Mai Tiến Thành: Vượt cả Công Vinh, Văn Quyến và suất “học bổng” cười ra nước mắt
Mai Tiến Thành: Vượt cả Công Vinh, Văn Quyến và suất “học bổng” cười ra nước mắt
Nhật Trường (tổng hợp)
Thứ hai, ngày 18/05/2020 07:10 AM (GMT+7)
Bóng đá Việt Nam từng ghi nhận câu chuyện “dở khóc dở cười” sau một cuộc thi tìm kiếm tài năng rầm rộ để trao suất học bổng 9 tháng tập luyện tại Leeds United. Nhân vật trung tâm của câu chuyện ấy chính là Mai Tiến Thành.
Trong một buổi phát sóng chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2003 (có thí sinh người Thanh Hóa tham dự) được truyền hình trực tiếp, khán giả đã ồ lên sửng sốt khi ống kính chĩa vào một gương mặt "quê quê" lạ lẫm cùng lời giới thiệu rất ấn tượng từ người dẫn chương trình: thí sinh giành giải nhất tại cuộc thi "Tìm kiếm tài năng trẻ bóng đá Việt Nam", giành suất học bổng 9 tháng tại CLB Leeds United (những năm đầu thế kỷ 21, Leeds là đội bóng lừng danh xứ sương mù, nhiều mùa giải liên tiếp góp mặt trong nhóm dẫn đầu). Tài năng trẻ ấy, không ai khác, chính là Mai Tiến Thành.
Trước đó, trải qua quá trình thi tuyển gắt gao với sự theo dõi của cả những tuyển trạch viên Leeds, Mai Tiến Thành, cầu thủ quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa, vượt qua những Công Vinh, Văn Quyến, Phan Thanh Bình để trở thành người thắng cuộc.
Cần nói thêm là cách đây gần 20 năm, truyền thông cả nước chưa "mạnh" như hiện tại nên những tháng ngày "tầm sư học đạo" của Mai Tiến Thành nơi xứ người vẫn là một bí ẩn. Vậy nên, chỉ vẻn vẹn 2 tuần sau, chứng kiến hình ảnh Mai Tiến Thành buồn bã hồi hương, người hâm mộ cả nước không thể không đặt ra những câu hỏi. Mọi chuyện chỉ được làm sáng tỏ khi đại diện Công ty Lasta (đơn vị đồng tổ chức cuộc thi) đăng đàn giải thích trước công luận: chuyện giành giải nhất chỉ giúp Mai Tiến Thành "xuất ngoại" trong hai tuần, còn có được tu nghiệp trong 9 tháng hay không thì cần phải trải qua một cuộc kiểm tra ngặt nghèo về thể lực và kỹ thuật. Đương nhiên, cũng như một số cầu thủ trẻ châu Á khác, trong đó có cả Thái Lan, Mai Tiến Thành "rớt đài" ở bài thi thể lực. Do đại diện CLB Leeds United không nói rõ sự cố này nên suất học bổng mà Thành giành được rốt cuộc chỉ là một chuyến du lịch đúng nghĩa.
"Tại đây, tôi được nhà tài trợ giao vé đi tiếp đến London. Nhưng điều khác thường là trên vé máy bay lại ghi ngày về là 25/8 cùng với một bảng chương trình sinh hoạt cụ thể từng ngày. Quá bất ngờ, tôi hỏi bạn đồng hành là hai cầu thủ trẻ Thái Lan. Họ nói rằng đây là chuyến tham quan chứ không có du học gì cả!?", Mai Tiến Thành chia sẻ với truyền thông sau khi từ Anh trở về.
Sự kiện đội bóng của những hảo thủ lừng danh thế giới Mark Viduka, Harry Kewell, Alan Smith đưa Mai Tiến Thành... lên mây rồi ném trả phũ phàng xuống mặt đất đã gây ra những tổn thương không nhỏ đến một cậu bé ở độ tuổi vị thành niên. Suốt 4 năm sau đó, Tiến Thành lầm lũi ở các sân chơi hạng thấp và khi ai cũng nghĩ cái tên Tiến Thành đã lùi vào dĩ vãng thì cầu thủ quê Ngọc Lặc bất ngờ trở lại.
Trong mùa giải 2007, sau khi giành quyền thăng hạng V.League, đội bóng bên bờ sông Mã đã có khoảng thời gian thi đấu khá ấn tượng và Mai Tiến Thành luôn là một trong không nhiều cầu thủ nội thi đấu tốt nhất dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên (HLV) Trần Văn Phúc. Đây cũng là thời điểm CLB Vinakansai Ninh Bình (tiền thân của The Vissai Ninh Bình) hưng thịnh: thi đấu ở giải hạng nhất nhưng thú chơi ngông, "ném tiền qua cửa sổ" của ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã biến đội bóng xứ cờ lau thành "miền đất hứa" với giới quần đùi áo số.
