Chúng tôi tìm đến “phòng mạch” của cụ Ba Lưới ở chót vót bên triền núi gần trên đỉnh núi Cấm vào một ngày cuối tuần giữa tháng 11.2014. “Phòng mạch” của cụ là một căn nhà đầy ắp thuốc nam và cũng là nơi thăm mạch bốc thuốc cho mọi người từ mấy chục năm nay.
Tầm dược từ thuở thiếu thời
Bước ra từ “phòng mạch”, trong bộ bà ba nâu cụ Ba Lưới vẫn làm chúng tôi bất ngờ (dù đã được nghe kể trước là cụ rất khỏe). Râu tóc bạc phơ, dáng dấp thanh thoát và khỏe khoắn, ánh mắt sáng quắc, lia nhanh một vòng những người đang đợi, cụ hỏi: “Mấy chú nhà báo đâu rồi”…. Cụ Ba Lưới tranh thủ tiếp chúng tôi trong giờ nghỉ giải lao và ăn cơm trưa.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chữa bệnh cứu người, cụ Ba Lưới từ lúc thiếu thời đã lên núi Cấm để “tầm sư học đạo” và sưu tầm thuốc nam. Chính nguồn dược liệu phong phú và quý giá nơi miền sơn cước đầy nhiệm mầu này đã bao phen cứu sống cụ. “Quá trình tự tìm thuốc, tự chữa bệnh cũng giống như vừa là thầy thuốc vừa là bệnh nhân nên mình đúc kết được kinh nghiệm, kiểm nghiệm được thực tế và mức độ hiệu dụng cho con người của từng loại cây thuốc nơi đây” – cụ Ba Lưới giải thích nguyên nhân vì sao mình không học trường lớp nào mà lại rành mạch tất cả các loại cây thuốc của vùng Thất Sơn.
Theo lời cụ Ba Lưới thì cụ trụ lại được ở vùng này từ hồi nơi đây còn là vùng “sơn lâm chướng khí” và sống khỏe mạnh cho đến ngày nay cũng là nhờ “cây rừng, thuốc núi” của Thiên Cấm Sơn. “Hồi đó cây rừng, dốc núi cheo leo, thú dữ rình rập, ở đây vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa lo tu luyện tinh thần đạo sĩ ông cha truyền lại. Muốn tồn tại thì trước tiên phải biết nương vào thiên nhiên; bệnh thì phải biết tự chữa lấy, chứ ở chốn thâm u cùng cốc này làm gì có thầy bà thuốc men nếu không lấy từ cây rừng, lá núi và kinh nghiệm cổ truyền.” – cụ Ba Lưới nhớ lại.
Là một tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, cụ Ba Lưới kế thừa được tinh thần và truyền thống Tứ đại trọng ân (nỗ lực đền đáp 4 ân lớn: Ân tổ tiên cha mẹ - Ân đất nước - Ân tam bảo - Ân đồng bào, nhân loại). Hòa quyện trong đó là lòng yêu nước, tình thương nhân loại, đoàn kết, cần cù, yêu lao động... Vì thế mà hầu hết các tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương đều có tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp; Nếu không thì cũng là người có tinh thần cứu nhân độ thế, băng đồng, lên non tiên phong trong những hoạt động thực tiễn như lập trại ruộng để tự túc sinh sống hay tổ chức sưu tầm dược liệu, lập cơ sở trị bệnh cứu người... Các hoạt động đó không gì khác hơn là nhằm mang lợi ích thiết thực cho đời sống lưu dân thời khai phá, khẩn hoang. Cụ Ba Lưới bảo rằng, cụ lên non cao thời niên thiếu cũng vì hun đúc trong người tinh thần đạo sĩ như thế.
“ Cụ Ba Lưới thắm đượm tinh thần đạo sĩ Thất Sơn, xưa nay chuyên tâm tu thân, tầm dược cứu người. Cũng nhờ cụ mà trong suốt mấy chục năm qua, biết bao người ở vùng Bảy Núi này bị rắn độc cắn đã được cứu sống. Người dân trên núi trước đây, mỗi khi bệnh hoạn thì cũng trông nhờ tài nghệ của cụ” - ông Phạm Việt Tân, Trưởng Ban ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.
Ngày tầm dược, đêm luyện võ nghệ
“Lúc mới lên đây (núi Cấm), sức trẻ hăng lắm, tập ngày tập đêm, những bài võ cỗ cổ truyền, rồi những đòn đả hổ, diệt mãng xà; rồi luyện sức bằng những chiêu thức ôm đá, nhảy đá. Khi đòn miếng đã đủ phòng thân thì phân ra, ngày chuyên lo tầm dược, đêm thì luyện võ nghệ…”- cụ Ba Lưới kể.
