Hồi ở Việt Bắc cuối những năm 1960, có một ông cán bộ to cấp khu, triệu tập mấy nhà báo giúp ông viết hồi ký. Cuốn sách ra đời dày cộp năm - sáu trăm trang. Hồi ký kể về chặng đường ông ấy từ nhà đi làm cách mạng lập công.
Năm ấy, Cục Xuất bản nhặt cuốn sách đó ra để trao Giải sách xấu trong năm. Lúc ấy, tôi cũng chẳng hiểu thế nào. Nhưng sau mới biết Cục dám làm cái việc nhận xét không tốt đẹp về cuốn hồi ký cách mạng ấy vì có những cán bộ lão thành cùng thời đọc và kêu lên là ông ấy tự tô vẽ cho mình nhiều quá. Các cụ nói có nhân chứng sống hẳn hoi. Tác giả cuốn hồi ký nín thít. Và sự việc trôi đi.
Đó là “đánh bóng”.
Mãi sau này, từ “đánh bóng” mới ra đời. Đánh bóng nghĩa đen là là lau chùi đồ vật cho sáng bóng lên. Còn nghĩa mới là PR cho thương hiệu của mình!
Nói thêm cho mình những điều hay ho dù chẳng có, thực ra có nguồn từ bệnh sĩ diện. Lúc đầu chỉ là sĩ diện, sau thì nhằm mục đích tạo uy tín cho mình. Dân gian chỉ bệnh này bằng câu cách ngôn: Thùng rỗng kêu to.
Chuyện trên chỉ là lối đánh bóng thô sơ. Thời nay cách đánh bóng phong phú hơn nhiều. Trong giới ca sĩ thỉnh thoảng lại nổ ra xì cang đan: Nam giới thì đồng tính, nữ thì “lộ hàng”, hoặc ngôi sao này sắp có bầu, đôi ca sĩ kia sắp bỏ nhau… Chưa thỏa mãn thì nâng cấp sang clip sex. Lại còn có chàng khoe nhà triệu đô! Tất cả chỉ nhằm để người ta nhớ tới tên mình. Đúng là chẳng còn thiếu chiêu nào mà họ không nghĩ đến.
Trong môi trường hành chính thì đánh bóng bằng báo cáo hay, giấu nhẹm những sai sót. Trong kinh tế cũng vậy, đánh bóng bằng các báo cáo lãi lỗ lộn xộn, rồi cuối cùng bóng chưa thấy, vết xước đã lộ đầy.
Ai cũng biết đánh bóng là hiện tượng chẳng mấy tốt đẹp, nhưng rồi người ta vẫn mải miết đánh bóng cho đến khi đổ kềnh. Đổ kềnh mà có khi vẫn không chịu. Cái đó được dân gian chỉ ra bằng câu thành ngữ: “Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay”. Thế đó!
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.