Mãn Châu – Chiến dịch quân sự cuối cùng của Thế chiến 2 (Phần 2): Chiến thắng cho Liên Xô

Thứ hai, ngày 24/07/2023 12:32 PM (GMT+7)
Là chiến dịch lớn cuối cùng của Thế chiến 2 nhưng chiến dịch Mãn Châu thường ít được nhắc đến hơn so với những chiến thắng khác.
Bình luận 0

Đến ngày 20/8, quân đội Liên Xô đã thọc sâu vào Mãn Châu 400 - 800 km ở phía tây, 200 - 300 km ở phía đông và phía bắc, tiến vào đồng bằng Mãn Châu, chia cắt bao vây, tiêu diệt các cụm quân địch. Từ ngày 19/8, quân Nhật hầu như khắp nơi đã bắt đầu ra hàng. Để đẩy nhanh quá trình đó và không cho địch kịp sơ tán, huỷ hoại các công trình xây dựng, quân đội Liên Xô đã đổ bộ bằng đường không và sử dụng các cụm cơ động đánh chiếm các thành phố lớn: Cáp Nhĩ Tân, An Sơn, Trường Xuân, Cát Lâm, Đại Liên, Cảng Lữ Thuận, Bình Nhưỡng, Cancô. Cuộc tiến công thần tốc của quân đội Liên Xô vào Mông Cổ đã đẩy quân Nhật vào tình trạng không lối thoát và đập tan mưu đồ phòng ngự cố thủ rồi chuyển dần sang phản công của Bộ chỉ huy Nhật. Việc đập tan Đạo quân Quan Đông và chiếm các căn cứ kinh tế - chiến tranh của Nhật trên lục địa đã làm cho Nhật hoàn toàn mất khả năng thực tế để tiếp tục chiến tranh.

Mãn Châu – chiến dịch quân sự cuối cùng của Thế chiến 2 (P2) - Ảnh 1.

Thủy quân lục chiến Liên Xô kiểm soát cảng Arthur, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, năm 1945

Trong các ngày 18-24/8, Hồng quân Liên Xô chiếm Changchun, Harbin, Jirin, Dalian-Dalny, Port Arthur và Bình Nhưỡng. Đến cuối tháng 8, các trung tâm đề kháng bị phong tỏa, các khu vực kiên cố và các đồn trú của địch đã hạ vũ khí. Các trung tâm kháng chiến riêng biệt đã bị dập tắt vào ngày 10/9. Ngày 11-25/8, Hồng quân đánh tan tập đoàn quân Sakhalin của Nhật và thu hồi Nam Sakhalin. Đầu tháng 9, quân đội Liên Xô đã đập tan cánh quân Nhật tập hợp ở quần đảo Kuril.

Bằng cách đó, Hồng quân đã góp phần quyết định vào việc kết thúc Thế chiến II. Nếu không có sự tham chiến của Liên Xô chống lại Nhật Bản, người Nhật sẽ chiến đấu trong một hoặc hai năm, điều này sẽ dẫn đến tổn thất lớn cho quân đồng minh và thương vong lớn cho dân thường trên các đảo của Nhật Bản và Trung Quốc. Ngày 29/8, Tư lệnh cánh quân Viễn Đông của Liên Xô - Nguyên soái Alexander Mikhailovich Vasilevsky - ra lệnh bãi bỏ thiết quân luật trên lãnh thổ Viễn Đông của Liên Xô từ ngày 1/9. Việc đặc cách lập ra cơ quan Tổng hành dinh Viễn Đông dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky đã tạo điều kiện chỉ huy linh hoạt, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ các phương diện quân và quân chủng để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược trọng đại.

Ngày 3/9, Vasilevsky báo cáo với Stalin về việc kết thúc chiến dịch chống quân Nhật. Theo số liệu cập nhật, Nhật Bản thiệt hại trên 700.000 quân, trong đó có hơn 640.000 bị bắt làm tù binh. Tổn thất của quân đội Liên Xô: hy sinh - hơn 12.000, bị thương - hơn 24.000 người. Chính phủ Liên Xô đã khen thưởng cho những người tham gia cuộc chiến với Nhật Bản. Hơn 2,1 triệu người được tặng thưởng huân, huy chương, trong đó có 308.000 quân nhân. 93 binh sĩ và sĩ quan được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, hơn 300 đơn vị, phân đội và tàu được tặng thưởng huân chương, 25 đơn vị nhận danh hiệu cận vệ. Hơn 220 đơn vị và phân đội được mang tên danh dự Khingan, Amur, Ussuri, Harbin, Mukden, Port Arthur, Sakhalin, Kuril... Theo sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 30/9/1945, huy chương "Chiến thắng Nhật Bản" được thông qua và hơn 1,8 triệu người đã được trao tặng huy chương này.

Mãn Châu – chiến dịch quân sự cuối cùng của Thế chiến 2 (P2) - Ảnh 2.

Lính Nhật Bản đầu hàng

Mãn Châu – chiến dịch quân sự cuối cùng của Thế chiến 2 (P2) - Ảnh 3.

