lượng giáo dục của đội ngũ GV là hiển nhiên nhưng tiền lương thấp, không đủ đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo. Ông Ninh dẫn lại đề tài khoa học cấp nhà nước do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm. Theo đó, mức thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương của GV thâm niên 13 năm là 3 - 3,5 triệu đồng/tháng; thâm niên hơn 25 năm lương chỉ 4,1 - 4,7 triệu đồng/tháng. Hiện có khoảng 50% GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên. Do đó, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống của họ và gia đình, nhất là ở vùng đô thị. Đây là lý do khiến khoảng 40% GV không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề.
Thạc sĩ cũng chỉ nhận lương trung cấp
Bà Hoàng Thị Tuyết, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết nhiều học trò của bà ra trường theo nghề, tâm sự rằng đang gặp tình trạng làm nhiều nhưng hưởng ít bởi lẽ lương GV trả theo thâm niên.
Đặc biệt, năm 2016, khi có chủ trương GV dạy tiểu học, dù tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ thì cũng chỉ căn cứ theo yêu cầu về chuẩn đào tạo với GV tiểu học là hệ trung cấp nên GV trẻ chỉ bắt đầu hưởng lương trung cấp (hệ số 1,86). Nhiều GV tiểu học đã phải nuốt nước mắt làm nghề, không có động lực. Bà Tuyết cho rằng, lương thấp là yếu tố làm giảm động lực của GV, đặc biệt là những người dạy giỏi, chủ trương GV tiểu học tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ phải nhận mức lương trung cấp là bất hợp lý.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thị Thanh Hải, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, trong số 320 GV tiểu học mới vào nghề (từ 1 - 3 năm) ở VN thì các yếu tố gây cản trở nhiều nhất đến sự phát triển chuyên môn mà GV nhận định là lương không đủ (35,3% ý kiến cho rằng khá cản trở và 17,5% cho rằng cản trở nghiêm trọng).
Tiền lương phải đảm bảo đủ sống
GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng chế độ cho GV dù thay đổi thế nào thì trước hết thu nhập của GV phải đủ sống ở mức trung bình trong tương quan xã hội. GS Báo cũng dẫn ví dụ về lương GV ở một số nước thành công nhất trong giáo dục để thấy dù lương GV không cao hơn một số ngành nhưng họ đủ sống trên mức trung bình, cộng với môi trường làm việc thực sự dân chủ, khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp là bí quyết để có đội ngũ GV chất lượng cao.
Bà Trần Thị Kim Liên, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Hà Nội, nói do giáo dục công lập vẫn được hưởng lương bao cấp, việc khen - chê không ảnh hưởng đến vấn đề lương bổng, kinh tế, sự động viên thi đua giữa người phấn đấu hoàn thành tốt công việc với người không hoàn thành đã không khích lệ được người phấn đấu hay hạn chế được người chưa hoàn thành công việc. Do vậy, theo bà Liên, chính sách tiền lương phải đảm bảo đời sống cho GV để họ chuyên tâm cho công việc. Nếu xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu thì lương của GV phải được tính như lương của các ngành hiện được cho là quan trọng hàng đầu.
Lên chức là giảm thu nhập
Đó là tâm tư từ chuyên viên đến lãnh đạo trường học, phòng giáo dục… trước những quy định áp dụng trong Nghị định 54 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo của Chính phủ. Theo đó, chế độ phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập. Các trường hợp không trực tiếp giảng dạy thì không được hưởng phụ cấp thâm niên.
Bà N.T.H, chuyên viên phụ trách công tác tổ chức - cán bộ của Q.Bình Tân (TP.HCM), cho biết: “Phụ cấp công vụ chỉ được hưởng khi đang công tác, còn phụ cấp thâm niên được tính vào lương hưu. May mà GV về hưu còn có khoản thu nhập này chứ không thì còn thấp đến mức không tưởng nữa. Cũng từ bất cập này mà việc điều động GV từ các trường có chuyên môn lên phòng giáo dục làm công tác chuyên viên rất khó, không ai muốn thay đổi”.
Còn ông N.V.T, lãnh đạo một phòng giáo dục ở TP.HCM, chia sẻ: “Khi được phân công từ dưới trường lên phòng giáo dục, tôi mất luôn 31 năm thâm niên với tỷ lệ 31% phụ cấp sau quá trình 31 năm công tác và không được nhận 35% phụ cấp đứng lớp, chỉ có 25% phụ cấp công vụ. Như vậy ở chức vụ cao hơn, tôi mất 41% thu nhập, tính ra mỗi tháng thu nhập giảm đi gần 3 triệu đồng”.
Bích Thanh
|
Tuệ Nguyễn (Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.