Cuối mùa bóng 2007, ông chủ CLB Vinakansai Ninh Bình đặt vài tỷ lót tay cùng mức lương 25 triệu đồng/tháng và khẳng định: tất cả sẽ thuộc về Mai Tiến Thành nếu cầu thủ này đồng ý "vượt đèo Ba Dội".
Dĩ nhiên là tiền vệ sinh năm 1986 này đồng ý, thậm chí, để tạo sự tin tưởng cho đối tác, Mai Tiến Thành còn trưng ra bản hợp đồng chứng minh ràng buộc giữa anh với CLB Thanh Hóa sẽ đáo hạn vào ngày 31/12/2007. Chưa hết, để khẳng định mình đã là "người tự do", trong trận mở màn mùa bóng 2008, Mai Tiến Thành không ngần ngại từ chối ra sân bất chấp việc HLV Trần Văn Phúc đã điền tên mình vào đội hình xuất phát.
Rắc rối lúc này đã xảy ra. Trưởng đoàn bóng đá Thanh Hóa bấy giờ là ông Trần Quốc Hưng đã trình lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) một hợp đồng khác, có đầy đủ "dấu đỏ, chữ ký tươi" của các bên, khẳng định: Mai Tiến Thành vẫn là người của CLB Thanh Hóa đến năm 2010.
Một cầu thủ, hai bản hợp đồng và bên nào cũng quyết tâm bảo vệ lẽ phải - sự kiện hy hữu của làng cầu quốc nội đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Mọi chuyện còn được đẩy xa hơn khi đại diện đội bóng cố đô Hoa Lư là ông Nguyễn Quốc Phong cương quyết không trả phí chuyển nhượng cho CLB Thanh Hóa mà chỉ chấp nhận chi một khoản nhỏ gọi là "phí đào tạo". Bên kia "chiến tuyến", ông Trần Quốc Hưng - Trưởng đoàn bóng đá Thanh Hóa - khẳng định sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của những người "to" hơn ông Hưng, mọi thứ được khép lại. Mai Tiến Thành mau chóng thỏa nguyện và có các bước tiến đáng kể trong sự nghiệp: đeo băng đội trưởng đội bóng cố đô Hoa Lư; nằm trong danh sách HLV Mai Đức Chung triệu tập dự Merdeka Cup, vòng loại Olympic Bắc Kinh. Một năm sau, Tiến Thành được HLV Calisto điền tên vào danh sách tham dự SEA Games 2009, ghi được 5 bàn thắng. Cũng chính nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đã triệu tập cầu thủ có tuổi thơ "uống nước sông Chu" này cho AFF Cup 2010. Được trọng dụng vào những năm tháng nền bóng đá nước nhà chưa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nên Mai Tiến Thành có đủ cả tiền bạc và những cuộc tình hào nhoáng với các "hotgirl".
Sau nửa mùa bóng "hồi hương" (năm 2013), đầu năm 2014, Mai Tiến Thành lần thứ hai rời CLB Thanh Hóa, đích đến lần này là một "gã nhà giàu" khác: B.Bình Dương. Tuy nhiên, khác với biến cố năm 2008, chuyến "ly hương" này diễn ra khá êm đẹp, người đi chẳng phàn nàn và đội bóng chủ quản cũng không có gì để tiếc nuối, vì cái tên Mai Tiến Thành không còn sức hút với ban lãnh đạo, ban huấn luyện và đông đảo CĐV (thực tế sân cỏ nửa sau mùa bóng 2013 đã chứng minh điều này) nên đội bóng bên bờ sông Mã không còn tha thiết giữ chân anh.
Vụ việc Mai Tiến Thành chỉ sang Leeds United du lịch 2 tuần thay vì thử việc 9 tháng như rêu rao ban đầu khiến VFF phải hứng chịu chỉ trích, nhưng theo Trưởng Ban Bóng đá trẻ VFF lúc đó là Phạm Quang, trong hợp đồng đã ký với ban tổ chức chương trình "Tìm kiếm ngôi sao bóng đá trẻ", VFF chỉ tư vấn về chuyên môn còn phần khác là do đối tác lo.
Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn sau đó cũng thẳng thắn phê phán ban tổ chức chương trình: "Các đối tác của VFF như vậy là thiếu nghiêm túc. VFF sẽ có văn bản đề nghị có câu trả lời chính thức xung quanh chuyến đi và giải thưởng dành cho Mai Tiến Thành".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.