Lý do Biden không thể chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas

Minh Nhật Thứ năm, ngày 20/05/2021 13:00 PM (GMT+7)
Một số người tin rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gây áp lực cho Israel để chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Tuy nhiên, theo Foreign Policy, ông Biden không thể làm được điều đó và chỉ có một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột nhưng không bên nào quan tâm.
Bình luận 0
Lý do Biden không thể chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas - Ảnh 1.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas những ngày qua đã khiến hàng trăm người thương vong.

Trong bối cảnh xung đột ở Dải Gaza leo thang dữ dội khiến hơn 227 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng, tính đến thời điểm này, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Joe Biden làm điều gì đó để chấm dứt giao tranh giữa Israel và Hamas.

Chính quyền Joe Biden cũng đang nỗ lực thay đổi chính sách thiên vị Israel của người tiền nhiệm. 

Ngày 17/5 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington ủng hộ việc thiết lập một lệnh ngừng bắn cho cuộc giao tranh hiện nay giữa Israel và Palestine. 

Ngoài ra, Washington cũng khôi phục quan hệ và nối lại viện trợ cho chính quyền Palestine, ủng hộ giải pháp hai nhà nước và không ủng hộ chính sách định cư của Israel...

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, từ tuyên bố của các bên, đặc biệt là tuyên bố "rắn" của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thề tiếp tục tấn công Hamas, Washington được cho là khó có khả năng chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza. 

Lý do Biden không thể chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas - Ảnh 2.

Thủ tướng Israel đã tuyên bố tiếp tục tấn công Gaza bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng thống Joe Biden.

Trên thực tế, Israel và Hamas có thể được thuyết phục ngừng bắn tạm thời vì chỉ có một cách để thực sự giải quyết tranh chấp cơ bản giữa 2 bên. Đó là giải pháp hai nhà nước. Nhưng không may, không bên nào trong xung đột chịu quan tâm đến điều này.

Hiện tại, Israel vẫn đang chìm trong khủng hoảng chính trị kéo dài chưa có lối thoát. Hai năm với bốn cuộc bầu cử, đến nay Israel vẫn chưa thành lập được một chính phủ ổn định và không loại trừ khả năng phải bầu cử lại lần thứ 5 vào tháng 9 tới. Nếu một liên minh cầm quyền gồm các đảng cánh hữu tiếp tục nắm quyền ở Israel thì tiến trình hòa bình với Palestine không thể được thông qua.

Trong khi đó, nội bộ Palestine cũng bị chia rẽ nghiêm trọng giữa phong trào Fatah và Hamas.  Fatah chủ trương giải quyết các vấn đề với Israel bằng đàm phán hòa bình, trong khi đó Hamas chủ trương đấu tranh vũ trang. Trên thực tế, Palestine đang tồn tại hai chính quyền: một của Tổng thống Mahmoud Abbas ở Bờ Tây và một của Hamas ở Gaza. Mặc dù ông Mahmoud Abbas trên danh nghĩa vẫn ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, nhưng theo Foreign Policy, ông Mahmoud Abbas đã 85 tuổi và già yếu nên khó lòng tích cực theo đuổi giải pháp khó khăn này.

Sự thật là 2 bên tham chiến hiếm khi vì áp lực từ bên ngoài mà làm hòa trừ khi họ sẵn sàng cho điều đó. Hai bên có thể bị áp lực phải ngừng bắn nhưng xung đột cơ bản của 2 bên sẽ kéo dài cho đến khi những điều bất bình cơ bản của họ được giải quyết. Cách hợp lý duy nhất để làm điều đó là giải quyết theo giải pháp 2 nhà nước. Điều đáng buồn là hiện tại cả dường như cả Israel và Hamas đều không sẵn sàng để giải quyết vấn đề của họ.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem