Cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày bản báo cáo này. Theo Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát cho thấy, việc Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ quyết định chủ trương phát hành TPCP cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Chủ tịch đề cập tới những con số cụ thể, theo đó, giai đoạn 2006 - 2012, trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư đã bố trí vốn TPCP thực hiện 2.682 dự án (tương đương 2.863 dự án và tiểu dự án) với tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là 409.415,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh TMĐT lên 684.794,5 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án.
|
Chủ tịch Quốc hội thừa nhận, việc điều chỉnh tăng TMĐT quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn. |
Tuy nhiên, về mặt tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn thừa nhận: Việc điều chỉnh tăng TMĐT quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn, nhiều dự án điều chỉnh TMĐT do tăng giá, điều chỉnh yếu tố kỹ thuật, tăng quy mô chưa hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật. Thứ hai là việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và TMĐT tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Cuối cùng, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”...
Qua đó, UBTVQH đã có một số kiến nghị. Như đối với Quốc hội, UBTVQH đề nghị sớm sửa đổi đồng bộ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, ban hành Luật Đầu tư công gắn với THTK, CLP theo hướng: Pháp điển hóa, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp giữa các văn bản liên quan, khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết trong hệ thống các văn bản như đã được nêu trong Báo cáo; Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thi hành Luật tiết kiệm, THTK,CLP trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.
Tránh tình trạng đầu tư dàn trải, mất cân đối
Trong lĩnh vực thủy lợi, giai đoạn 2006 - 2012 có 712 dự án, TMĐT ban đầu là 85.056,4 tỷ đồng, TMĐT điều chỉnh là 180.319,9 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 641 dự án. Các công trình thủy lợi hoàn thành đã góp phần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi trên toàn quốc, tăng diện tích tưới tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt, cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra, các công trình còn phát huy hiệu quả trong nuôi trồng thuỷ sản, giảm lũ, cải thiện môi trường tự nhiên, cấp nước công nghiệp, phát triển nguồn điện, phát triển du lịch...
Trong phần thảo luận, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) thẳng thắn chỉ rõ: “Chất lượng các công tác quy hoạch chưa cao, tình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch chậm được rà soát và khắc phục. Bên cạnh đó, việc xử lý các sai phạm trong thực hiện Luật THTK,CLP trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ chưa được nghiêm túc”. ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) thì cho rằng, các dự án thủy lợi là các dự án tăng ở mức khủng khiếp như dự án cải tạo khu vực sông Tích TP.Hà Nội.
TMĐT ban đầu được duyệt chỉ có 831 tỷ, đến năm 2011 thi công tăng mức đầu tư lên 6.914 tỷ, tức là tăng lên gần 9 lần. TMĐT ban đầu dự án nâng cấp đê hữu sông Hồng, sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp giao thông Bái Đính đi Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình chỉ có 1.650 tỷ nhưng sau đó điều chỉnh tăng lên 3.806 tỷ, tức là tăng gấp 2,3 lần.
Ngoài ra có một số nguyên nhân gây lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ những năm qua là do chất lượng khảo sát thiết kế của nhiều dự án chưa đạt yêu cầu, chưa thực tế, giải pháp thi công chưa hợp lý. Công tác thẩm tra phê duyệt dự toán công trình còn nhiều sai sót. Có dự án dở dang kéo dài không đảm bảo tiến độ, chậm đưa công trình vào sử dụng do thiếu vốn....
Về mặt đề xuất giải pháp, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) kiến nghị: Thứ nhất là nâng cao năng lực quản lý, quan tâm đầu tư trái phiếu Chính phủ đối với các dự án đang triển khai còn thiếu vốn. Không cắt giảm đầu tư công vì không đầu tư thì đất nước không phát triển, kéo theo nhiều hệ lụy.
Thứ hai là yêu cầu Chính phủ chú ý cân đối nguồn lực tài chính trung hạn cho phù hợp với nhiệm vụ, quy mô đầu tư, tránh để tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay, dẫn đến dàn trải, lãng phí, không hiệu quả. Đưa TPCP vào trong cân đối ngân sách nhà nước. Cuối cùng là phải có các chế tài mạnh, kiểm soát, xử lý, khắc phục các hạn chế nêu trên.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.