Cụ Ba Lưới mặc dù đã 101 tuổi nhưng hàng ngày vẫn tìm thuốc cứu người. (Ảnh: Trọng Bình)
Nhấp ly trà quạo, vuốt bộ râu trắng phơ, cụ Ba Lưới nhớ lại: “Vào những năm 1930, trên núi Cấm vẫn còn hoang sơ lắm, hùm beo, hổ mang, lợn rừng còn nhiều. Những người lên núi nếu không có võ công phòng thân thì không dám đi đâu xa, “lơ mơ” là gặp thú dữ, ăn thịt người như chơi. Hơn ai hết, những người tầm kiếm thuốc nam, lang thang khắp chốn hoang, vực thẳm, cần phải tinh anh võ nghệ”.
“Võ nghệ và thuốc tỷ lệ thuận với nhau, ai cao cường võ nghệ thì sẽ tầm được thuốc quý, thuốc hay. Tui đây năng tập võ nghệ cũng chính vì mục sự tầm thuốc cứu người, chứ chẳng phải là để xưng hùng, xưng bá, vị danh vị tiếng gì đâu” – cụ Ba Lưới khề khà cho chúng tôi biết.
Cụ Ba Lưới còn cho biết, cụ theo học rất nhiều sư phụ ở vùng Thất Sơn, học bốc thuốc cứu người của thầy Năm Sanh; học võ thì theo môn phái chánh là Đường Phong với tuyệt chiêu đối phó hổ dữ của thầy Cử Đa nổi danh thời ấy ở vùng Thất Sơn.
“Võ nghệ và thuốc tỷ lệ thuận với nhau, ai cao cường võ nghệ thì sẽ tầm được thuốc quý, thuốc hay. Tui đây năng tập võ nghệ cũng chính vì mục sự tầm thuốc cứu người, chứ chẳng phải để xưng hùng, xưng bá, vị danh vị tiếng gì đâu" - Cụ Ba Lưới
Truyền y, không truyền võ
Đúc kết kinh nghiệm của gần 80 mươi năm tầm dược trên khắp vùng Bảy Núi, cụ Ba Lưới dù đã bước vào tuổi 101 hiện vẫn đang ra sức tầm dược, bốc thuốc trị bệnh cho mọi người. Mỗi ngày có từ 30 - 50 lượt người đến để nhờ cụ thăm mạch, bốc thuốc chữa bệnh. Trong số này không ít người là khách đến du lịch núi Cấm, nhân tiện muốn được mục sở thị người đạo sĩ cuối cùng của miền Thất Sơn nhiều huyền thoại; cũng như một lần trong đời được diện kiến lão đạo sĩ, ngõ hầu được sẻ chia về một bí quyết sống khỏe, sống thọ. Có những lúc cao điểm (vào mùa hành hương từ tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch), mỗi ngày cụ Ba Lưới thăm mạch và hốt thuốc cho cả trăm lượt người.
Khi được hỏi về những đệ tử kế thừa môn võ cổ truyền, cụ Ba Lưới lắt đầu lia lịa. “Thôi, tôi đã quyết rồi, từ lâu rồi không truyền võ nghệ cho ai hết. Thời này chẳng còn cọp beo gì nữa. Ngày xưa giặc giã, còn vị thân, vị kỷ. Đất nước thanh bình, tự do, xứ sở cũng không còn con thú dữ nào không cần phải đánh đấm nữa, chiêu cước, võ nghệ làm gì, dẹp bỏ nó đi, lo làm việc nghĩa. Như việc tầm thuốc cứu người, đây sẵn sàn truyền hết.” – cụ Ba Lưới quả quyết.
Nói tới đây, cụ Ba Lưới buồn giọng, cứ ngậm ngùi tiếc nuối kho dược liệu núi Cấm mà mình gắn bó suốt gần 80 năm qua. Cả buổi trầm ngâm, cụ Ba Lưới cứ nhắc đi nhắc lại: “Hồi trước núi Cấm là kho dược liệu, cả các loại thuốc quý như nhân sâm, linh chi cũng không thiếu. Nhưng do người ta săn lùng quá, hái tràn lan không chịu dung dưỡng nên đã cạn kiệt gần hết. Nhiều loại bây giờ tôi phải nhờ đệ tử mua từ Nam Vang (Campuchia). Sau này mới có chuyên nhận tiền của khách là vì phải mua thêm thuốc, chứ trước đây miễn phí hoàn toàn”.
Tình thương nhân loại là cứu cánh và cũng là mục sự của cuộc đời Ba Lưới. Hồi đó gian truân, khổ cực, đói thiếu triền miên mà chẳng ai tranh giành, mọi người ở đây thương yêu, đùm bộc nhau lắm, hạt gạo cũng bẻ làm hai. Không ai bảo ai nhưng ai cũng lo chuyên tâm làm việc đạo nghĩa. Nói tới đây, cụ Ba Lưới đứng phắt dậy, chỉ tay ra phía nhóm người đang đứng đợi dưới sân: “Thôi mấy chú ngồi chơi, đợi tôi vào thăm mạch, bốc thuốc cho họ cái đã, họ còn về xa lắm”…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.