Lính Nhật Bản đầu hàng

Việc đầu hàng chính thức của Nhật Bản diễn ra vào ngày 2/9/1945 trên thiết giáp hạm Missouri của Mỹ ở Vịnh Tokyo. Đối với Nhật Bản, Đạo luật Đầu hàng do Bộ trưởng Ngoại giao Shigemitsu Mamoru và Tổng Tham mưu trưởng Umezu Yoshijiro ký; về phía Đồng minh, Tư lệnh tối cao của quân đội Đồng minh, Đại tướng quân đội Mỹ Douglas MacArthur, thay mặt Mỹ; Đô đốc Bruce Fraser - Hạm đội Chester Nimitz, Anh; Trung tướng Kuzma Nikolayevich Derevyanko - Liên Xô; Đại tướng Su Yongchan - Trung Quốc, ký.

Ngày 3/9/1945, báo chí Liên Xô đăng lời kêu gọi nhân dân của Stalin nhân sự kiện kết thúc của chiến tranh với Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Liên Xô lưu ý rằng nhà nước của Liên Xô có một "duyên nợ đặc biệt với Nhật Bản". "Chúng ta đã báo thù cho thất bại trong Chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905, cuộc chiến đã "giáng xuống đất nước chúng ta như một vết đen. Liên Xô đã trả thù cho sự can thiệp của Nhật Bản năm 1918-1922, khi quân Nhật tấn công Nga, chiếm đóng Viễn Đông, đọa đày và cướp bóc nhân dân Nga trong bốn năm. Năm 1938 và 1939, Nhật Bản lại tấn công Liên Xô ở khu vực hồ Khasan và ở Mông Cổ. Giới lãnh đạo Nhật lên kế hoạch cắt đường sắt Siberia và chiếm vùng Viễn Đông. Bây giờ kẻ xâm lược đã bị tiêu diệt".

Cùng ngày, theo Nghị định của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 2/9/1945, ngày 3/9 được tuyên bố là ngày lễ chiến thắng Nhật Bản. Trong hai năm (1945 và 1946) ngày này là ngày lễ và là ngày không làm việc. Ngày 16/9, một cuộc diễu hành chiến thắng Nhật Bản đã được tổ chức tại Cáp Nhĩ Tân và trở thành cuộc diễu hành duy nhất. Nguyên soái Vasilevsky được triệu tập khẩn cấp về Moscow, cuộc duyệt binh đã được Tướng A.P. Beloborodov duyệt và do Trung tướng Pháo binh K.P. Kazakov chỉ huy.

Mãn Châu – chiến dịch quân sự cuối cùng của Thế chiến 2 (P2) - Ảnh 4.

Nhân dân Trung Quốc chào đón lính Liên Xô

Năm 1947, ngày 3/9 trở thành ngày làm việc, mặc dù ngày lễ không chính thức bị hủy bỏ. Dần dần, ngày 3/9 bắt đầu bị lãng quên và kết thúc Thế chiến II bắt đầu được kỷ niệm vào ngày 2/9. Tháng 4/2020, Duma Quốc gia đã quyết định khôi phục lễ kỷ niệm ngày 3/9. Đề xuất này được đưa ra bởi một trong những vị chỉ huy giỏi nhất của chiến dịch Chechnya - Anh hùng nước Nga, Thượng tướng Vladimir Shamanov - cựu Tư lệnh Lực lượng Dù. Ngày 24/4, Tổng thống Nga Putin đã ký ban hành luật liên quan. Các sửa đổi tương ứng đã được thực hiện đối với luật "Về những ngày vinh quang của người lính và những ngày đáng nhớ của nước Nga". Điều 1 của luật này được bổ sung thêm đoạn "Ngày 3/9 - ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai (năm 1945)". Như vậy, công lý lịch sử đã được khôi phục ở Nga. Ngày này gợi nhớ vai trò quyết định của Liên Xô-Nga trong chiến thắng trước Nhật Bản.

Chiến dịch Mãn Châu là một trong các chiến dịch kiệt xuất của các lực lượng vũ trang Liên Xô trong Đại chiến thế giới thứ hai cả về ý định, quy mô, cường độ và phương pháp tác chiến chiến thuật, chiến lược. Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch này nổi bật ở việc tổ chức, thực hành tiến công thần tốc và thọc sâu trên nhiều hướng, kiên quyết chia cắt, bao vây, tiêu diệt quân địch và đập tan ý đồ đối phó của chúng. Qua chiến dịch này, nghệ thuật quân sự Liên Xô được tích luỹ phong phú thêm bởi kinh nghiệm về tiến hành bố trí lại lực lượng vũ trang với quy mô chưa từng có từ phía tây sang phía đông của đất nước, trên cự ly 8.000 – 12.000 km; về việc cơ động các lực lượng lớn trên cự ly dài, chiếm lĩnh chiến trường có địa hình phức tạp và chưa quen thuộc; về tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa lục quân và hải quân. Chiến dịch Mãn Châu còn nổi bật ở quy mô to lớn: việc chọn hướng tiến công chủ yếu trong điều kiện chính diện tiến công rất rộng lớn, và tính độc lập tác chiến cao của các phương diện quân, tập đoàn quân và của cả các binh đoàn trong điều kiện các hướng chiến dịch hầu như biệt lập với nhau. Việc bố trí trong thê đội một chiến dịch các tập đoàn quân xe tăng và kỵ binh - bộ binh cơ giới đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tiến công rất cao trong suốt quá trình chiến dịch. Kinh nghiệm sử dụng không quân, hải quân trong việc thực hành các nhiệm vụ tiến công, trinh sát, vận tải và tiến hành đổ bộ đường không, đường biển quy mô lớn, đã được phong phú thêm một bước.

PV (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem