Năm Càn Long 84 tuổi, người Miêu Cương lại lần nữa nổi dậy. Sau khi triều đình vất vả dẹp yên được cuộc phản loạn, Càn Long cũng dần buông lơi chuyện triều chính. Ông quyết định nhường ngôi, lui về làm thái thượng hoàng nhàn tản hưởng phúc.
Sủng thần của Càn Long khi ấy là Hòa Thân muốn khuyên vua không thoái vị nhường ngôi, nhưng ông không nghe theo.
Tháng Giêng năm 1796, trước sự chứng kiến của bá quan văn võ tại cửa cung Càn Thanh, Càn Long chính thức chiếu cáo thiên hạ, nhường ngôi cho con trai mình là Gia Khánh. Bấy giờ Hòa Thân 46 tuổi, vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức quan Đại thần Quân cơ xứ, Thượng thư phòng và vẫn được thái thượng hoàng tin sủng.
Mặc dù đã lên ngôi hoàng đế nhưng mỗi ngày Gia Khánh vẫn phải bẩm tấu lại cho Càn Long mọi chuyện quốc gia đại sự. Có những lúc ý kiến của Gia Khánh còn bị thái thượng hoàng ngang nhiên can thiệp.
Hòa Thân khi ấy bị kẹp giữa hai cha con, lại thường xuyên giúp Càn Long khiển trách Gia Khánh khiến vua cảm thấy không mấy dễ chịu. Thậm chí có nhiều lần, Hòa Thân còn dám vượt mặt hoàng đế, trực tiếp bẩm tấu chuyện với thái thượng hoàng khiến Gia Khánh rơi vào thế bị động.
Hình ảnh nhân vật Càn Long và Hòa Thân trên phim truyền hình Trung Quốc.
Theo Sohu, có lần tri phủ Hàng Châu phạm pháp, Hòa Thân nhận hối lộ của ông ta nên đến xin Càn Long. Càn Long nghe theo, cho gọi Gia Khánh đến bảo ông miễn tội cho tên tri phủ kia.
Gia Khánh tuy đồng ý nhưng sau khi tra xét kỹ lưỡng, nhận thấy tên tri phủ kia tội ác vô số, không đáp ứng điều kiện được miễn tội nên đã kiên quyết không tha. Hòa Thân thấy vậy lại đến bẩm tấu với Càn Long, nói Gia Khánh không chịu thả người.
Thái thượng hoàng nghe xong thì vô cùng tức giận, gọi Gia Khánh đến trách mắng. Hoàng đế bị trách mắng vội vã cúi đầu nhận sai, sau đó cho thả tên tri phủ kia. Tuy rằng thả người nhưng trong lòng ông vô cùng căm giận Hòa Thân.
Sau chuyện đó, Gia Khánh học được cách nhẫn nhịn, đối đãi với Hòa Thân cũng rất cung kính. Ông luôn coi bản thân là hậu bối khiến Hòa Thân lơ là cảnh giác. Cứ như vậy, Gia Khánh nhẫn nhịn suốt ba năm.
Sau khi Càn Long qua đời, Gia Khánh liền lệnh cho Hòa Thân đi giữ lăng, đồng thời lấy lý do vì Hòa Thân là cận thần tin sủng của tiên đế, lệnh Hòa Thân không được phép rời khỏi nơi trông giữ linh cữu suốt mười mấy ngày liền. Việc này chính là để trói chân Hòa Thân.
Hình ảnh nhân vật Hòa Thân bị bắt giữ trên phim truyền hình Trung Quốc.
Mặt khác, cũng trong khoảng thời gian đó, Gia Khánh cùng các vị đại thần Thượng thư phòng như Vương Kiệt, Chu Khuê… cùng nhau điều tra Hòa Thân, thu thập bằng chứng phạm tội.
Sau khi có đủ bằng chứng, ông lập tức hạ lệnh soát nhà, bắt giữ. Một vị quan đại thần quyền thế ngang trời như Hòa Thân mà cả quá trình từ tra xét đến khi ban tội chết chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 5 ngày.
Rất nhiều người thuộc phe cánh của Hòa Thân đều hoàn toàn bất ngờ, không kịp chuẩn bị tâm lý trước kết cục của Hòa Thân, khiến tất cả không kịp thảo luận đối sách ứng phó.
Bấy giờ, người trực tiếp xử lý vụ án của Hòa Thân là đại thần Vương Kiệt. Khi ông soát phủ Hòa Thân, ngoại trừ phủ của Thập Công chúa (con dâu của Hòa Thân) không bị tra xét, triều đình thu được từ trong phủ của hai anh em Hòa Thân tổng cộng khoảng 1 tỷ lượng bạc trắng cùng vô số vàng và ngọc ngà châu báu.
Bấy giờ, ngân khố triều đình mỗi năm thu được khoảng 70 triệu lượng, số tài sản thu được từ phủ Hòa Thân tương đương với thu nhập quốc khố trong vòng 15 năm.
Gia Khánh vô cùng căm giận chuyện này. Chẳng ai có thể ngờ triều đình tài chính dè xẻn chi tiêu mà Hòa Thân lại có thể sở hữu riêng khối tài sản khổng lồ đến như thế.
Ngoài ra, đội lục soát còn tìm thấy rất nhiều thư tín qua lại giữa Hòa Thân và bè đảng khắp cả nước trong phủ của ông ta.
Ngay lập tức, Gia Khánh lập tức hạ lệnh bắt giữ bè phái của Hòa Thân. Bấy giờ, Vương Kiệt trình lên vua một danh sách các vị quan đã từng "qua lại" với Hòa Thân cùng môn sinh của ông ta, tổng cộng lên đến 3000 người, phân bố cả trên dưới triều đình.
Đúng lúc đó, có một vị lão thần 80 tuổi, tay chống gậy, run rẩy bước đến. Vương Kiệt cùng các vị đại thần nhìn thấy người này thì lập tức hành lễ. Người đó chính là nguyên Hình bộ Thượng thư hiện giữ chức Thái tử Thái Bảo – Lưu Dung.
Hình ảnh nhân vật Lưu Dung trên phim truyền hình Trung Quốc.
Trước mặt đông đảo bá quan văn võ, Lưu Dung đã tấu với Gia Khánh rằng: "Bẩm Vạn tuế gia, vi thần không có giao tình gì với Hòa Thân, cũng chẳng đến đây để xin cho ông ta. Nhưng nay đảng phái của Hòa Thân trải khắp thiên hạ, nếu quyết tâm diệt hết e sẽ dẫn đến bạo loạn. Các bè phái phản loạn như Bạch Liên giáo sẽ nhân cơ hội kích động lòng dân, nếu như thế e sẽ khó lòng dẹp yên."
Gia Khánh nghe xong lời của Lưu Dung, tự ngẫm thấy có lý, liền lệnh cho Vương Kiệt đốt hết thư tín qua lại của Hòa Thân, đồng thời chiếu cáo thiên hạ, những ai trước đây đã từng hối lộ Hòa Thân, chỉ cần sau này biết hối cải thì sẽ bỏ qua tội lỗi trước đây, nhưng nếu không biết lấy bài học của Hòa Thân làm gương, vẫn tiếp tục vi phạm quốc pháp thì sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Vậy là chỉ một câu nói của Lưu Dung, 3000 người đã được tha bổng.
Tuy rằng 3000 người đó ít nhiều đều là tham quan hối lộ, nhưng Gia Khánh lấy lợi ích quốc gia làm trọng, tránh dẫn đến phản loạn, bạo động, cho nên quyết định không tróc nã, thanh trừng hàng loạt.
Để có được kết quả này, không thể không nhắc lại những lời cố vấn rất chân thành và hiệu quả của Lưu Dung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.