Ly kỳ chuyện tài sản thế chấp ngân hàng… không cánh mà bay

Quang Phương Thứ sáu, ngày 11/09/2020 16:40 PM (GMT+7)
Một doanh nghiệp đem hơn 451,359m³ gỗ căm xe nhập khẩu thế chấp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Sau gần nửa năm, tài sản trên đã “không cánh mà bay”.
Bình luận 0

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 19/1/2012, Công ty CP NTC (viết tắt theo đề nghị của đơn vị) và Eximbank Chi nhánh quận 7 cùng ký kết hợp đồng thế chấp tài sản để thế chấp 455 lóng gỗ căm xe (tương đương 546,192m³), nhập khẩu từ Myanmar.

Giá trị hàng hóa thế chấp được xác định  hơn 5,7 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng thế chấp tài sản này được dùng để đảm bảo cho Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ với khoản vay 4 tỷ đồng, lãi suất vay là 20,8%/năm, lãi suất quá hạn là 150% lãi suất vay.

Ly kỳ chuyện tài sản thế chấp ngân hàng… không cánh mà bay - Ảnh 1.

Cảng Mê Kông nơi số gỗ gửi và bị mất. Ảnh: CTV.

Sau đó, Eximbank Chi nhánh quận 7 đã chỉ định Công ty CP đầu tư và tiếp vận Mê Kông (tạm gọi Công ty Mê Kông) làm đơn vị bảo quản số tài sản thế chấp trên. 

Giữa 3 bên đã ký Hợp đồng bảo quản tài sản thế chấp. Ngày 20/1/2012, Công ty CP NTC đã nhận được khoản tiền vay theo hợp đồng tín dụng.

Thế nhưng, khoảng tháng 5/2012, Công ty CP NTC phát hiện hàng hóa thế chấp cho ngân hàng tại kho bị thiếu hụt. Ngày 5/7/2012, đại diện 3 bên cùng tiến hành kiểm tra tình trạng hàng và phát hiện số lượng hàng bị thiếu hụt là 376 lóng, tương đương 451,359m³ gỗ. 

Sau nhiều lần thương lượng và giải quyết giữa các bên không thành,  Công ty CP NTC đã khởi kiện vụ việc ra TAND quận 7. Ngày 19/11/2019, TAND quận 7 đã đưa vụ án "Tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn là Công ty CP NTC và ngân hàng Eximbank Chi nhánh quận 7 ra xét xử sơ thẩm.

TAND quận 7 khẳng định, việc thiếu hụt hàng hóa nêu trên là bị mất trong quá trình bảo quản, lưu giữ tại kho của Công ty Mê Kông chứ không phải cho mượn giữa các bên để thế chấp. 

Do ngân hàng đã chỉ định Công ty Mê Kông là đơn vị bảo quản hàng hóa thế chấp nên ngân hàng phải có trách nhiệm đối với tài sản thế chấp của Công ty CP NTC.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên xử: Buộc ngân hàng Eximbank Chi nhánh quận 7 trả lại cho Công ty CP NTC số tiền 8.350.141.500 đồng (hơn 8,35 tỷ); buộc Công ty CP NTC thanh toán cho ngân hàng số tiền còn thiếu tính đến ngày 26/9/2019 là 8.586.849.267 đồng.

Ngoài ra, kể từ ngày 20/11/2019, Công ty CP NTC còn phải thanh toán cho Ngân hàng Eximbank Chi nhánh quận 7 tiền lãi phát sinh theo mức lãi suất của hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ ngày 20/1/2012 đã ký kết cho đến khi thanh toán hết nợ.

Không đồng tình với bản án nêu trên, cả Công ty CP NTC và Eximbank Chi nhánh quận 7 đều có đơn kháng cáo 1 phần của bản án. 

Trong đó, Công ty CP NTC kháng cáo đối với phần lãi suất phải trả. Bởi theo nguyên đơn, lỗi để mất hàng hóa là do Eximbank Chi nhánh quận 7 chỉ định đơn vị bảo quản có năng lực quản lý yếu kém, chứ không phải do Công ty CP NTC vi phạm hợp đồng…

Ly kỳ chuyện tài sản thế chấp ngân hàng… không cánh mà bay - Ảnh 2.

Biên bản làm việc phát hiện số gỗ bị thiếu - Ảnh: Quang Phương.

Ngày 17/8, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, đại diện Eximbank Chi nhánh quận 7 đã chủ động xin rút lại một phần lãi phạt quá hạn đối với Công ty CP NTC số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Lý do: Có nhầm lẫn trong cách tính lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ý kiến này đã được Công ty CP NTC đồng ý.

Tuy nhiên, xuyên suốt phiên tòa, Eximbank Chi nhánh quận 7 vẫn khẳng định việc mất hàng hóa thế chấp nêu trên hoàn toàn không phải do lỗi của ngân hàng. 

"Eximbank Chi nhánh quận 7 chỉ có trách nhiệm giữ và bảo quản giấy tờ tài sản đảm bảo, không có trách nhiệm bảo quản lô gỗ trên thực tế. Và Eximbank Chi nhánh quận 7 chỉ có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bảo quản giấy tờ tài sản không tốt", đại diện ngân hàng nói.

Trong khi đó, phía nguyên đơn lại cho rằng: "Lỗi trực tiếp để xảy ra sự cố mất tài sản thế chấp là do đơn vị bảo quản (Công ty Mê Kông), nhưng trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho là ngân hàng".

Đại diện Công ty CP NTC cho rằng: "Trong trường hợp này, Công ty Mê Kông mới là đơn vị có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng, chứ không phải bồi thường cho Công ty CP NTC. Nên việc Công ty CP NTC khởi kiện ngân hàng để yêu cầu Công ty Mê Kông bồi thường là đúng thẩm quyền".

Dự kiến ngày 17/9, TAND TP.HCM sẽ tuyên án phiên phúc thẩm vụ việc trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem