Lý do loạt "ông lớn" ngân hàng ráo riết trong cuộc đua tăng vốn
Lý do loạt "ông lớn" ngân hàng ráo riết trong cuộc đua tăng vốn
L. Anh
Thứ ba, ngày 03/12/2024 09:49 AM (GMT+7)
Với việc được Quốc hội chấp chủ trương tăng vốn, Vietcombank sẽ nâng vốn điều lệ lên 83.557 tỷ đồng, đạt mức cao nhất toàn hệ thống hiện nay. Theo các chuyên gia, quy mô vốn điều lệ được xem là "tấm khiên dự phòng rủi ro", giúp các nhà băng củng cố bộ đệm vốn, duy trì CAR ổn định.
Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV được thông qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được Quốc hội chấp chủ trương tăng vốn với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 74,8% vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phiếu.
Với phương án này, Vietcombank sẽ phát hành thêm tổng 27.666 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 83.557 tỷ đồng, giữ vị trí TOP 1 trong hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank; HoSE: HDB) cũng nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận cho ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 5.825 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Ngày 2/12, HDBank cho biết, nhà băng này đang triển khai kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới). Theo đó, thời gian dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu vào quý IV/2024, thủ tục tăng vốn liên quan dự kiến thực hiện trong quý I/2025.
Nếu hoàn tất, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng lên hơn 34.900 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị trí top đầu nhóm ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Còn tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2024, cổ đông Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank; HoSE: LPB) đã thống nhất phương án điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 16,8%. Vốn điều lệ sau khi tăng tối đa là 29.873 tỷ đồng.
Không đứng ngoài cuộc chơi, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; HoSE: EIB) ngày 25/11 cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ từ gần 17.470 tỷ đồng lên mức gần 18.700 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ Eximbank tăng thêm tương ứng 1.219 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) cũng chính thức hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 24.957 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành cổ phiểu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Xét trong bảng xếp hạng, sau khi một số nhà băng được chấp thuận tăng vốn, Vietcombank sẽ là nhà băng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống hiện nay. Đứng thứ 2 là VPBank với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng, tương ứng tăng 20.000 tỷ đồng sau hai năm liên tiếp 2021 và 2022.
Xếp ở vị trí thứ 3 là Techcombank với vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng với một đợt tăng vốn "thần tốc". Nguyên nhân do vốn điều lệ của Techcombank tăng thêm 34.150 tỷ đồng, lên mức 70.450 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại.
Đứng vị trí thứ 4 là BIDV với vốn điều lệ 57.004 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tương lai, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, vốn điều lệ của BIDV có thể tăng lên hơn 70.000 tỷ đồng nếu chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu.
Theo Eximbank, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh, mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông. Việc tăng vốn còn giúp mở rộng khả năng cung ứng tín dụng, đầu tư công nghệ hiện đại, phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo. Qua đó nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
"Sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh. Thời gian tới, đơn vị sẽ tận dụng tối đa nguồn tài trợ để mang đến các giải pháp tài chính tối ưu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt, đồng hành nền kinh tế hội nhập, phát triển bền vững", Eximbank đề cập.
Đối với SeABank, nhà băng này chia sẻ, việc tăng vốn điều lệ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của SeABank, giúp Ngân hàng gia tăng nguồn vốn và năng lực tài chính để tiếp tục nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động, đầu tư công nghệ...
Nhờ đó, SeABank sẽ có nền tảng vững chắc, toàn diện để tạo đà phát triển và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững theo hướng Quản trị - Môi trường - Xã hội (ESG).
Theo các chuyên gia, đối với ngân hàng, quy mô vốn điều lệ được xem là "tấm khiên dự phòng rủi ro". Bởi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo được rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và phải trên 8%. Khi rủi ro tín dụng tăng cao, tỷ lệ CAR sẽ sụt giảm, dẫn đến các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn.
Theo đó, việc tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại sẽ không làm tỷ lệ CAR của các ngân hàng tăng lên, nhưng sẽ giúp các nhà băng củng cố bộ đệm vốn, duy trì hệ số này ổn định.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích của Chứng khoán MBS nhận định, việc các ngân hàng tăng vốn điều lệ là xu thế tất yếu, là điều bình thường trong quá trình phát triển của ngành tài chính Việt Nam
"Nguyên nhân do Việt Nam đang rất thiếu vốn nên việc các tổ chức tài chính (như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán,...) liên tục tăng vốn thông qua hình thức giữ vốn, không chia cổ tức bằng tiền là điều tất yếu", bà Hiền lý giải.
Mặt khác, hiện tại, nhóm ngân hàng Việt Nam mới đạt chuẩn mực Basel II; 1 vài ngân hàng mới đáp ứng một vài tiêu chí của chuẩn mực Basel III. Trong khi đó, ngân hàng các nước lân cận trong khu vực như Thái, Malaysia, Singapore,... họ đã chuyển qua Basel VI.
Theo đó, bà Hiền nhận định, ít nhất là trong vòng 5 năm nữa, quá trình tăng vốn sẽ vẫn liên tục diễn ra. Tuy nhiên, trong quá trình đó, 1 số ngân hàng cũng cần cân đối với lợi ích của cổ đông (chia cổ tức bằng tiền) nên quá trình này sẽ đan xen với nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.