Lý giải việc học sinh dùng cơm chiều giữa sân trường

P.V (t/h) Thứ hai, ngày 12/12/2016 22:04 PM (GMT+7)
Như Dân Việt đã thông tin, mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một học sinh vừa đứng cạnh xe máy, vừa vội vàng xúc những miếng cơm trong hộp được phụ huynh chuẩn bị sẵn từ nhà.
Bình luận 0

Bức ảnh này được chụp bởi một thầy giáo dạy THPT trên địa bàn TP.HCM. Ngay khi được chia sẻ, khoảnh khắc này đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người.

Trong ảnh, một bé gái đứng ăn vội bữa chiều trong sân trường để kịp vào ca 3 - ca học thêm sau cả ngày học chính khoá. 

"Khổ thân bé. Bắt nó đi học thêm quá sức làm gì. Ở nhà đọc truyện, đọc sách (kể cả sách toán)... thông minh lên nhiều”, đây là chia sẻ của một người sau khi thấy bức ảnh.

img

Bức ảnh gây tranh cãi được cho là chụp tại TP.HCM.

Chia sẻ về bức ảnh này, cô Lê Thị Loan - giảng viên Học Viện Quản lý Giáo dục - cho hay: Hiện nay, nhiều phụ huynh có suy nghĩ càng cho con đi học thêm nhiều thì con sẽ càng giỏi.

Đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc có học sinh một ngày học mấy ca lại thêm về nhà học, như vậy việc học kéo dài từ 7h sáng có khi tới 11h đêm, không ngừng nghỉ. Và nét mặt các con lúc nào cũng thể hiện rõ sự mệt mỏi.

Tôi ám ảnh nhất là đôi mắt lờ đờ của một cô học sinh lớp 4 khi tình cờ gặp tại cửa hàng gà rán gần nhà. Lúc đó, người mẹ đang cố động viên con buổi tối sau khi học ở trung tâm về hãy học cô gia sư môn Toán tại nhà.

Mặc dù đứa bé đã nói con rất mệt và buồn ngủ nhưng người mẹ vẫn động viên bằng những lời lẽ "đầy mật": "Cố lên con gái, học đi rồi con muốn gì mẹ cũng mua cho". Thế rồi bạn nhỏ kia ậm ừ làm theo ý muốn của người mẹ.

Chúng ta không hiểu rằng càng nhồi nhét và đặc biệt là nhồi nhét thiếu khoa học sẽ làm cho con cái chúng ta thành những "chú gà công nghiệp thực thụ".

Vì thế, phụ huynh chúng ta hãy tạo mọi điều kiện để ngoài việc học con được tham gia các môn thể thao, rèn luyện thể lực cũng như được trải nghiệm và tích lũy kỹ năng sống.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi trí não phải hoạt động liên tục mà không được nghỉ ngơi sẽ dẫn đến sự rối loạn tâm trí. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thần kinh. Căn bênh này thường gặp nhiều nhất vào mùa thi, chuyển giao các cấp học...

Không nên “cắm đầu cắm cổ” vào sách vở đến ăn cũng phải khổ sở để cho nhanh và kịp đi học, hãy nghỉ ngơi, thư giãn và tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn. Đây cũng là một trong những cách học cọ xát thực tế rất hiệu quả. IQ rất quan trọng nhưng "với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn". Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất.

Thực tế hiện nay, nhiều nơi các em phải học tập chính ở trường theo thời khóa biểu chính khóa cả ngày. Sau thời gian học bán trú, các em lại tiếp tục được định hướng hoặc bắt buộc tham gia các lớp ngoài giờ, học thêm đến gần nửa đêm mới kết thúc. Có thể thấy rằng các em chỉ còn khoảng thời gian ít ỏi vui chơi sau 21 giờ nhưng cũng phải dành cho ăn uống, làm bài tập… Hầu như các em không còn thời gian ăn uống, chưa nói giải trí nữa.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, việc học tập với cường độ cao và quá thời gian cho phép sẽ tạo cho học sinh tâm lý chán nản. Khi đó, tiếp thu kiến thức chỉ mang tính ép buộc, đối phó, dễ dẫn đến các bệnh về tâm lý nếu thực hiện liên tục trong thời gian dài, có thể khiến các em hung bạo hoặc co mình với người khác. Tất cả điều đó đều dễ dẫn đến hoặc là trở thành đối tượng đi gây bạo lực trong lớp học, ngoài xã hội; hoặc là đối tượng, đề tài cho các học sinh khác gây bạo lực về tinh thần như trêu chọc, bị tẩy chay hay bị bạo lực về sức khỏe như đấm, đá, tát...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem