Tâm sự của cô giáo mầm non phải bán hàng online kiếm sống

Thứ năm, ngày 02/11/2017 13:29 PM (GMT+7)
Chờ đợi vào biên chế, một lúc trông 15 cháu, vừa dạy học vừa vệ sinh cá nhân, bị phụ huynh ác cảm là những cú sốc của một cô giáo trẻ khi dạy học mầm non.
Bình luận 0

Vì sao lương hưu giáo viên mầm non chỉ có 1,3 triệu đồng/tháng? Theo Bảo hiểm Xã hội Hà Tĩnh, so với mặt bằng viên chức hiện nay, giáo viên mầm non có mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội thấp nhất.

Gần đây, dư luận quan tâm về chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Qua hình ảnh người giáo viên cả cuộc đời nghèo khó, những cô giáo trẻ không khỏi băn khoăn, lo lắng với nghề nghiệp tương lai của mình. 

Cô giáo mầm non Nguyễn Mai Liên (Thái Bình) đã chia sẻ với Zing.vn những tâm sự về nghề giáo viên mầm non và cả lo lắng cho tương lai sắp tới.

Kinh doanh online, đưa hàng kiếm thêm thu nhập

Tốt nghiệp trường cao đẳng đào tạo sư phạm ở địa phương, tôi xin việc làm với cú sốc đầu tiên là thất nghiệp. Sau nửa năm chờ đợi mệt mỏi, cuối cùng, tôi cũng được nhận dạy hợp đồng ở một trường mầm non cách nhà 10 km, với mức lương hơn một triệu đồng/tháng. Sau 5 năm, tôi vào được biên chế và hiện tại nhận lương gần 3 triệu đồng/tháng.

Số lương ít ỏi đó khiến một người trẻ như tôi phải sống trong chật vật và nhiều toan tính. Do đi dạy xa nhà nên với các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng ngày như điện thoại, xăng xe, tôi đều rất tiết kiệm.

img

Giáo viên mầm non. Ảnh minh họa. 

Cú sốc thứ hai tôi phải trải qua đó là áp lực công việc, thời gian. Mỗt ngày, tôi thức dậy lúc 5h30 sáng. Hơn 6h, tôi bắt đầu ra khỏi nhà. Giáo viên mầm non, dù trường công lập hay tư thục, quốc tế, đều có mặt ở trường từ 7h kém 15 để đón trẻ và cho các con ăn sáng. Sau đó, chúng tôi cho học sinh tập thể dục, hoạt động học tập tới 10h30 rồi ăn trưa, dọn dẹp và cho học sinh đi ngủ.

Phụ huynh cứ tưởng tượng họ trông một đứa trẻ đã thấy nhiều việc phải làm, đằng này ở trường của tôi, 2 giáo viên mầm non phải trông 30 đến 40 em, thử hỏi vất vả ra sao?

Chúng tôi vừa cho các cháu ăn, vừa dạy hát múa, dạy chữ, kể chuyện, ru các cháu ngủ, làm vệ sinh cá nhân.

Sự vất vả của giáo viên mầm non ở chỗ mỗi học sinh một tính cách. Có em ưa nói ngọt ngào, có em phải nghiêm khắc. Chỉ riêng việc cho học sinh ăn tưởng đơn giản nhưng không phải cháu nào cũng ngoan. Nếu trẻ lười ăn và hay nôn chớ, đó thực sự là một cuộc chiến.

Có cháu đang ăn rồi lại đòi đi vệ sinh hay quấy khóc. Lúc học sinh ngủ trưa, các cô giáo phải thức trông học trò, hoặc tranh thủ dọn dẹp. Cuối tuần, chúng tôi làm đồ chơi để dạy học.

Buổi chiều cũng vậy, giáo viên cho học sinh ăn nhẹ rồi trả trẻ về với gia đình. Nhiều hôm, ngày làm việc kết thúc lúc 19h30 phút.

Lương hưu - dấu trầm lặng buồn

Buổi tối, tôi tranh thủ thời gian bán hàng online (sản phẩm ẩm thực của vùng) để kiếm thêm thu nhập. Cũng trong buổi tối, tôi tranh thủ đưa hàng, đỡ mất tiền thuê người.

Một ngày của tôi thường kết thúc vào lúc 23h. Nhiều đêm, tôi trằn trọc suy nghĩ tại sao mình lại chọn công việc này, khi số tiền lương nhận được quá eo hẹp?

Cú sốc thứ ba của tôi với nghề là sự đối xử của phụ huynh. Có những phụ huynh biết thông cảm, đó là điều hạnh phúc. Nhưng cũng có những người luôn ác cảm với cô giáo trực tiếp chăm lo cho con họ. Điều này đè nặng áp lực lên chúng tôi.

Ví dụ, khi trẻ mầm non bị các bạn cấu hay cắn - điều khó tránh khỏi vì lớp học đông - chúng tôi bị phụ huynh mắng thậm tệ, gọi điện cho hiệu trưởng phản ánh. Có những giáo viên chưa tìm hiểu nguyên nhân đã cho rằng cô giáo bạo hành, đánh đập con họ, rồi la lớn, đòi kiện. Điều này gây nên những tổn thương về tinh thần rất lớn của giáo viên mầm non.

Cú sốc thứ tư là suy nghĩ áp đặt của mọi người. Thậm chí, nhiều người cho rằng giáo viên mầm non là nghề “bưng bô” mà không hiểu để uốn nắn từng học sinh đi vào khuôn khổ, nề nếp, lời ăn tiếng nói, chúng tôi đều thực hiện bằng những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được.

Qua những năm làm giáo viên mầm non, tôi khẳng định ai cũng sẽ có lần phạt trẻ, nếu nói không bao giờ phạt là nói dối. Nhưng phạt trẻ khác với bạo hành, không thể đánh đồng hai việc đó với nhau.

Những vụ bạo hành trên báo chí nêu thường xảy ra ở các cơ sở không có giấy phép hoạt động, không được đào tạo chuyên môn. Họ chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Là giáo viên mầm non, điều đơn giản tôi mong muốn không phải là những món quà, đồng tiền bồi dưỡng đắt đỏ mà là sự tôn trọng nghề nghiệp đến từ phụ huynh và sự đồng cảm từ xã hội.

Nhiều giáo viên trẻ, đồng nghiệp của tôi, bỏ nghề không phải vì đồng lương thấp mà là áp lực từ phía phụ huynh. Không ít gia đình chỉ nghe cô giáo phạt là quy kết hết trách nhiệm cho giáo viên. Có cả những áp lực mà không biết phải dùng những từ ngữ nào diễn tả, chỉ có trong nghề mới hiểu được.

Đôi khi điều mong muốn của tôi chỉ là tìm cho chính mình người chồng hiểu và thông cảm, động viên cho nghề mầm non của vợ mà cũng thấy xa xôi.

Cú sốc thứ năm của tôi là cuộc sống đầy đủ, thậm chí dư dả là điều quá xa vời với nghề cô giáo mầm non.

Khi nhìn cô giáo Trương Thị Lan nhận 1,3 triệu đồng sau 37 năm cống hiến, nước mắt tôi cũng trực trào. Bản thân tôi may mắn hơn cô giáo Lan rất nhiều, vì đã được vào biên chế khi còn trẻ.

Nhưng với mặt bằng chung của xã hội hiện đại, so với nhiều ngành nghề khác, nghề giáo viên mầm non không khác nào một dấu trầm lặng buồn. 

Nguyễn Mai Liên Giáo viên mầm non ở Thái Bình (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem