Lương tối thiểu vùng năm 2018: "Cò kè" các phương án tăng lương

Minh Nguyệt Thứ bảy, ngày 29/07/2017 06:15 AM (GMT+7)
Sáng 28.7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có phiên họp kín lần thứ 2 để đàm phán về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Trao đổi bên lề phiên họp, đại diện các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói đồng thuận.
Bình luận 0

Nhiều phương án gây tranh cãi

Mặc dù đã đi đến họp phiên thứ 2 nhưng Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn chưa thể chốt mức tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2018.

img

Nhiều doanh nghiệp lo ngại tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.  Ảnh: MN 

Theo tổng hợp của Bộ phận kỹ thuật (Hội đồng Tiền lương quốc gia), tại phiên họp lần thứ 2 này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 370.000 – 450.000 đồng, tương đương 12 – 14,3% để bảo đảm đủ nhu cầu sống tối thiểu ngay năm 2018.

Tuy nhiên, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đưa ra 2 phương án không tăng hoặc tăng chỉ ở mức bình quân 4%. Phương án 1 là không điều chỉnh tiền lương để có thể giữ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định, nhưng người lao động không được tăng lương (thậm chí tiền lương thực tế bị giảm do CPI dự báo tăng 4%). Điều này có thể khiến đời sống của người lao động khó khăn hơn, tạo tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động. Phương án này chưa bảo đảm quy định của Luật Lao động, các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ.

Phương án 2 là điều chỉnh tối đa bằng CPI (dự kiến 4%). Theo đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 100.000 – 150.000 đồng (bình quân 4%). Phương án này đủ bù trượt giá sinh hoạt vào tiền lương (4%), bảo đảm được tiền lương thực tế cho người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ít bị tác động. Tuy nhiên người lao động không được cải thiện tiền lương trong điều kiện nền kinh tế ổn định và tăng trưởng ở mức khá.

Sau 2 phiên bàn thảo, theo đề xuất của Bộ phận kỹ thuật thì mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 nên duy trì thấp nhất là 5% và cao nhất là 8%. Bộ phận này nêu 4 phương án cụ thể là: Phương án 1, điều chỉnh lương tối thiểu tăng từ 130.000 – 180.000 đồng, tương đương 5%; phương án 2 bình quân 6%; phương án 3 khoảng 6,8%; phương án 4 khoảng 8,0% (tức là tăng từ 220.000 – 280.000 đồng).

Phải căn cứ vào CPI và tình hình kinh tế

img

Theo một chuyên gia tiền lương, mức tăng lương hàng năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có một chỉ số được lấy làm thước đo, căn cứ chính để xác định và điều chỉnh tiền lương, đó chính là chỉ số CPI. Dù điều chỉnh gì, theo phương án nào thì cũng phải căn cứ vào chỉ số CPI này.

Chính vì chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2017 liên tục giữ ở mức 4,15% nên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) đề xuất mức tăng phải cao hơn mức CPI để bù trượt giá và đảm bảo mức sống cho người lao động.

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ năm 2013 tới nay chưa lúc nào mức lương tối thiểu đạt được mức sống tối thiểu. Hiện nay mức lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 90% mức sống tối thiểu. “Tình hình kinh tế khởi sắc, chỉ số giá tiêu dùng cũng ở mức cao. Căn cứ vào hai điều này để có thể tính toán phương án tăng lương tối thiểu vùng. Chúng tôi giữ nguyên quan điểm đề xuất tăng khoảng 13%” – ông Chính nói.

Bên lề của phiên đàm phán căng thẳng sáng 28.7, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI giữ nguyên quan điểm và cho rằng không nên tăng lương tối thiểu vùng, hoặc nếu có tăng chỉ nên giữ mức tăng dưới 5%.

Tán đồng với đề xuất này, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp luôn coi lao động là nguồn lực của doanh nghiệp, tuy nhiên việc tăng lương cần cân nhắc hợp lý.  “Chúng tôi đã có tính toán cụ thể về mức sống tối thiểu của người lao động để có căn cứ trả lương giúp họ đảm bảo cuộc sống. Quan điểm của tôi là có tăng lương nhưng ở mức cân bằng và đảm bảo lợi ích của người lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu không đảm bảo yếu tố này, Việt Nam sẽ khó thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, năng lực cạnh tranh quốc gia có thể giảm sút” – ông Thuấn nói.

Trước những đề xuất về mức tăng lương vênh nhau quá lớn, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, mức tăng lương sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc đàm phán giữa bên đại diện lao động và đại diện doanh nghiệp. Việc áp dụng cơ chế quản lý hành chính vào việc thương lượng là không hợp lý, tất cả phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên.

 Trong cuộc họp về tiền lương tối thiểu, các chủ thể đều có lợi ích liên quan: Nhà nước mong muốn thị trường lao động vận hành lành mạnh, người lao động có thu nhập và doanh nghiệp phát triển. Người lao động kỳ vọng cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất còn doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích lũy phục vụ sản xuất, tạo giá trị thăng dư.

“Chính vì sự khác biệt đó, các phương án đưa ra chênh nhau là bình thường. Việc thương lượng để tìm đến điểm cân bằng. Tất nhiên, Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu” - Thứ trưởng Diệp nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem