Lý do IMF cho rằng Việt Nam cần áp dụng chính sách tài khóa mở rộng

Ngọc Diệp Thứ hai, ngày 02/10/2023 15:38 PM (GMT+7)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã công bố báo cáo về kinh tế Việt Nam trong đó có một số dự báo về kinh tế năm nay và năm sau.
Bình luận 0

Tổng quan nền kinh tế năm 2022 và những tháng vừa qua của năm 2023

Sau đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ vào các yếu tố căn bản tốt và chính sách y tế công cộng thận trọng trong thời kỳ dịch bệnh trước đó. GDP năm 2022 tăng trưởng đến 8%, ngưỡng cao trong lịch sử và đồng thời cao nhất tính từ đầu thập niên 1990.

Nền kinh tế hưởng lợi nhờ hai lực đỡ bao gồm nhu cầu nội địa và bên ngoài tăng trưởng tốt. Lạm phát năm 2022 được giữ ở mức 3,2%, thấp hơn ngưỡng 4% theo mục tiêu đề ra trước đó dù rằng trên thực tế áp lực giá cả tăng dần trong năm.

Quá trình phục hồi đã bị rút ngắn bởi có quá nhiều thách thức mà nền kinh tế phải đương đầu vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, IMF phân tích. Căng thẳng tài chính trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản trở nên nhiều hơn do điều kiện vốn bị thắt chặt, doanh số bán bất động sản chậm lại và nhiều rủi ro pháp lý. Cùng lúc đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng khi niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm.

Căng thẳng tỷ giá dâng cao trong suốt năm 2022 khi mà lãi suất toàn cầu tăng chóng mặt và ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến một trục trặc. Kinh tế chịu ảnh hưởng bởi việc nhu cầu toàn cầu giảm tính từ cuối năm 2022, xuất khẩu giảm 13% trong nửa đầu năm 2023.

Áp lực thanh khoản, ngoại hối và lạm phát đã hạ nhiệt tuy nhiên tăng trưởng kinh tế đã giảm đáng kể và dự kiến GDP tăng trưởng được 4,7% trong năm 2023 nhờ vào xuất khẩu phục hồi và chính sách tài khóa mở rộng. Lạm phát nhiều khả năng được kiềm chế ở mức dưới 4,5%. Việt Nam có thể có lại tăng trưởng cao trong trung hạn nhờ vào các cải cách về cấu trúc.

Lý do IMF cho rằng Việt Nam cần áp dụng chính sách tài khóa mở rộng  - Ảnh 1.

Các chỉ số kinh tế chính của Việt Nam theo tính toán và dự báo của IMF từ 2019 đến 2024 - Nguồn: IMF

IMF phân tích sau khoảng thời gian tăng trưởng mạnh hậu đại dịch COVID-19, nền kinh tế đương đầu với nhiều thách thức.

Môi trường bên ngoài yếu đi khiến cho xuất khẩu suy giảm. Không chỉ vậy, trong bối cảnh nợ tư nhân và lãi suất toàn cầu cao, tình trạng thắt chặt thanh khoản trong nhiều lĩnh vực có tỷ trọng vay nợ cao ví như bất động sản căng thẳng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, nợ xấu cao. Kết quả, hoạt động kinh tế suy yếu mạnh, nợ xấu tăng. Hoạt động kinh tế đi xuống trong nửa đầu năm 2023. Dù rằng chính phủ đã cố gắng bình ổn tình hình, hiện vẫn còn tồn tại những rủi ro.

IMF đồng thời đưa ra một số khuyến nghị chính sách, theo IMF, trong bối cảnh hiện có quá nhiều thách thức mà kinh tế phải đối mặt, sẽ cần đến phản ứng toàn diện và đa chiều bởi chính phủ. Không chỉ vậy, Việt Nam cần phải áp dụng các biện pháp dài hạn để đáp ứng mục tiêu trung và dài hạn về việc có được tăng trưởng kinh tế cao và không gây hại đến môi trường.

Chính sách tiền tệ: Chính sách tiền tệ trước đây từng được sử dụng nhiều để ứng phó với tình trạng kinh tế suy giảm, tuy nhiên không có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ ở hiện tại.

Cơ chế tỷ giá cần cho phép sự linh hoạt và đi kèm với nó là việc hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ để có thể có thêm công cụ chính sách hoạt động dựa trên cơ chế thị trường.

Chính sách tài khóa: Bởi dư địa chính sách tài khóa còn dồi dào, sẽ tốt hơn nếu ngân sách được sử dụng để dẫn đầu trong việc mang đến thêm biện pháp hỗ trợ nếu hoạt động kinh tế tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng. Chính phủ có thể tăng cường chương trình an sinh xã hội để giúp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và bảo vệ nhóm những hộ gia đình thuộc diện dễ chịu tổn thương nhất.

Trong trung hạn, việc huy động thêm doanh thu sẽ làm tăng thêm chi tiêu xã hội và đầu tư hạ tầng.

Ngành tài chính: Sự vững vàng của hệ thống ngân hàng và thị trường vốn nội địa sẽ cần phải được củng cố, trong đó phải kể đến khả năng ngăn ngừa và ứng phó với khủng hoảng. Việc nâng cấp tính hiệu quả của cơ chế xử lý nợ nần và khung thanh khoản sẽ giúp xử lý với tình trạng nợ nần doanh nghiệp và làm giảm rủi ro của nền kinh tế cũng như lĩnh vực tài chính.

Chính sách khí hậu và cấu trúc: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trung hạn và các mục tiêu về khí hậu sẽ cần đến quá trình cải tổ về cấu trúc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực.

Những phân tích chi tiết và một số khuyến nghị

IMF đưa ra những phân tích chi tiết về kinh tế Việt Nam năm 2022 và những tháng vừa qua trong năm 2023:

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh trong năm 2022. Việc dịch chuyển chính sách sang "sống chung với COVID" cùng với chiến dịch tiêm vaccine ấn tượng cũng như nhu cầu nội địa và nước ngoài ở ngưỡng cao giúp cho hoạt động kinh tế tăng trưởng tốt trong năm 2022. GDP tăng trưởng ở ngưỡng cao lịch sử 8%. Lạm phát thường niên trung bình ở mức 3,2%, tuy nhiên áp lực giá cả, đặc biệt với nhóm hàng hóa thuộc các mặt hàng tiêu dùng lõi, tăng đều trong năm. Tăng trưởng nhu cầu bên ngoài ở thời điểm trước đó của năm làm giảm thâm hụt vãng lai xuống mức còn tương đương 0,3% GDP.

Hoạt động kinh tế suy giảm nghiêm trọng từ cuối năm 2022 do đương đầu với nhiều yếu tố thách thức trong nội địa và bên ngoài. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 hạ nhiệt xuống còn 3,7%, đầu tư giảm sâu nhất trong hơn một thập kỷ.

Lý do IMF cho rằng Việt Nam cần áp dụng chính sách tài khóa mở rộng  - Ảnh 2.

Biểu đồ 1: Diển biến tăng trưởng GDP từ nửa đầu năm 2015 đến nay - Nguồn: IMF. Biểu đồ 2: Diễn biến thương mại và dòng vốn FDI - Nguồn: IMF


Việc triển vọng kinh tế xấu đi bất thường có nguyên nhân từ các yếu tố căng thẳng tài chính nội địa, biến động trong lĩnh vực bất động sản cũng như xuất khẩu giảm mạnh (trong 6 tháng đầu năm, mức giảm ghi nhận 12% so với cùng kỳ năm trước), lý do chính bởi nhu cầu của thế giới với hàng hóa của khu vực giảm.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố tích cực, thị trường lao động vẫn vững vàng, tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng thấp, chỉ 2,3% trong tháng 6/2023. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu giảm giờ làm và sa thải người lao động, phần lớn trong số này chuyển sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực dịch vụ.

Căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngoại hối và tài chính bắt đầu từ cuối năm 2022: Áp lực lên tiền đồng tăng cao trong suốt năm 2022 khi mà lãi suất cơ bản toàn cầu cao, chính vì vậy tạo ra chênh lệch lớn với lãi suất nội địa.

Biến động trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn gây ra áp lực lên nền kinh tế và lĩnh vực tài chính. Tình trạng thắt chặt thanh khoản tăng cao trong bối cảnh nợ tư nhân tăng, đặc biệt trong những năm đại dịch tăng trưởng thấp. Nhiều doanh nghiệp bất động sản vay nợ nhiều trong những năm gần đây đương đầu với khó khăn tài chính khi mà lãi suất tăng và doanh số bán nhà giảm vào cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã đưa ra phản ứng chính sách nhanh nhạy nhằm kiểm soát tình hình trong môi trường có nhiều thay đổi nhanh. Cũng giống như nhiều nước khác đang đương đầu với lạm phát và áp lực tỷ giá, SBV nâng lãi suất chính sách trong mùa thu năm 2022, tổng mức điều chỉnh ước tính khoảng 200 điểm cơ bản.

Lý do IMF cho rằng Việt Nam cần áp dụng chính sách tài khóa mở rộng  - Ảnh 3.

Tín dụng của SBV dành cho các ngân hàng Việt Nam từ tháng 1/2019 đến nay - Nguồn: IMF

Lạm phát mục tiêu của năm 2023 được điều chỉnh từ 4% lên 4,5%. Sau khi lập đỉnh 4,9% vào tháng 1/2023, lạm phát toàn phần hạ mạnh trong nhiều tháng gần đây (vào tháng 6/2023 chỉ còn tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lạm phát lõi không hạ tương đương (từ 5,2% xuống 4,3%). Khi mà SBV giảm can thiệp vào thị trường ngoại hối vào cuối năm 2022, tiền đồng có lúc tạm thời mất giá nhưng áp lực tiếp tục nâng lãi suất giảm đi.

Từ tháng 3/2023, SBV đã hạ lãi suất chính sách với tổng mức hạ ước tính 150-200 điểm cơ bản nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh tế đang yếu đi. Cùng lúc đó, tỷ giá hối đoái vẫn ổn định.

Tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục trong nửa sau của năm. Sau khi tăng trưởng yếu trong nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo sẽ tăng tốc và đạt ước tính khoảng 4,7% trong cả năm nay với điều kiện những biến động trong lĩnh vực bất động sản được kiềm chế, tăng trưởng xuất và nhập khẩu cải thiện trong nửa sau năm 2023 và năm 2024.

Rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế vẫn lớn, hiện tại những bất ổn xung quanh việc dự báo cao. Dù rằng trong thời gian gần đây có hưởng lợi từ việc một số doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ vẫn chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm trong thương mại toàn cầu do sự phân cực về địa kinh tế. Tình trạng thiếu năng lượng trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6/2023 có thể đã gây ra nhiều hậu quả với hoạt động kinh tế và niềm tin kinh doanh. Còn nếu nhìn từ góc độ tích cực, việc triển khai đầu tư công nhanh hơn kỳ vọng sẽ có thể giúp kích thích tăng trưởng.

IMF cho rằng trong trung hạn, việc tăng cường hiệu quả của cơ chế xử lý nợ và khung thanh khoản để xử lý hiệu quả vấn đề nợ nần trong lĩnh vực bất động sản cũng như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Việc cải tổ thể chế tốt hơn sẽ giúp củng cố hoạt động quản trị thị trường vốn nội địa cũng như khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Các biện pháp cải tổ sẽ giúp bảo vệ cho nhà đầu tư và các nguyên lý minh bạch sẽ được tôn trọng để khôi phục niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rằng tất cả nhà đầu tư sẽ được đối xử công bằng.

Ngoài ra, việc tăng cường năng lực cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và giúp cho quá trình niêm yết trái phiếu bớt phiền hà hơn cũng sẽ làm tăng niềm tin vào thị trường trái phiếu, đồng thời khiến cho nó trở thành kênh huy động vốn bền vững và ổn định.

IMF cho rằng Việt Nam cũng cần phải tăng cường điều tiết và giám sát ngân hàng, ví dụ như thông qua việc ràng buộc nhiều hơn nữa các ngân hàng với SBV, tăng cường sự điều phối giữa các tổ chức, tăng cường cơ chế giám sát dựa trên đánh giá rủi ro và đưa ra khung giám sát các tập đoàn ngân hàng. Không chỉ vậy, IMF khẳng định cần phải công bố chi tiết về sở hữu ngân hàng và các bên cho vay liên quan và đồng thời tăng cường giám sát thị trường chứng khoán và các thành viên thị trường.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, chính vì vậy thực sự cần đến cần đến tăng cường giám sát trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Giao dịch trên các kênh không dùng tiền mặt năm 2022 tăng gấp đôi so với năm 2021. Hơn 2,8 triệu tài khoản thanh toán trên điện thoại di động được mở trong năm 2022, trong đó khoảng 70% tại các vùng sâu vùng xa và ít người sinh sống. Việc này giúp tăng tỷ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ tài chính nhưng cùng lúc cũng làm tăng rủi ro lừa đảo và gian lận, vì vậy SBV cần phải giám sát chặt chẽ hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem