Liên quan đến vụ ngập lịch sử ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thời gian qua, sáng nay (16/8), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Phú Quốc tổ chức họp báo.
Các chiến sĩ hỗ trợ người dân Phú Quốc đi lại trong những ngày ngập úng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Công Khâm - Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết, tình trạng ngập ở Phú Quốc có hơn 200 tin bài được báo chí đăng tải (tính từ ngày 3/8 đến ngày 13/8).
“Trong hơn 200 tin, bài được báo chí đăng tải, chỉ có 1/4 tin, bài nói về biện pháp khắc phục, còn lại nói về tình hình rồi để đó mặc cho xã hội và người đọc bình luận”, ông Khâm nói.
Theo ông Khâm, có nhiều thông tin phản ánh một mặt, một khía cạnh, rất ít không tin nói về sự chia sẻ, giúp đỡ và biện pháp tháo gỡ, khắc phục.
Ông Mai Văn Huỳnh – Bí thư, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho hay, ngập lụt ở Phú Quốc là bất ngờ và ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương.
"Tuy nhiên, đây là chỉ ngập cục bộ ở một số khu vực như: thị trấn Dương Đông, Bến Tràm, Cây Thông Trong, đường dọc Bãi Trường…, không thể nói cả hòn đảo chìm trong biển nước. Thông tin này gây hoang mang cho người dân và du khách, một số nhận định chủ quan còn gây thiệt hại cho các nhà đầu tư", ông Huỳnh nói.
Quang cảnh buổi họp báo.
Cũng theo ông Huỳnh, hơn 8.000 nhà dân bị ngập là những hộ từ nơi khác đến đây mua đất cách đây 10 năm. Họ sinh sống trong ngõ ngách, thung lũng, vùng sâu nên khi xảy ra ngập, những hộ này bị chia cắt.
Ông Huỳnh cho rằng, Phú Quốc có bốn bề là biển, 65% núi rừng, còn lại là đồng bằng. Phú Quốc hội tụ đầy đủ các điều kiện chứ không phải ốc đảo, mưa xuống là trôi đi hết. Do vậy, muốn đánh giá về nguyên nhân ngập nên tìm hiểu kỹ về địa hình.
"Vụ ngập lần này do biến đổi khí hậu, cụ thể là do mưa lớn kéo dài trong vòng một tuần, gió mùa ập đến, triều cường lên cao... Ngoài ra, việc quản lý đô thị, quản lý xây dựng của cơ quan chức năng chưa quyết tâm, chưa triệt để xảy ra việc lấn chiếm, xây dựng không phép, từ đó làm cản trở dòng chảy ở một số nơi", ông Huỳnh khẳng định.
Thời gian tới, các ngành chức năng Phú Quốc sẽ thực hiện ngay việc khơi thông dòng chảy, động viên người dân tự giác tháo gỡ những công trình xây cất trái phép. Đồng thời, nhờ các nhà khoa học đánh giá tình hình và đưa ra dự báo về nước biển dâng, khí hậu cực đoan để địa phương có kế hoạch điều chỉnh lại quy hoạch.
"Trước mắt, Phú Quốc thành lập tổ xử lý nhanh các trường hợp vi phạm đối với những hộ tự ý xây cất nhà hay công trình lấn sông, suối. Đối với hạ tầng giao thông bị hư hỏng sau trận ngập lụt lịch sử vừa qua, chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp cùng với địa phương khắc phục theo hình thức xã hội hóa", Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói.
Tại cuộc họp, ông Lê Quốc Anh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đề nghị UBND huyện Phú Quốc cùng các sở ngành liên quan sớm lập ngay bản đồ ngập úng do mưa như vừa qua, để từ đó có kịch bản thích ứng phù hợp nhất.
"Một số chuyên gia cũng đề xuất Phú Quốc nên có hệ thống thoát nước dạng kênh hở bằng bê tông để vừa tạo cảnh quan và giảm chi phí đầu tư", ông Anh nói.
Theo thống kê, trong ngập lịch sử vừa qua, Phú Quốc có 63km đường bị ngập (độ sâu trung bình là 0,7m, có nơi lên đến 2m), số nhà bị ngập trong là 8.424 căn, phải sơ tán 1.985 người dân, ước tổng thiệt hại trên 107 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.